Xanh hóa Chư Prông

Vùng biên giới huyện Chư Prông (Gia Lai) hôm nay nằm trong ngút ngàn màu xanh cây trái và nhộn nhịp xe cộ giao thương trên những con đường bê tông rộng mở, vươn khắp. Hai bên đường, nhà cửa khang trang, to đẹp... Ít người biết rằng, nơi đây 45 năm trước từng là địa danh gieo nỗi kinh hoàng cho kẻ thù như: Pleime, Ia Đrăng, Ia Mơ...

Chư Prông được đặt theo cách mà đồng bào nơi đây gọi tên một ngọn núi lớn (Chư là núi, Prông là lớn). Trước tháng 4-1975, rừng núi bạt ngàn, dân cư thưa thớt, phần lớn bà con cùng nhau lên rừng theo kháng chiến; một số ít chưa kịp lên núi, bị địch dồn vào ấp chiến lược. Thanh niên ở các buôn, làng tự nguyện vào bộ đội, du kích, được huấn luyện cách đánh đồn, bốt, gài mìn... sau đó trực tiếp làm công tác vận động quần chúng và địch vận để xây dựng phong trào, tham gia đánh giặc.

 Một góc Chư Prông hôm nay.

Một góc Chư Prông hôm nay.

Chiều lộng gió, ngắm nhìn dãy núi Chư Prông hùng vĩ cùng thung lũng Ia Đrăng gắn liền với chiến thắng Pleime vang dội của quân và dân ta trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, càng hiểu giá trị của trận đánh này. Diễn ra từ ngày 19-10 đến 26-11-1965 dưới chân núi Chư Prông, Chiến dịch Pleime nhiều cam go, ác liệt, nhiều tình huống mà ta với địch phải đấu trí căng thẳng và ta đã giành thắng lợi nhờ tinh thần dũng cảm, sự chính nghĩa.

45 năm sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Chư Prông đã biến vùng đất biên giới hoang tàn sau chiến tranh thành vùng kinh tế phát triển. Đến nay, 100% số xã của huyện có điện lưới quốc gia, trạm y tế, trường học, chợ… Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng Chư Prông vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 10%; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 42 triệu đồng, tăng 9 triệu đồng so với năm 2000. Kinh tế phát triển, các hủ tục lạc hậu cũng bị loại bỏ, thay vào đó là nếp sống văn hóa thôn, làng lành mạnh; trật tự an ninh được giữ vững, làm tiền đề để xây dựng thành công chương trình nông thôn mới.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, cho biết: “Xác định nông nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng nên chúng tôi đã tập trung đầu tư phát triển bền vững, duy trì cây công nghiệp dài ngày, cây dược liệu theo hướng đúng quy hoạch, hợp lý, gắn với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phát huy các cơ chế, chính sách về đầu tư sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm… để người dân phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng, khắc phục sự trông chờ ỷ lại. Công tác quảng bá, thu hút đầu tư, du lịch cũng được lãnh đạo huyện chú trọng. Bên cạnh đó, huyện đặc biệt tạo điều kiện về đất đai, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, cải cách hành chính... nên đã thu hút hàng chục doanh nghiệp lớn đến đầu tư, bước đầu thu kết quả khả quan ở nhiều lĩnh vực như: Điện gió, trồng cây ăn trái, chăn nuôi, trồng dược liệu...”.

Sự no ấm, bình đẳng, hạnh phúc ở vùng đất một thời đạn bom khốc liệt đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền. Ông Rơ Mah Chun ở làng O Ngol, xã Ia Vê (Chư Prông) tâm sự: “Bà con mình được hưởng lợi từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy thuộc diện vùng sâu, vùng xa nhưng xã đã có bệnh xá, trường học, chợ mới khang trang; hệ thống giao thông thuận tiện. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập khá từ cà phê, hồ tiêu và cao su. Lòng dân suốt đời ơn Đảng, ơn Bác Hồ”.

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xanh-hoa-chu-prong-616692