'Xanh hóa' điểm đến để phát triển bền vững
Ngành hàng không và du lịch đang bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ; đặc biệt, hơn 80% khách quốc tế đến nước ta bằng đường hàng không, trong khi 75% hành khách toàn cầu đang ưu tiên lựa chọn du lịch bền vững. Vì vậy, để duy trì và thúc đẩy sự phát triển của cả hai ngành, cần tăng cường sự liên kết giữa các đơn vị hàng không, du lịch, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch xanh và bảo vệ môi trường.
Hàng không phục hồi nhờ du lịch
Ngày 26.12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức “Diễn đàn Dịch vụ logistics hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam: mở rộng thu hút khách du lịch quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam”.
Tại đây, ông Võ Huy Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, năm 2024 ngành hàng không đã phục hồi và đạt được mức tăng trưởng như trước khi xảy ra dịch Covid-19; tính đến ngày 15.12, vận chuyển quốc tế đạt khoảng hơn 41 triệu lượt hành khách, tăng 27% so với năm 2023, trong đó các hãng bay nội địa chiếm đến 42% thị phần; tỷ lệ lấp đầy của các chuyến bay đạt đến 80%. Dự báo thị trường vận tải hàng không quốc tế đến/đi từ Việt Nam trong năm 2025 tiếp tục tăng trưởng trên 10% so với năm 2024.
Đạt được sự phục hồi này, theo ông Cường, trước hết là việc Việt Nam đã tạo lập và duy trì được vị thế, hình ảnh một điểm đến an toàn, đặc biệt là bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Về thước đo, ngành hàng không Việt Nam được trao chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 - Category 1 (CAT 1). Đồng thời, thủ tục cấp thị thực của Việt Nam hiện nay được đánh giá thông thoáng so với các nước trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam. Nhiều quy trình có liên quan đến việc đi lại của khách du lịch như quản lý xuất nhập cảnh cũng được cải tiến, làm tăng thiện cảm của điểm đến. Nhất là từ sau đại dịch Covid-19, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị hàng không Việt Nam đã tích cực trao đổi với các đối tác nước ngoài để khôi phục các đường bay quốc tế bị đứt gãy do dịch bệnh. Điều này góp phần tạo dựng niềm tin của các hãng hàng không nước ngoài về sự đồng hành và trách nhiệm của Việt Nam.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hàng không không ngừng được nâng cấp, mở rộng. Nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, ngành hàng không đã chứng kiến sự thay đổi về hạ tầng từ nhà ga, đường dẫn tới nhà ga, đường lăn cất hạ cánh. Từ sau năm 2025, với việc hoàn thành sân bay quốc tế Long Thành, diện mạo hạ tầng của ngành hàng không sẽ càng được nâng cao.
Với tốc độ tăng trưởng trung bình dự báo khoảng 5 - 6%/năm, thị trường hàng không Việt Nam hứa hẹn sẽ đón khoảng 150 triệu khách vào năm 2035 và 200 triệu khách vào năm 2040, tăng lần lượt 1,9 lần và gần 2,5 lần so với năm 2019. Đây là thời điểm cất cách cho ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, giá vé máy bay nội địa tăng cao đã gây tác động bất lợi cho ngành hàng không, du lịch, các ngành kinh tế và sinh kế của người dân địa phương. Bên cạnh đó, thiếu sự hợp tác bài bản giữa các hãng hàng không, địa phương, công ty du lịch cũng khiến 2 ngành này chưa bứt phá như kỳ vọng.
75% hành khách chọn du lịch bền vững
Tại hội thảo, các diễn giả cho rằng, việc tăng cường liên kết, phối hợp, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi giữa ngành du lịch với các bên liên quan là rất cần thiết, trong đó vai trò của ngành vận tải nói chung và ngành hàng không nói riêng là rất quan trọng. Bởi hơn 80% khách quốc tế đến nước ta bằng đường hàng không.
Theo các diễn giả, cần khai thác, quảng bá tối đa các dịch vụ bán lẻ và các dịch vụ ở sân bay cũng như triển khai thêm các sản phẩm bay giờ sáng sớm và tối muộn với mức giảm giá từ 20 - 30% giá vé so với mức giá các chuyến bay vào giờ thông thường. Ngoài ra, các công ty lữ hành - du lịch, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, điểm tham quan... cũng cần cùng tham gia vào chiến dịch kích cầu các chuyến bay đêm.
Theo TS. Lê Tuấn Anh, Trưởng Khoa Quản trị Du lịch và Ngôn ngữ Quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, ngành hàng không không chỉ là cầu nối giữa khách du lịch đến với điểm đến mà mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá du lịch Việt, thúc đẩy khách du lịch quay lại. Theo ông, đôi khi giá cả chỉ là yếu tố nhỏ, chất lượng dịch vụ, chất lượng điểm đến mới là yếu tố quyết định, thể hiện qua con người, văn hóa, vệ sinh, an ninh, và sự an toàn trong suốt hành trình.
Chủ tịch Rustic Hospitality Group Nguyễn Ngọc Bích cho biết, theo báo cáo của Booking.com về xu thế du lịch sau Covid-19, có 75% số khách toàn cầu sẽ lựa chọn du lịch bền vững; 57% muốn giảm thiểu việc sử dụng năng lượng trong chuyến đi; 54% muốn sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường; và 43% số khách cảm thấy tội lỗi khi sử dụng sản phẩm có tác động xấu tới môi trường. Điều này cho thấy, xu hướng phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững là tất yếu.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải tăng cường sự liên kết giữa các đơn vị hàng không, du lịch, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch xanh và bảo vệ môi trường nhằm duy trì và thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả hai ngành. “Hàng không và du lịch cần hợp tác theo hướng xây dựng chiến dịch quảng bá chung, tạo các gói khuyến mại, xây dựng câu chuyện cho sản phẩm du lịch bền vững, nâng cao hệ sinh thái du lịch…”, Chủ tịch Rustic Hospitality Group Nguyễn Ngọc Bích đề xuất.
Để phát triển các điểm đến du lịch xanh, theo ông Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cần nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi; đồng thời, cải thiện năng lực quản lý hiệu quả lượng khách du lịch tại các điểm đến, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường trong kinh doanh du lịch. Cùng với đó, xây dựng bản đồ điểm đến xanh, giới thiệu, quảng bá các điểm đến đã đạt chứng nhận xanh, không rác thải nhựa…