Xanh hóa ngành tiêu dùng còn nhiều cản trở

Kỷ nguyên xanh đang đến gần, nhưng hành trình tiêu dùng bền vững vẫn đầy gian nan.

Quang cảnh Diễn đàn Tiêu dùng bền vững 2025

Quang cảnh Diễn đàn Tiêu dùng bền vững 2025

Công nghệ xanh là chìa khóa bước vào kỷ nguyên xanh

Phát biểu tại Diễn đàn Tiêu dùng bền vững 2025 với chủ đề "Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh" chiều ngày 2/7, bà Lê Thị Hồng Nhi - Giám đốc Truyền thông đối ngoại và Phát triển bền vững của Unilever Việt Nam cho biết, Unilever luôn đặt phát triển bền vững làm trọng tâm trong mọi kế hoạch kinh doanh của mình. Tại Việt Nam, Unilever tập trung vào hai trụ cột chính là giảm thiểu rác thải nhựa và cắt giảm phát thải khí carbon.

Unilever Việt Nam đang áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn một cách triệt để để giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Thay vì phương thức "sử dụng và vứt bỏ" truyền thống, tập đoàn này tập trung vào chu trình khép kín gồm thu gom, tái chế và tái sản xuất.

"Chúng tôi biến rác thải nhựa thành hạt nhựa tái sinh, sau đó quay vòng để sản xuất bao bì cho chính các sản phẩm của Unilever", bà Nhi chia sẻ.

Trong hơn ba năm qua, Unilever đã xây dựng mạng lưới đối tác thu gom vững chắc như VietCycle, GR và các đối tác tái chế như Duy Tân, Lan Châm. Nhờ những nỗ lực này, Unilever đã thu gom và tái chế thành công từ 13.000 đến 15.000 tấn rác thải nhựa mỗi năm. Lượng nhựa này không chỉ được dùng để sản xuất bao bì sản phẩm của Unilever, mà còn được chuyển hóa thành các sản phẩm hữu ích khác, phục vụ đời sống.

Song song đó, Unilever không ngừng cải thiện khả năng tái chế của bao bì sản phẩm. Hiện tại, hơn 70% bao bì của Unilever có thể tái chế được. Đặc biệt, tập đoàn này cũng tích cực sử dụng nhựa tái chế trong bao bì của mình, với tỷ lệ từ 20% đến 100% tùy sản phẩm. Đơn cử, nhãn hàng Sunsilk đã tiên phong sử dụng 100% nhựa tái chế cho bao bì của mình, cho thấy nỗ lực bền bỉ và tầm nhìn dài hạn của Unilever.

Ông Trịnh Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) chia sẻ, khoa học công nghệ xanh là chìa khóa giúp doanh nghiệp mở rộng cánh cửa bước vào kỷ nguyên xanh. Công nghệ không chỉ tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường, mà còn tăng cường minh bạch thông tin, khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiết kiệm chi phí vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Tuấn Anh, bài toán đặt ra hiện nay đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là làm thế nào để tiếp cận và ứng dụng hiệu quả công nghệ xanh. Điều này đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ cụ thể nhằm đảm bảo công nghệ được triển khai phù hợp với năng lực và quy mô của từng doanh nghiệp, đồng thời bắt kịp với xu hướng sản xuất và kinh doanh hiện đại.

Đường đến kỷ nguyên xanh còn gian nan

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn vẫn đối mặt với không ít thách thức. Bà Lê Thị Hồng Nhi chỉ ra rằng, nguồn nguyên liệu đầu vào (rác thải nhựa) hiện chưa thực sự "sạch", đòi hỏi phải tăng cường mạnh mẽ hơn nữa việc phân loại rác tại nguồn. Thêm vào đó, số lượng nhà tái chế có khả năng sản xuất hạt nhựa tái sinh đạt tiêu chuẩn quốc tế cho bao bì chất lượng cao còn rất hạn chế. Do đó, việc đầu tư vào công nghệ và thúc đẩy ngành tái chế là vô cùng cấp thiết.

Theo bà Lê Thị Hồng Nhi, một rào cản lớn khác là vấn đề kinh tế. Do nguồn đầu vào chưa sạch, công nghệ chưa đồng bộ và số lượng nhà cung cấp còn ít, giá thành của nhựa tái sinh hiện đang cao hơn khoảng 20% so với nhựa nguyên sinh. Đây là một bài toán kinh tế lớn mà các doanh nghiệp như Unilever phải nỗ lực giải quyết, đồng thời cân bằng với giá thành sản phẩm để đảm bảo người tiêu dùng có thể tiếp cận sản phẩm xanh với mức giá hợp lý. Dù vậy, Unilever vẫn cam kết mạnh mẽ với kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa.

Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, theo bà Lê Thị Hồng Nhi việc áp dụng các chính sách ưu đãi đặc biệt như miễn giảm thuế và chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là rất cần thiết, đặc biệt cho các doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái sinh trong bao bì, nhằm giảm gánh nặng chi phí ban đầu.

Bên cạnh đó, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ tái chế và tạo môi trường thuận lợi cho ngành tái chế phát triển sẽ là yếu tố then chốt. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ tài chính từ nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước, cùng với việc chuyển giao công nghệ tiên tiến. Cuối cùng, việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác chặt chẽ giữa nhà sản xuất, đơn vị thu gom, tái chế, chính phủ và người tiêu dùng sẽ tạo nên động lực mạnh mẽ, đưa Việt Nam tiến lên trên con đường phát triển bền vững.

Cùng quan điểm, TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, nhấn mạnh vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khác cần tiếp tục cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ.

Cụ thể, cần xây dựng quỹ tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất sản phẩm xanh; ban hành tiêu chuẩn rõ ràng về nhãn "xanh"; và thúc đẩy cơ chế phối hợp liên ngành, đặc biệt trong việc thương mại hóa nghiên cứu xanh.

Các cơ quan truyền thông cũng được khuyến nghị đẩy mạnh tuyên truyền hiệu quả, định kỳ công bố danh sách doanh nghiệp điển hình về sản xuất bền vững; kiểm soát quảng cáo sản phẩm "giả xanh" và tăng cường phóng sự phản ánh nguyện vọng người tiêu dùng.

TS. Tạ Đình Thi cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động hợp tác với Nhà nước và viện nghiên cứu để giảm chi phí sản xuất xanh. Về phía người tiêu dùng, cần tự nâng cao nhận thức và ưu tiên lựa chọn sản phẩm có thông tin minh bạch.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/xanh-hoa-nganh-tieu-dung-con-nhieu-can-tro-166738.html