Xanh hóa nông nghiệp thủ đô
Nông nghiệp xanh là hướng đi tất yếu của nông nghiệp hiện đại và Hà Nội đang đẩy mạnh thực hiện
Hà Nội đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo từng lĩnh vực cụ thể, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, thông minh, bền vững.
Xu hướng bền vững
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, cho biết nông nghiệp xanh là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Các sản phẩm, phế phụ phẩm sẽ được sử dụng, tái chế làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, giảm thất thoát, hạn chế tối thiểu lượng chất thải, tăng hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường.
Nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp xanh là tất cả phế thải trong quá trình sản xuất phải được coi là nguồn tài nguyên, là nguyên liệu của quy trình sản xuất sản phẩm tiếp theo.
Nhiều năm qua, hộ bà Nguyễn Thị Hải ở huyện Đan Phượng, TP Hà Nội thường thu hoạch cua, chạch đồng trong ruộng lúa để tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Gia đình bà cũng là hộ có thâm niên áp dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến, cấy thưa với giống chất lượng cao kết hợp điều tiết nước hợp lý. Sau khi thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, toàn bộ rơm, rạ được để lại trên ruộng làm phân bón cho vụ kế tiếp, nhờ đó giảm tới 70% lượng phân bón hóa học, không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo bà Hải, qua hơn 10 năm canh tác tuần hoàn, gia đình bà cùng nhiều người ở xã đã tạo được hệ sinh thái bền vững: phụ phẩm từ cây lúa thành phân bón cho vụ kế tiếp; tôm, cua, chạch, cá rô đồng... phần lớn sinh sản tự nhiên trong ruộng lúa. Cách này vừa tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên từ ruộng lúa vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên cây trồng.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Nội, nông nghiệp xanh trên thực tế đã phát triển từ hàng chục năm qua với hàng ngàn mô hình từ quy mô nông hộ đến trang trại trong hệ thống canh tác vườn - ao - chuồng (VAC), xen canh, gối vụ. Trong đó, chất thải từ chăn nuôi phục vụ trồng trọt, phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Những năm gần đây, mô hình canh tác lúa - cá, lúa - vịt... phát triển theo hướng bền vững. Các mô hình canh tác tuần hoàn này vừa bảo đảm dinh dưỡng vừa thích ứng biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao, từ phân bón đến thức ăn chăn nuôi, những mô hình đa canh lúa - cá - vịt... đang chiếm ưu thế, giúp nông dân bám trụ được với nghề nông.
Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, khẳng định phát triển nông nghiệp xanh là hướng đi tất yếu của nông nghiệp hiện đại. Thời gian qua, Hà Nội đã chuyển đổi hàng chục ngàn hecta đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Khoảng 10 năm trở lại đây, nông dân đã quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc trong canh tác nông nghiệp.
Đồng bộ các giải pháp
Theo PGS-TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp - Bộ NN-PTNT, để nông nghiệp Hà Nội phát triển xanh, cần tập trung vào các giải pháp trong trồng trọt và chăn nuôi. Cụ thể: Sử dụng phân đạm chậm tan, phân bón thông minh; không đốt phụ phẩm nông nghiệp; tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt; dùng năng lượng tái tạo (điện từ biogas, pin mặt trời, sấy bằng sinh khối); chuyển đổi số; cải thiện khẩu phần ăn cho gia súc nhai lại; giảm thức ăn công nghiệp, tăng thức ăn hữu cơ; không dùng chất kích thích, chất tạo nạc.
Để thực hiện những giải pháp trên, Hà Nội cần xác định các cây, con có tiềm năng giảm phát thải cao; xây dựng vùng thích nghi (điều kiện môi trường, đất…) áp dụng giải pháp xanh; xây dựng các dự án nông nghiệp xanh, phát thải thấp gắn liền với cấp tín chỉ carbon, mang lại lợi ích kép cho người sản xuất và tạo thị trường trao đổi tín chỉ carbon trong nước.
Ông Ngô Tiến Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội - cho rằng muốn nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính, bắt buộc phải làm nông nghiệp xanh. Phát triển nông nghiệp xanh trong giai đoạn hiện nay cần gắn chặt với ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại.
Bên cạnh đó, cần xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất. Trong đó, phân định rõ vai trò từng thành tố, tiến tới chuyên môn hóa, hệ thống hóa. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao nhận thức cho người sản xuất về kinh tế tuần hoàn, bởi có nhận thức đúng thì mới có thể hành động đúng.
Theo đại diện Sở NN-PTNT Hà Nội, thành phố cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, lấy ý kiến tham vấn, đề xuất các cơ quan chức năng điều chỉnh, sửa đổi Luật Thủ đô, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp xanh. Mặt khác, Hà Nội cần phải chuyển đổi quy mô, phương thức tập trung ruộng đất đủ lớn để có thể đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ cao, sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, có tính cạnh tranh cao.
Sẽ trở thành mũi nhọn
Đến nay, TP Hà Nội đã có 5.000 ha rau an toàn, hơn 50 ha rau hữu cơ cùng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thời gian tới, TP Hà Nội tập trung phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa theo hướng đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu. Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có diện tích canh tác hữu cơ đạt 1,5%-2% tổng diện tích đất trồng trọt; sản xuất nông nghiệp xanh sẽ trở thành mũi nhọn trong ngành nông nghiệp thủ đô.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/xanh-hoa-nong-nghiep-thu-do-20230608190755532.htm