'Xanh hóa' sản xuất, nâng tầm chuỗi giá trị

Các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh gắn với tiêu chuẩn quốc tế. Từ vườn cây đến nhà máy chế biến, ngành cao su Việt Nam không ngừng số hóa, 'xanh hóa' toàn bộ chuỗi cung ứng để nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị thương hiệu trên thị trường toàn cầu.

Chuẩn hóa từ vùng nguyên liệu

Chúng tôi đến Đội sản xuất Bình Lộc, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai khi các công nhân đang thu hoạch mủ cao su. Quản lý đơn vị sử dụng điện thoại thông minh quét mã vạch để truy xuất nguồn gốc lô cao su, đồng thời kiểm tra chất lượng, tình hình vườn cây. Đây là những lô đã đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo hệ thống VFCS/PEFC, bảo đảm cân bằng lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường.

Thu gom mủ cao su sau thu hoạch tại các vườn cây của Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa.

Thu gom mủ cao su sau thu hoạch tại các vườn cây của Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa.

Ông Chu Đăng Khoa, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai cho biết, đơn vị đã hoàn thiện chuỗi khép kín từ vườn cây đến nhà máy chế biến, kết hợp hệ thống logistics đồng bộ, trở thành điểm sáng về quản lý và thương mại trong ngành. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế, Công ty xây dựng hệ sinh thái số gồm: Bản đồ số DNRC.GIS, phần mềm lịch nông vụ, hệ thống quản lý sản lượng, lao động, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu DNRC-Traceability...

“Hệ sinh thái số giúp đơn vị xác định chính xác nguồn gốc nguyên liệu, nâng cao năng suất, bảo đảm tuân thủ quy định về chống mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) và được xếp loại A nhiều năm liền theo tiêu chí doanh nghiệp nhà nước”, ông Khoa nhấn mạnh.

Không chỉ Đồng Nai, các vùng chuyên canh cao su ở Đông Nam Bộ của VRG cũng đang vào vụ khai thác năm 2025. Không khí lao động tại vườn cây và nhà máy hết sức khẩn trương. VRG đã triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với 30 đơn vị thành viên xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trên diện tích 286.900ha.

Các đơn vị thành viên VRG áp dụng bản đồ tọa độ địa lý toàn vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc từ vườn cây đến nhà máy, giúp minh bạch hóa chuỗi cung ứng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

“Xanh hóa” từ vườn cây đến nhà máy

Tại Nhà máy Chế biến cao su Xà Bang (Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa), không gian xanh, thoáng đãng là điểm nổi bật. Nhà máy đã khắc phục mùi khó chịu trong chế biến nhờ cải tiến công nghệ, sử dụng hệ thống lọc, xử lý nước thải đạt chuẩn, giảm thiểu hóa chất.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Nhà máy Chế biến cao su Xà Bang cho biết, đơn vị đã chuyển đổi lò xông sấy từ dầu DO sang sử dụng Biomass đốt bằng gỗ vụn, tiết kiệm gần 3 tỷ đồng/năm, đồng thời giảm phát thải CO₂. Nhà máy duy trì hiệu quả các hoạt động “xanh hóa” toàn diện, phấn đấu vượt chỉ tiêu khai thác 8.800 tấn mủ năm 2025.

Hoạt động chế biến cao su tại nhà máy của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai.

Hoạt động chế biến cao su tại nhà máy của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai.

Toàn VRG hiện có gần 40 nhà máy chế biến đạt chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC. Các đơn vị sử dụng phần mềm quản lý thương mại, truy xuất chuỗi cung ứng bằng mã QR, giúp đối tác tra cứu toàn bộ quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đây là lợi thế lớn để thâm nhập các thị trường khắt khe như: Italy, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha...

Đặc biệt, hệ thống truy xuất nguồn gốc là minh chứng rõ ràng cho cam kết phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu cao su Việt Nam uy tín trên thị trường quốc tế.

Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm

Để nâng cao chuỗi giá trị, ngành cao su tích cực sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý nước thải, giúp tiết giảm 30% chi phí hóa chất, tái sử dụng bùn thải làm phân vi sinh cho vườn cây và tái sử dụng 90% nước sau xử lý. Đây là minh chứng cho quyết tâm phát triển sản xuất, kinh doanh xanh, sạch, bền vững.

Ông Trần Thanh, Giám đốc Xí nghiệp Chế biến cao su, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai, chia sẻ: Nhờ tiên phong trong “xanh hóa”, sản phẩm của đơn vị đã xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia, hợp tác với nhiều tập đoàn lớn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Mỹ, châu Âu. Ngoài các dòng truyền thống, đơn vị đã nghiên cứu thành công các sản phẩm giá trị gia tăng cao như: Pale Crepe, Latex Low-protein, SVR L, SVR 3L Low-protein...

Theo lãnh đạo các đơn vị VRG, chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu, mở ra cơ hội lớn để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường cao cấp. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi chi phí đầu tư cao cho trang thiết bị, đào tạo nhân lực và đạt chứng nhận quốc tế. Vì vậy, các công ty đang xây dựng hệ sinh thái sản xuất bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp-người trồng-cộng đồng-chính quyền địa phương để tạo giá trị lâu dài cho toàn chuỗi cung ứng.

Ông Trần Khắc Chung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa khẳng định: Nâng cao năng suất, sản lượng mủ, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu quốc tế... là chiến lược phát triển xuyên suốt của đơn vị. Những lô hàng xuất khẩu là động lực thúc đẩy Công ty kiên trì theo đuổi tăng trưởng xanh, hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2025.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xanh-hoa-san-xuat-nang-tam-chuoi-gia-tri-837233