Xanh hóa sản xuất ngành gỗ không dễ dàng

Hiện nay, nhiều thị trường nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang đưa ra các tiêu chuẩn xanh mới ký kết hợp đồng giao thương. Điều này buộc các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ ở trong nước phải cấp thiết chuyển đổi xanh để thích ứng và tồn tại.

Các doanh nghiệp tham quan mô hình máy móc hiện đại tại một sự kiện thương mại do Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai tổ chức. Ảnh:V.Gia

Các doanh nghiệp tham quan mô hình máy móc hiện đại tại một sự kiện thương mại do Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai tổ chức. Ảnh:V.Gia

Việc xanh hóa sản xuất cũng là điều không dễ dàng khi đa số công nghệ sản xuất của các DN đã lạc hậu, chủ yếu gia công sản phẩm mà chưa có nhiều sự tự chủ trong thiết kế và xây dựng thương hiệu. Nhận thức và năng lực trong chuyển đổi số, sản xuất xanh còn là bài toán khó.

Chuyển đổi xanh là chuyện bắt buộc

Việt Nam là một trong những “ông lớn” trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ; đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, xuất khẩu đến hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chững lại, bên cạnh những khó khăn về sức mua của thị trường, ngành gỗ đang đối mặt với nhiều khó khăn mới do thị trường đòi hỏi ngày càng cao về tính bền vững, thân thiện với môi trường. Những yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất, kinh doanh ngày càng khắt khe đến từ các nhà nhập khẩu càng là yêu cầu sống còn nếu DN Việt muốn đưa hàng hóa, sản phẩm của mình ra được thị trường thế giới với thương hiệu riêng.

Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cũng như các “ông lớn” về thương hiệu gỗ Việt đang xúc tiến, tìm hiểu để xây dựng một trung tâm sản xuất đồ gỗ lớn tại Đồng Nai. Theo đó, sẽ cố gắng để phát triển khu vực thành nơi vừa nghiên cứu, thiết kế sản phẩm đến sản xuất, xuất khẩu hàng mang thương hiệu Việt ra thế giới.

Câu chuyện cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC), chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (COC) dù không mới nhưng vẫn còn mang tính thời sự. Cụ thể như tại châu Âu, bắt đầu từ tháng 12-2024, quy định chống mất rừng của Liên minh châu Âu (EU, EUDR) có hiệu lực. EUDR là quy định thuộc thỏa thuận xanh EU, cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng: cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu nếu quá trình sản xuất gây mất rừng. Thị trường Hoa Kỳ đang đặt ra các tiêu chuẩn cao về chất lượng gỗ, cũng như vấn đề nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó là các thị trường khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản…

Bà Nguyễn Nam Trân, Giám đốc Điều hành dịch vụ chứng nhận và hệ thống của Công ty SGS Việt Nam, đơn vị chuyên thẩm định và cấp các chứng chỉ sản xuất rừng bền vững, cho hay 85% người tiêu dùng châu Âu coi tính bền vững là yếu tố quan trọng khi mua sản phẩm gỗ. Yêu cầu về “bền vững” và “hợp pháp” đã trở thành nguyên tắc cho các sản phẩm gỗ muốn xuất sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Do vậy, các DN phải lựa chọn gỗ có chứng chỉ thay vì gỗ không rõ nguồn gốc, để đảm bảo sự phát triển bền vững và đưa hàng hóa ra toàn cầu.

Không phải là chuyện ngày một ngày hai

Thời gian gần đây, các DN sản xuất gỗ ở Đồng Nai đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: thay đổi mẫu mã đa dạng, mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ. Ngành gỗ đang hợp tác, liên kết với các địa phương có quy mô sản xuất gỗ lớn trong cả nước để hướng tới sản xuất xanh bền vững.

Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) và các hiệp hội gỗ khác trong toàn quốc đã ký cam kết sử dụng nguồn gốc gỗ hợp pháp trong sản xuất, đồng thời thành lập Quỹ Vì một Việt Nam xanh để quảng bá, hỗ trợ hoạt động trồng rừng, bảo vệ môi trường. Theo đó, gỗ xuất khẩu được cộng đồng DN cam kết là hợp pháp và không ảnh hưởng đến thiên nhiên do là gỗ trồng, gỗ có nguồn gốc nhập khẩu.

Phó chủ tịch Dowa Võ Quang Hà chia sẻ, nhiều năm qua, DN của ông (Công ty CP Tân Vĩnh Cửu - thành phố Biên Hòa) và các đơn vị khác trong hiệp hội đang nỗ lực để xây dựng vùng nguyên liệu gỗ hợp pháp cho mình ngay ở Việt Nam. Hiện nay, tại Đồng Nai, nguồn gỗ rừng trồng (chủ yếu là rừng tràm) đang được DN và người trồng hợp tác, nhất là khu vực Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán để xây dựng vùng nguyên liệu tiêu chuẩn cho sản xuất.

Tuy nhiên, đối với gỗ nội thất phục vụ thị trường trong nước, do chưa có nhiều “rào cản thương mại” như gỗ xuất khẩu nên việc xanh hóa vẫn chưa dễ dàng. Nguồn gỗ tự nhiên, bao gồm cả nguồn gỗ khai thác “lậu” và gỗ nhập khẩu rủi ro cao vẫn được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Thói quen sử dụng gỗ tự nhiên, bao gồm các loại gỗ quý vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người dân.

Sản xuất xanh không chỉ là nguồn gỗ hợp pháp, mà còn phải chuyển đổi công nghệ, giảm bớt tiêu hao năng lượng, giảm sử dụng nguồn nhân lực. Nhưng đây cũng là thế khó đối với đa số các DN Việt.

Phó giám đốc Công ty CP Giải pháp công nghệ VERP (Thành phố Hồ Chí Minh) Hoàng Tùng Sơn cho hay, DN đang tư vấn cho nhiều đối tác ở Đồng Nai. Theo nhận định của ông Sơn, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của DN còn thấp. Có nhiều nguyên nhân song nhìn chung tập trung vào một số vấn đề như: chi phí ban đầu bỏ ra lớn; năng lực công nghệ và đội ngũ nhân sự chưa đáp ứng được chuyển đổi; thiếu đối tác chuyên nghiệp, có năng lực tư vấn và giải pháp tốt. Khâu quản trị sản xuất và quản lý nhân sự đang cho thấy sự yếu kém của nhiều DN…

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202407/xanh-hoa-san-xuat-nganh-go-khong-de-dang-49b5756/