Xanh lại miền cát trắng

Những trận lũ lớn vào cuối năm 2020 đã gây thiệt hại nặng về nông nghiệp trên địa bàn huyện Hải Lăng, nhất là các mô hình trồng trọt, chăn nuôi trên vùng cát. Với sự hỗ trợ tích cực của nhà nước, chính quyền địa phương và các nguồn lực khác cùng nỗ lực của Nhân dân mà những mô hình kinh tế ở vùng cát đã dần hồi sinh. Miền cát trắng Hải Lăng giờ đây đã bừng lên sức sống mới với một màu xanh đầy hy vọng.

 Nông dân thôn Phương Hải, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng thu hoạch ngô canh tác trên vùng cát - Ảnh: Đ.V

Nông dân thôn Phương Hải, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng thu hoạch ngô canh tác trên vùng cát - Ảnh: Đ.V

Chị Mai Thị Tày ở Đội 6, thôn Phương Hải, xã Hải Ba nhiều năm qua là một trong những hộ có diện tích canh tác hoa màu ở vùng cát lớn và làm ăn hiệu quả. Gia đình chị có 10 sào đất canh tác hoa màu, cũng là nguồn thu nhập chính ở vùng quê thuần nông này. Vừa thoăn thoắt thu hoạch những bắp ngô mẩy hạt, to đều trong niềm vui, chị Tày nói rằng nhờ diện tích ngô vụ đông này mà chị đã có nguồn thu để bù đắp được thiệt hại do đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020 gây ra. “Đợt lũ lụt lớn đã làm úng thối toàn bộ diện tích mướp đắng 10 sào vừa trồng bò lên giàn cùng nhiều loại cây trồng khác của gia đình tôi. Số tiền đã đầu tư phân bón, giống, chưa kể công chăm sóc ước vài chục triệu đồng xem như mất hết. May sao sau lũ gia đình nhận được hỗ trợ giống ngô và mua thêm các giống cây trồng khác để tái thiết vườn. Đến nay, chỉ riêng cây ngô, gia đình tôi đã có nguồn thu khá, bù đắp thiệt hại do lũ lụt”, chị Tày nói. Được hỗ trợ giống ngô cùng với giống mua thêm, chị canh tác trên diện tích 10 sào đất trước đó trồng mướp đắng bị hư hại do lũ. Nhờ nguồn phân bón còn tồn lưu trong đất trước đó cùng với sự cần cù chăm sóc của vợ chồng chị mà cây ngô phát triển rất tốt, trừ hai sào lúc trổ bông gặp thời tiết bất lợi nên hư hại thì 8 sào còn lại đã cho gia đình chị vụ mùa thắng lợi. “Do trồng sau lũ sớm, chăm sóc tốt nên bắp ngô to đều, lại bán ngay dịp trước và sau Tết nên được giá cao. Tính ra mỗi sào gia đình tôi thu được từ 3 - 4 triệu đồng. Gia đình tôi cùng các gia đình khác trong tổ trồng trọt Đội 6 rất phấn khởi vì cây ngô đã kịp thời mang lại nguồn thu bù đắp thiệt hại do mưa lũ, đồng thời tạo động lực để chúng tôi bước vào vụ sắp tới với những loại hoa màu khác”, chị Tày cho hay.

Phó Chủ tịch UBND xã Hải Ba Võ Viết Đính cho biết, đợt mưa lũ lớn cuối năm 2020 đã gây thiệt hại nặng nề cho nông nghiệp của xã. Hơn 17,5 ha mướp đắng mới bò giàn; 69 ha ném và rau màu khác thiệt hại hoàn toàn. Ngay sau khi lũ qua, chính quyền xã cùng Nhân dân vừa khắc phục thiệt hại vừa khôi phục sản xuất. Trong đó nhanh chóng cấp phát nguồn giống cây trồng như bầu bí các loại, sắn, lạc, ngô… và con nuôi về cho người dân sản xuất. Theo đó, địa phương đã tiến hành hỗ trợ, cấp phát 125 tấn giống cây sắn và 46 tấn lạc theo hình thức Nhà nước hỗ trợ 70%, Nhân dân đối ứng 30% chi phí giá giống; hỗ trợ 100% số hộ giống ngô. Ngoài ra các dự án, doanh nghiệp đã hỗ trợ 15.000 con gà giống cho Nhân dân trên địa bàn. “Nhờ nguồn cây, con giống được hỗ trợ kịp thời mà Nhân dân đã khôi phục tốt sản xuất nông nghiệp, có được thu nhập để sớm ổn định cuộc sống. Đặc biệt, cây ngô đã mang lại hiệu quả thiết thực khi cho thu nhập ước đạt từ 60 - 70 triệu đồng/ha”, ông Võ Viết Đính cho biết thêm. Ở xã Hải Ba có nhiều khu sản xuất tập trung trên vùng cát, trong đó khu sản xuất của Đội 6 là đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, đặc biệt là cây mướp đắng. Tuy vậy, nơi đây hiện vẫn chưa được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống điện lưới nên khó khăn cho canh tác vào mùa khô. Người dân mong muốn được quan tâm, hỗ trợ đầu tư hệ thống điện để chủ động việc tưới tiêu nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất.

Ngược lên vùng sản xuất nông nghiệp trên khu vực rú cát của xã Hải Định, những khu vườn thiệt hại sau lũ cũng đã phủ một màu xanh tươi tốt. Ông Lê Minh Phúc, một nông dân đang xen canh các loại cây trồng như ném, cải, ớt, lạc… trên diện tích 1.500 m2 tỏ ra phấn khởi vì gia đình ông đã khôi phục được sản xuất, trong đó cảm kích vì có sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước và các chương trình, dự án. “Cũng nhờ khôi phục sản xuất sớm mà nông dân chúng tôi vớt vát được ít nhiều để tiếp tục đầu tư vào vụ sản xuất mới. Có điều là thời gian gần đây giá đầu ra của một số loại hoa màu thấp nên chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, mong được hỗ trợ tháo gỡ”, ông Phúc chia sẻ. Cách đó không xa, ông Đặng Bá Thanh, Giám đốc HTX Chăn nuôi gà Tứ Hải cũng đang tất bật chăm sóc, khôi phục đàn gà nuôi của mình. Đây là HTX chăn nuôi gà thả vườn, gà được cho ăn thức ăn chủ yếu là rau xanh, cám bột tự làm, phòng và điều trị bệnh bằng chế phẩm sinh học… để cho ra sản phẩm gà sạch. Hiện sản phẩm gà Tứ Hải đã từng bước khẳng định chất lượng trên thị trường. Ông Thanh cho biết, lũ lụt đã làm thiệt hại của HTX nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chăn nuôi như máy ấp trứng, máy đóng viên thức ăn và hơn 500 con gà giống, 250 gà mái đẻ. “Lũ đi qua, tôi và các thành viên trong HTX đã bắt tay ngay vào việc sửa chữa, vệ sinh chuồng trại để tái đàn. Nhờ vậy, chăn nuôi của HTX đã dần đi vào ổn định. Trừ đi số gà đã bán dịp trước và sau Tết thì hiện nay tôi còn 150 con gà mái đẻ, 500 con gà thịt và tiếp tục chuẩn bị thả tiếp 200 gà giống. Nói chung ở đây chăn nuôi theo hình thức khép kín từ ấp trứng, nuôi gà giống lên thành gà thịt, nuôi gà ấp trứng… nên số lượng gà nuôi gối đầu liên tục. Đến nay chúng tôi vẫn đảm bảo cung cấp gà thịt cho thị trường”, ông Thanh cho biết. Theo ông Đặng Bá Sơn, cán bộ địa chính nông nghiệp - xây dựng nông thôn mới xã Hải Định, sau lũ toàn xã có 90% hộ dân được hỗ trợ cây giống hoa màu các loại và gà giống, vịt giống. Nhờ sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời này mà Nhân dân trên địa bàn xã đã nhanh chóng tái thiết sản xuất và ổn định cuộc sống sau thiên tai. Không chỉ ở làng quê miền cát ở xã Hải Ba, Hải Định mà nhiều địa phương vùng cát khác như Hải Khê, Hải An, Hải Quế, Hải Dương… đến nay cũng đã từng bước ổn định khôi phục sản xuất để cải thiện và nâng cao thu nhập cho Nhân dân.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Lê Đức Thịnh cho biết, đến nay lĩnh vực nông nghiệp của huyện cơ bản đã được khôi phục. Để có được kết quả đáng mừng đó, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, của Nhân dân thì nguồn lực hỗ trợ tích cực, kịp thời của Nhà nước và các chương trình, dự án, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm gần xa ủng hộ đã tạo động lực lớn giúp Nhân dân trong huyện vượt qua khó khăn để vươn lên. “Vụ đông xuân này, huyện đã chỉ đạo tập trung gieo trồng gần 8.000 ha lúa, 1.000 ha sắn, gần 1.000 ha rau màu như lạc, ngô; thả nuôi lại 50.000 giống gà, vịt và khoảng 450.000 cá giống. Nhờ vậy trước và sau tết Nguyên đán, người dân đã thu hoạch được đợt hoa màu đầu tiên để bán; một số giống lợn, gà, vịt đến nay cũng chuẩn bị xuất bán lứa đầu, giúp Nhân dân có được nguồn thu nhập cải thiện đời sống”, ông Lê Đức Thịnh cho biết thêm.

Đức Việt - Quang Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=156132&title=xanh-lai-mien-cat-trang