Xanh mãi Trà Sư
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh An Giang vào trung tuần tháng 3-2021, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân (lúc đó là Chủ tịch Quốc hội) dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã có chuyến hành trình đến rừng tràm Trà Sư. Bà bày tỏ sự hài lòng về phương thức bảo tồn không gian xanh của hệ sinh thái rừng tràm và cách làm du lịch mỗi mùa một hạng mục mới tại đây. Rừng tràm Trà Sư bảo tồn hình ảnh tiêu biểu của Tây Nam bộ, đồng thời khai thác có hiệu quả cho du lịch.
Trước đây, rừng tràm Trà Sư là một khu rừng trồng trên vùng đất có hệ sinh thái bán tự nhiên thuộc địa phận xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang từ năm 1985. Khu rừng này được quy hoạch để ngăn lũ, thay chua rửa phèn cho khu vực đầu nguồn kênh thủy lợi bên sông Hậu. Sau khi cây tràm phát triển rất tốt thành lung tràm quy mô rộng lớn, hệ sinh thái được cải thiện đã bừng dậy đa dạng và phong phú, Trà Sư trở thành ốc đảo xanh, nơi cư ngụ của các loại thực vật, động vật đặc hữu của Tây Nam bộ.
Tỉnh An Giang thực hiện chủ trương xã hội hóa, giao cho Tập đoàn Sao Mai khai thác dịch vụ du lịch rừng tràm. Từ đó, rừng tràm Trà Sư đi vào hoạt động như một khu du lịch sinh thái và nổi lên là một điểm phải đến khi khách du lịch muốn hiểu về Nam bộ, yêu thích không gian xanh và muốn thư giãn giữa thiên nhiên.
Ngoài việc các tuyến giao thông đến rừng tràm Trà Sư hiện nay rất thuận tiện, nơi này còn dễ dàng tìm thấy trên bản đồ du lịch vì nằm trong tuyến du lịch gom nhiều điểm đến hấp dẫn quanh Núi Sam – Châu Đốc và vùng núi Thất Sơn, Tịnh Biên của An Giang. Con đường dẫn từ Châu Đốc tới rừng tràm chỉ độ vài chục cây số được cải tạo êm thuận kèm với hệ thống dịch vụ mọc lên hợp lý nên khu du lịch đón khách quanh năm đông đúc.
Bước vào khu du lịch, du khách được trải nghiệm một vòng tham quan bao gồm nhiều hạng mục, trong đó có đi xuồng gắn máy vào sâu rừng tràm, chiêm ngưỡng vườn chim, thảm bèo tây lớn, thảm hoa sen, súng. Du khách được đi thuyền chèo tay, đội nón lá, quàng khăn rằn, mặc áo bà ba để hòa mình vào thiên nhiên, hiểu thêm về văn hóa Nam Bộ.
Điều đáng nói là với nỗ lực của nhà đầu tư, đội ngũ nhân viên làm dịch vụ ở rừng tràm Trà Sư đều rất mến khách, thân thiện và am hiểu tâm lý khách du lịch. Rất nhiều hình ảnh đẹp của Trà Sư được lan tỏa, quảng bá rộng rãi thông qua hệ thống phục vụ rất chuyên nghiệp của đơn vị kinh doanh. Đến rừng tràm Trà Sư, ngồi thuyền chèo tay lướt đi trên không gian xanh là trải nghiệm rất khó quên đối với khách du lịch. Nụ cười rạng rỡ bên vành nón lá của các cô gái Nam Bộ chèo thuyền ở đây đã trở thành một hình ảnh đặc trưng của du lịch Việt Nam.
Những năm gần đây, rừng tràm Trà Sư liên tục được làm mới, chiều chuộng thị hiếu của khách du lịch. Một số hạng mục mới xây dựng được ghi vào kỷ lục Guinness quốc gia như Cầu tre vạn bước, cặp đôi nhà trống - mái, sân ngắm chim trời, thiên đường hoa giấy ngũ sắc, tác phẩm cầu Kiều... khiến khách du lịch đi hết khám phá này đến ngạc nhiên khác. Đi trên cây cầu ghép từ những thân tre chạy sâu vào trong rừng tràm với thiên nhiên hiện ra 2 bên là mặt nước và hàng cây tràm cũng chính là đi trên con đường tre kỷ lục.
Các hướng dẫn viên du lịch ở đây kể cho du khách nghe về chim chóc, động vật lưỡng cư. Họ nói vài năm gần đây, môi trường được cải thiện nhiều, họ phát hiện ra nhiều con chim di cư từ nơi khác tới rất lạ và ở lại rồi sinh sản trên rừng tràm. Có những loài chim có tên trong sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế.
Hiện nay, cung đường xe đạp song song với cầu tre và chạy dọc theo tuyến đường thủy chạy ghe gắn máy truyền thống đang được gấp rút hoàn thành. Du khách sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Đó là thành công của một khu du lịch luôn làm mới mình, khiến khách du lịch đã đến tham quan rồi vẫn muốn quay trở lại. Chưa kể, đi xe đạp xuyên rừng tràm là một trải nghiệm mới mẻ, đáng được chờ đợi dành cho giới trẻ được đặt tên là tuyến đường xe đạp tình yêu. Trên cơ sở con đường mòn ở giữa các hàng cây tràm cổ thụ, nhà đầu tư san gạt và tạo ra một tuyến đường bộ có thể đi bộ và đi xe đạp. Trước đây, du khách có thể xuyên rừng Tràm Trà Sư bằng ghe gắn máy hoặc đi trên cây cầu tre, nay có thể đi bộ trong rừng hoặc đi xe đạp.
Đứng ở phía người phục vụ, đưa ra nhiều lựa chọn cho khách du lịch là mô hình kinh doanh hướng đến sự đa dạng đáng ghi nhận. Nếu để nguyên bản một khu rừng tràm được trồng để cải tạo môi trường sẽ chỉ đơn điệu là rừng trồng chạy dọc các kênh nước thủy lợi thau chua rửa phèn cho đồng ruộng. Nhưng dưới con mắt nhà đầu tư, vốn quý về cảnh quan của địa phương đã được trân trọng, sử dụng để xây dựng một khu du lịch sinh thái đẹp và nổi tiếng.
Ngoài ra, Khu du lịch Trà Sư cũng tạo ra một môi trường du lịch sôi động cho cả vùng đất An Giang. Các món ăn đặc sản của vùng đất Thất Sơn, khu vực giáp biên giới Campuchia như nước dừa, nước thốt nốt, món gà đốt lá chúc... được ưa thích tại vùng du lịch Trà Sư. Cũng là gà nướng trên than lửa, nhưng hương vị của lá chúc - một loại cây gia vị có tinh dầu giống cây chanh, ngấm vào trong món ăn tạo nên mùi vị riêng của hành trình khám phá rừng tràm.
Thăm Trà Sư, một cuốn sách đẹp về đất rừng phương Nam.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xanh-mai-tra-su-post438482.html