Xanh nhất lịch sử

Thi đấu MMA làm ta sởn da gà ngỡ rằng đây là môn nguy hiểm nhất. Boxing chỉ cho phép đấm còn MMA thêm cả chân đá, khóa khớp, quăng vật, siết cổ… Thế nhưng xếp thứ hạng các môn dễ mất mạng thì MMA không có cửa.

Với MMA, nếu biết hết cơ hội thì võ sĩ có thể đập tay xin thua. Mỗi hiệp MMA là 5 phút (so với 3 phút của boxing) nhưng chỉ có 5 hiệp. Boxing chuyên nghiệp quy định 12 hiệp.

Ngày 6/4/1893, trận quyền Anh dài nhất lịch sử đã diễn ra tại New Orleans giữa tay đấm Andy Bowen và Jack Burke. Khởi đấm lúc 21 giờ tối và kết thúc lúc 4 giờ sáng ngày hôm sau với 105 hiệp. Khi khán giả ngáy khò khò và hai tay đấm đi kiểu túy quyền thì ban tổ chức kết thúc trận đấu, tuyên bố hòa. Boxing nêu cao tinh thần không bỏ cuộc. Ai bị đấm hơi biêng biêng thì đợi đếm đến 8 là đấm tiếp.

Từ năm 1890 đến 2011 đã có 1.604 võ sĩ boxing tử vong. Giữa quý 2 năm 2024, võ sĩ Sherif Lawal qua đời ngay tại London trong trận ra mắt giải nhà nghề. Tuy vậy, lời nguyền không bỏ cuộc khiến các đấu sĩ dù đau thấy ông bà vẫn gượng dậy dù chỉ để làm vua lì đòn. Để cứu họ, ban huấn luyện thường ném khăn trắng xin thua.

Nhưng tại Olympic Paris 2024, đả nữ boxing Italy Angela Carini, chỉ sau 46 giây, đã can đảm vượt qua lời nguyền không bỏ cuộc bằng cách đầu hàng võ sĩ Imane Khelif, người có nghi vấn giới tính. Carini trần tình: "Tôi phải bỏ cuộc để bảo toàn tính mạng". Khelif từng bị loại khỏi giải Vô địch thế giới 2023 sau khi không vượt qua cuộc kiểm tra giới tính, do có lượng hormone sinh dục nam cao hơn mức bình thường.

Chủ tịch Hiệp hội quyền Anh quốc tế (IBA) Umar Kremlev khẳng định Khelif bị cấm thi đấu ở các hạng mục nữ. Tuy nhiên, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) khẳng định Khelif vẫn có quyền thi đấu. Olympic 2024 chỉ xác định giới tính thông qua hộ chiếu.

Vậy dễ rồi. Năm nay, Quốc hội Đức đã phê chuẩn đạo luật Tự quyết, giúp cho công dân tự khai thay đổi giới tính bằng thủ tục tự công bố rất đơn giản. Người khai phải thông báo cho cơ quan chức năng 3 tháng trước khi thực hiện thay đổi. Tây Ban Nha, đầu năm 2023 đã cho phép người trên 16 tuổi tự thay đổi giới tính trên giấy tờ mà không cần xác nhận y tế.

Việc xác định giới tính là chuyện đau đầu nhưng nếu ban tổ chức không tìm được cách giải quyết thì các môn thi đấu của nữ sẽ tuyệt chủng. Viễn cảnh là người ta cho phép nam nữ vào đấu chung không cần phân biệt. Trào lưu không phân biệt giới tính tới cô lập những người đòi rạch ròi giới tính khiến nhóm đa số đã trở nên yếu thế. Đối thủ tiếp theo của Khelif là Luca Anna Hamori người Hungary cho biết: “Nếu cô ấy là đàn ông, chiến thắng của tôi càng trở nên ý nghĩa hơn”. Kết quả, Hamori đã thua Khelif từ hiệp thứ hai.

Ngày nay, khi nhắc tới giới tính, khó xác định là một chủ đề nhạy cảm, né tránh bởi có quốc gia đã hình sự hóa thái độ phân biệt. Các quốc gia phương Đông thì xác định đây là nhóm thiểu số nên không cho phép kỳ thị nhưng nhóm này sẽ phạm pháp nếu tuyên truyền lan tỏa lối sống. Thế mới thấy văn minh phương Tây dường như đang bỏ đường quang để đi vào bụi rậm.

Màn khai mạc Olympic Paris cũng có nhiều phân đoạn “đi vào lòng đất”. Cùng với màn trình diễn nghi vấn xúc phạm tôn giáo và nhiều lùm xùm khác như treo ngược cờ Olympic, nhầm tên đoàn Hàn Quốc… thì một số nhà quảng cáo đã bỏ chạy. Sau khai mạc 4 ngày, Giám đốc nghệ thuật lễ khai mạc Thomas Jolly đã nhận được nhiều lời dọa giết. Thomas Jolly phân trần rằng màn trình diễn bị hiểu lầm. Đây là lễ hội của thần Hy Lạp Dionysus là ngoại giáo chứ không xúc phạm tôn giáo, là mong muốn đoàn kết chứ không chia rẽ…) Thật hài khi “trùm cuối” nghệ thuật lại ngây thơ về tính biểu tượng lập lờ của hình ảnh.

Trong màn tiệc nói trên có một người đàn bà ngoại cỡ phía sau, đồ rằng ẩn ý muốn cổ vũ trào lưu Fat Acceptance (chấp nhận người mập), Fat Pride (tự hào người mập)… còn nhiều nữa nhưng tựu trung là béo phì quyền, không kém gì cách mạng nữ quyền trong thế kỷ XX. Trào lưu này ra đời từ 1967 khởi động đấu tranh cho quyền của người ngoại cỡ trong việc làm, y tế, thời trang…

Thật bất công khi những chiếc ghế máy bay chỉ bằng nửa suất ngồi, thời trang may sẵn chỉ toàn cỡ phổ thông. Bất chấp khuyến cáo của y tế về sự gia tăng béo phì do thức ăn, lối sống thì nhóm này ngày càng có nhiều quyền lực. Giờ đây ở phương Tây, ai nhắc tới người mập không nói giảm nói tránh sẽ bị ném đá cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Muốn con em mình rèn luyện, ăn uống, giữ eo để không rơi vào béo phì cũng phải kheo khéo cái mồm.

Mà sao Làng Olympic Paris lại cho vận động viên ăn uống kiểu khổ hạnh “giữ eo”. Với cái nóng 34 độ mà họ không lắp điều hòa để chống biến đổi khí hậu. Họ muốn Thế vận hội Xanh và giảm cân chăng? “Kình ngư” Italy (HCV 100m bơi ngửa nam Olympic 2024) Thomas Ceccon đã phải ngủ ngoài công viên để thoát khỏi “hỏa diệm sơn”. Nhiều đoàn vội mua, thuê máy lạnh để “sống sót”. Đoàn nào không mua, thuê được bắc thang lên hỏi ông trời.

Khẩu phần Thế vận hội toàn rau để chống biến đổi khí hậu. Kinh đô ánh sáng thực sự đã xanh nhất thế giới. Vật động viên kỳ này xanh mặt? Câu thần chú “đồng hồ Tây có bao giờ sai” chắc phải xem lại. Tinh thần mới này nếu không gọi là gàn dở thì đặt tên là gì?

Tả Từ

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/xanh-nhat-lich-su-i741303/