Xáo trộn trong Nội các Israel sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc chiến Gaza?

Việc một thành viên cấp cao trong Nội các chiến tranh của Israel từ chức cho thấy sự ngờ vực đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu và chiến lược của ông trong cuộc chiến kéo dài 8 tháng ở Gaza.

Thủ tướng Israel Netanyahu và Bộ trưởng Nội các Benny Gantz trong một cuộc họp báo tháng 10.2023. Ảnh: AP

Thủ tướng Israel Netanyahu và Bộ trưởng Nội các Benny Gantz trong một cuộc họp báo tháng 10.2023. Ảnh: AP

Tại sao ông Benny Gantz từ chức?

Ông Benny Gantz, một người trung dung được coi là đối thủ chính trị chính của Netanyahu, đã từ chức sau nhiều tháng căng thẳng gia tăng trong Nội các chiến tranh liên quan đến chiến lược của Israel ở Gaza.

Vào ngày 7.10.2023, các chiến binh Hamas tấn công vào Israel khiến 1.200 người thiệt mạng và bắt khoảng 250 con tin trở về Gaza. Thủ tướng Netanyahu khi đó đã cam kết đạt được hai mục tiêu: đánh bại Hamas và đưa các con tin trở về. Ông Benny Gantz, một cựu quân nhân rất có tiếng tăm ở Israel và là người đứng đầu phe đối lập, đã tuyên bố ra nhập Nội các chiến tranh của Israel, được thành lập sau vụ tấn công, để bày tỏ sự đoàn kết với đảng cầm quyền.

Nhưng khi chiến tranh kéo dài, nhiều người Israel - bao gồm cả ông Gantz - đã trở nên thất vọng vì Chính quyền của Thủ tướng Netanyahu không đạt được tiến bộ nào trong việc đưa những người bị bắt về nước và đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Họ nói rằng ông Netanyahu đã đặt sự sống còn chính trị của mình lên trên lợi ích của đất nước, kéo dài chiến tranh để tránh các cuộc bầu cử mới và phiên tòa xét xử tham nhũng của chính ông.

Tháng trước, ông Gantz, người ngày càng nhận được sự ủng hộ nhờ quan điểm trung dung kể từ khi bắt đầu chiến tranh, đã đưa ra tối hậu thư cho Thủ tướng Netanyahu. Ông cảnh báo sẽ rời chính phủ vào ngày 8.6 nếu ông Netanyahu không tán thành kế hoạch trao trả con tin, phi quân sự hóa Dải Gaza, thiết lập cơ quan quản lý quốc tế về các vấn đề dân sự ở Gaza, bình thường hóa quan hệ với Ảrập Xêút.

Khi Thủ tướng Netanyahu tỏ ý không ủng hộ kế hoạch này, ông Gantz đã tuyên bố từ chức. Ông nói rằng “những quyết định chiến lược định mệnh” trong Nội các “đã gặp phải sự do dự và trì hoãn do những cân nhắc về mặt chính trị”.

Việc ông Gantz rời khỏi Nội các thời chiến đã đưa ông trở lại vai trò lãnh đạo phe đối lập trong Quốc hội Israel như trước chiến tranh.

Tác động đối với Chính phủ Israel

Động thái này không gây ra mối đe dọa ngay lập tức đối với Thủ tướng Netanyahu, người đang kiểm soát liên minh với 64 trong số 120 ghế trong Quốc hội.

Nhưng trong bài phát biểu từ chức của mình, ông Gantz đã kêu gọi Israel tổ chức bầu cử lập pháp vào mùa thu này, điều mà Thủ tướng Netanyahu đến nay vẫn từ chối với lý do đất nước đang trong chiến tranh. Ông cũng kêu gọi thành viên thứ ba trong Nội các chiến tranh, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, một nhân vật diều hâu, “làm điều đúng đắn” và từ chức.

Sự rút lui của ông Gantz, một cựu Bộ trưởng Quốc phòng được nhiều người kính trọng ở Washington và trên trường quốc tế, đã tước bỏ tiếng nói ôn hòa cuối cùng trong Chính phủ cực hữu của Israel. Điều đó có thể sẽ khiến các bộ trưởng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Israel, những người đã phản đối quyết liệt mọi thỏa thuận ngừng bắn, được trao quyền lực lớn hơn.

Itamar Ben-Gvir và Bezalel Smotrich, hai trong số những bộ trưởng cực đoan nhất trong chính phủ của Israel, đã kêu gọi đưa người Palestine ra khỏi Gaza và sau đó tái lập các khu định cư của Israel ở đó. Đó là một phương án mà Nội các chiến tranh cho đến nay đã loại trừ.

Tác động đối với cuộc chiến

Cho đến nay, Thủ tướng Netanyahu đã tuyên bố sẽ ủng hộ đề xuất ngừng bắn do Mỹ đưa ra. Tuy nhiên, với quyết định từ chức của ông Gantz, Thủ tướng Netanyahu giờ đây có thể muốn bỏ qua đề xuất này để bảo toàn chính phủ của mình và duy trì quyền lực. Những nhân vật cực hữu trong Chính quyền của ông cho đến nay luôn gây sức ép để Thủ tướng không chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn.

Đề xuất ngừng bắn do Mỹ hậu thuẫn đưa ra một lộ trình bao gồm việc thả các con tin ở Gaza theo từng giai đoạn để đổi lấy các tù nhân Palestine do Israel bắt giữ, tăng cường viện trợ nhân đạo vào Gaza, rút lực lượng Israel khỏi lãnh thổ và nỗ lực tái thiết.

Đề xuất này cũng đã nhận được sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong một cuộc bỏ phiếu của Hội đồng hôm 10.6. Trong chuyến công du Trung Đông đang diễn ra, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 11.6 đã kêu gọi Hamas chấp nhận đề xuất này, nói rằng cuộc bỏ phiếu của HĐBA đã chứng tỏ rõ ràng rằng thế giới ủng hộ kế hoạch này.

Tuy nhiên, các thành viên cực hữu trong liên minh của ông Netanyahu đã đe dọa sẽ rời khỏi chính phủ nếu Israel ngừng thúc đẩy các kế hoạch quân sự ở Gaza. Sự ra đi của họ sẽ làm tan vỡ chính phủ và dẫn đến các cuộc bầu cử mới. Đây là một kịch bản bất lợi đối với ông Netanyahu bởi ông sẽ phải đối mặt với cạnh tranh nguy hiểm từ đảng của ông Gantz trong bối cảnh Chính phủ của ông ngày càng mất đi sự ủng hộ của dân chúng.

Quỳnh Vũ (Theo AP, RT)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/xao-tron-trong-noi-cac-israel-se-anh-huong-the-nao-den-cuoc-chien-gaza--i375316/