Xâu xé chuột Mickey
Sau khi Disney mất bản quyền Mickey, chú chuột này ngay lập tức bị một hãng phim lợi dụng làm phim kinh dị. Trước đó, nai Bambi và gấu Pooh cũng gặp phải tình huống tương tự.
Kể từ ngày 1/1, phiên bản hoạt hình chuột Mickey và Minie chính thức hết hạn bản quyền sau 95 năm. Bộ đôi nhân vật này xuất hiện lần đầu trong tập phim mang tên Steamboat Willie, do chính chủ tịch Walt Disney sáng tạo.
Điều này đồng nghĩa với việc hình ảnh kinh điển của Mickey và Minnie có thể được tái sử dụng mà không cần xin giấy phép hay mất chi phí. Chính vì vậy, chúng lập tức trở thành miếng mồi ngon cho nhiều công ty, trở thành “nguyên liệu” trong các sản phẩm mới của họ.
Biểu tượng của Disney
Nhắc tới Disney, không thể không biết tới Mickey - vốn là biểu tượng của đế chế khổng lồ này, thậm chí còn được coi là biểu tượng văn hóa trên toàn thế giới. Mối liên kết chặt chẽ với Mickey đóng góp lớn vào sự thành công của Disney trên con đường trở thành một đế chế giải trí khổng lồ.
Hình ảnh chú chuột xuất hiện lần đầu tiên năm 1928, thời điểm mà Walt Disney đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề tài chính. Tuy nhiên, nó dần trở thành một hiện thân của niềm vui, sự hài hước và tinh thần lạc quan - tất cả những giá trị mà hãng muốn truyền tải.
Tạo hình ngộ nghĩnh, đáng yêu và gần gũi của Mickey được nhận xét tạo nên tính kết nối mạnh mẽ. Những đường nét tưởng chừng giản đơn của chú chuột thực chất lại ẩn chứa sự tinh tế của nghệ thuật sáng tạo. Walt Disney không chỉ khai sinh một nhân vật, mà còn biến nó trở thành biểu tượng của niềm vui và lòng tin vượt qua mọi khó khăn. Mickey cứ như vậy mà gắn liền với tuổi thơ nhiều thế hệ, mang các câu chuyện nhiệm màu tới hàng triệu trẻ em trên toàn cầu.
Không chỉ là biểu tượng tinh thần, chú chuột cũng là công cụ đắc lực giúp Disney gặt hái nhiều thành công thương mại cho tới ngày nay. Xuất hiện ở đa dạng nội dung, như phim ảnh, hoạt hình đến các sản phẩm sách báo, đồ chơi, Mickey trở thành thỏi nam châm thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Ngoài ra, nó còn là một phần quan trọng trong chiến lược tiếp thị của hãng. Hình ảnh chú chuột không chỉ xuất hiện trong nhiều sản phẩm giải trí, mà còn được sử dụng rộng rãi tại các sự kiện, chiến dịch quảng cáo hay thậm chí là đồ tiêu dùng.
Nhờ vào thành công của hình tượng này, Disney có cơ hội đa dạng hóa và mở rộng mô hình hoạt động kinh doanh. Từ việc mở công viên giải trí, làm phim, đến lĩnh vực sản xuất đồ chơi và các loại hợp đồng bán kèm (tie-in sales), Disney gần như đã tạo nên một “hệ sinh thái" toàn diện.
Rõ ràng, Mickey không chỉ nâng cao giá trị thương hiệu mà còn làm cho Disney trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức của hàng triệu người trên thế giới.
Nối gót nai Bambi và gấu Pooh
Trước khi mất bản quyền Mickey và Minnie, Disney vô cùng cứng rắn trong cách bảo vệ nhân vật hoạt hình của mình. Theo The New York Times, công ty này từng dọa kiện 3 trung tâm chăm sóc tại Hallandale, Florida vì sử dụng tranh dán tường hình chuột Minnie và Goofy trái phép. Họ thậm chí từ chối việc khắc hình gấu Pooh lên bia mộ một em bé vì lo ngại xâm phạm bản quyền.
Việc Disney nỗ lực mở rộng các biện pháp bảo vệ bản quyền cho các nhân vật vào năm 1998 từng bị nhạo báng là “Đạo luật bảo vệ chuột Mickey”. Vậy nên, việc chúng không còn là “tài sản riêng” của công ty này tạo nên các luồng ý kiến trái chiều. Một số cảm thấy tiếc nuối, số khác lại vui mừng vì cho rằng việc trở thành tài sản công cộng mới là đích đến cuối cùng của mọi sản phẩm nghệ thuật, cho phép tự do xây dựng dựa trên ý tưởng gốc.
Ở khía cạnh tích cực, việc Mickey trở thành tài sản chung giúp duy trì sức sống cho chính hình tượng nhân vật mang tính huyền thoại này.
“Những câu chuyện về Mickey nguyên bản là điều đáng suy ngẫm khi chúng ta chứng kiến Disney bước sang thế kỷ thứ hai với rất nhiều rắc rối. Disney hiện có cả một danh sách nhiều điều cần phải lo lắng, song việc hết hạn bản quyền Mickey không nên đứng đầu danh sách này”, Giáo sư Robert Thompson - giám đốc sáng lập của trung tâm truyền hình và văn hóa đại chúng Bleier tại Đại học Syracuse nhận xét.
Tranh luận về vấn đề bản quyền chuột Mickey chưa dứt, thì mới đây, khán giả lại bất ngờ khi chứng kiến hình ảnh chú chuột nổi tiếng xuất hiện trên poster Micky's Mouse Trap. Đây là dự án thuộc thể loại kinh dị, do một hãng phim hạng B sản xuất.
Trong trailer công bố ngày 2/1, Mickey trở thành kẻ truy sát nhóm bạn trẻ tại khu công viên giải trí. Thậm chí, trailer còn nghiễm nhiên sử dụng một cảnh trong bộ phim hoạt hình gốc của Disney. Dưới phần bình luận, không ít khán giả tràn vào mỉa mai bộ phim của Jamie Bailey. Họ gọi Micky's Mouse Trap là một dự án “ba xu” vì câu chuyện nhàm chán, hình ảnh xấu và diễn xuất tệ.
Trong khi đó, đạo diễn Jamie Bailey lại tỏ ra khoái chí khi trả lời phỏng vấn The Hollywood Reporter: “ Chúng tôi chỉ muốn làm vậy cho vui. Mọi người cứ xem phim là sẽ thấy”.
Nhiều bình luận cho rằng việc Disney mất bản quyền khiến Mickey trở thành miếng mồi ngon cho các hãng phim khác mặc sức xâu xé. Thực chất, chú chuột này không phải “nạn nhân” đầu tiên. Trước đây, một vài nhân vật nổi tiếng khác từng rơi vào cảnh tương tự, điển hình là Bambi, Piglet hay Pooh...
Đầu năm 2023, Winnie-The-Pooh: Blood and Honey do hãng Altitude Film Distribution phân phối ra mắt. Phim bị khán giả lẫn giới phê bình chỉ trích thậm tệ vì nội dung bạo lực, nhảm nhí. Người hâm mộ Disney cũng cực kỳ bất bình trước Winnie-The-Pooh: Blood and Honey vì tính chất "phá hoại tuổi thơ" của nó.
Khai thác hình ảnh gấu Pooh nổi tiếng, dự án vẫn thành công thu hút sự quan tâm, thu về 5,2 triệu USD cho hãng dù chỉ có ngân sách ít ỏi 100 nghìn USD. Chính sự tò mò của khán giả ra rạp đã giúp doanh thu phim tăng đột biến. Đây cũng là điểm chung của nhiều phim hạng B khi cố tình nhào nặn nhân vật hoạt hình quen thuộc trở nên vặn vẹo, tạo sự chú ý.
Điều này khiến người hâm mộ Disney lo sợ Mickey cũng sẽ có kết cục tương tự.
Nguồn Znews: https://znews.vn/xau-xe-chuot-mickey-post1452947.html