Xây chắc móng nền từ bóng đá trẻ

Để hiện thực hóa tham vọng giành quyền tham dự World Cup 2034, đề án phát triển bóng đá Việt Nam hướng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 vừa được phê duyệt. Những mục tiêu, nhiệm vụ được hoạch định tỉ mỉ, với khát vọng tạo bệ phóng vươn tầm cho các câu lạc bộ và đội tuyển nam quốc gia.

Hai giai đoạn, nhiều mục tiêu

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Hoàng Đạo Cương vừa ký Quyết định số 2368/QĐ-BVHTTDL Phê duyệt Đề án phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (viết tắt là đề án).

Bên cạnh các mục tiêu ở tầm vĩ mô, đề án tập trung vào thành tích của các đội tuyển Việt Nam trong hai thập niên. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất của bóng đá nam Việt Nam là giành quyền tham dự World Cup 2034. Gần 10 năm chuẩn bị cho khát vọng này là khoảng thời gian đủ và phù hợp. Bởi thông qua chiến lược được hoạch định chi tiết dựa theo đề án, “Những chiến binh sao vàng” có cơ sở để nâng tầm nội lực, qua đó sẵn sàng cạnh tranh với những đội tuyển mạnh ở châu Á từ Asian Cup đến vòng loại World Cup.

 Bóng đá học đường tại Việt Nam sẽ được chú trọng trong thời gian tới.

Bóng đá học đường tại Việt Nam sẽ được chú trọng trong thời gian tới.

Đề án cũng xác định nhiệm vụ cho đội tuyển U.23 nam quốc gia. Cụ thể, ngoài nhiệm vụ tranh chấp huy chương tại SEA Games 33 vào cuối năm nay, những tài năng trẻ được xác định cần đoạt huy chương vàng tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á vào các năm 2027, 2029 cũng như các kỳ kế tiếp. Việc liên tục tham dự ASIAD, vòng chung kết giải U.23 châu Á cũng như quyết tâm tranh vé dự Olympic là chỉ tiêu đặt ra cho đội tuyển cấp độ U.23. Song song với mục tiêu về thành tích, đề án chú trọng đến nhiều hạng mục, một trong số đó là từng bước tiếp cận đến giấc mơ lọt tốp 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển nhất châu Á.

Những thay đổi đáng hoan nghênh

Để hiện thực hóa những mục tiêu quan trọng kể trên, bóng đá Việt Nam cần bảo đảm làm tốt các nhiệm vụ chủ chốt trong phát triển nội lực. Trong đó, một thay đổi đáng hoan nghênh chính là việc đánh giá lại và cải tiến hệ thống thi đấu bóng đá trẻ bao gồm các lứa tuổi.

Cho đến hiện tại, bất chấp nỗ lực đến từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, số lượng trận đấu tại giải trẻ quốc gia từ U.15, U.17, U.19 và U.21 vẫn còn khiêm tốn. Một cầu thủ phổ thông chỉ có thể ra sân từ 10 đến 15 trận trung bình/năm. Mật độ thi đấu cho những tài năng trẻ cũng diễn ra rải rác, do thực tiễn lịch thi đấu không đồng bộ ở các giải trẻ quốc gia. Trước thực trạng trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa vào đề án một nhiệm vụ mang tính cách mạng, đó là các cầu thủ trẻ cần được thi đấu tối thiểu 20 đến 30 trận/năm. Để hiện thực hóa chỉ tiêu này, đề án cũng ghi rõ nhiệm vụ cần phải tăng số lượng trận đấu chính thức hằng năm cho các cầu thủ trẻ từ nhiều lứa tuổi.

Giải pháp được chỉ ra là tổ chức thêm các giải bóng đá, cúp bóng đá cho lứa tuổi kế cận như U.17-U.19 từ các câu lạc bộ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, thể thức tổ chức giải trẻ theo thể thức lượt đi và về ở khu vực sẽ được tiến hành trải dài trong năm thay vì chỉ gói gọn trong hai giai đoạn gồm vòng loại và vòng chung kết như hiện tại. Song song với đó, bóng đá Việt Nam cũng nghiêm túc phát triển tìm kiếm tài năng từ bóng đá học đường. Theo đó, các câu lạc bộ bóng đá trường học sẽ được định hướng, hỗ trợ xây dựng. Các đơn vị sự nghiệp, câu lạc bộ bóng đá có cơ sở vật chất sẽ được liên kết với các trường học trên địa bàn để tổ chức hoạt động ngoại khóa...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách liên quan tới giáo dục thể chất, bồi dưỡng năng khiếu thể thao, đưa bóng đá là một trong những môn được phổ cập trong trường học và chính sách đối với đội ngũ giáo viên thể thao. Những thay đổi kể trên nhận được sự ủng hộ lớn đến từ giới mộ điệu và chuyên môn. Bởi đó cũng là cách để bóng đá Việt Nam phát triển liên tục nguồn lực cầu thủ, tạo sự cạnh tranh tích cực và kế thừa cho các đội tuyển quốc gia Việt Nam. Chiến lược mang tính bền vững này đã được Nhật Bản, Uzbekistan hay các quốc gia châu Âu, Nam Mỹ thực hiện trong hàng thập niên.

Dù đi sau nhưng bóng đá Việt Nam cũng ý thức được rõ nền móng để từng bước tiến lên, hướng đến tham vọng dự World Cup 2034.

Bài và ảnh: TRỊNH MỸ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/xay-chac-mong-nen-tu-bong-da-tre-836596