Xây đắp sự đồng thuận và nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa trong việc sáp nhập tỉnh Lào Cai - Yên Bái

Quyết định sáp nhập tỉnh Lào Cai và Yên Bái là một bước ngoặt lịch sử, hướng tới mục tiêu xây dựng cực tăng trưởng mới của Tây Bắc. Tuy nhiên, để chủ trương vĩ mô này thành công, yếu tố then chốt nằm ở việc xây đắp sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, cùng với nỗ lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của từng địa phương. Đây chính là nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền và vận động trong giai đoạn bản lề này.

Nhìn nhận về ý nghĩa và tầm vóc của quyết định sáp nhập, đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lào Cai, khẳng định: "Việc thực hiện hợp nhất tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái là bước ngoặt lịch sử, là sự hội tụ những gì tinh túy nhất của hai vùng đất để cùng kiến tạo một tương lai mới - nơi tiềm năng và khát vọng được đánh thức, nơi người dân là trung tâm của mọi chiến lược phát triển.

Đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lào Cai

Đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lào Cai

Thấm nhuần quan điểm "đi trước mở đường", Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy xác định truyền thông phải "khơi thông tư tưởng", vừa tạo sự thống nhất trong Đảng, vừa lan tỏa niềm tin, sự ủng hộ, tinh thần khát vọng trong Nhân dân hướng đến đoàn kết chung tay xây dựng tỉnh mới.

Phóng viên: Thưa đồng chí, việc sáp nhập Lào Cai và Yên Bái là một chủ trương lớn. Xin đồng chí chia sẻ về vai trò của công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền và vận động trong việc tạo dựng sự đồng thuận cho quyết sách này?

Đồng chí Dương Đức Huy: "Việc thực hiện hợp nhất tỉnh Lào Cai và Yên Bái là một bước ngoặt lịch sử, là sự hội tụ những giá trị tinh túy nhất của hai vùng đất để cùng nhau kiến tạo một tương lai mới - nơi tiềm năng và khát vọng được đánh thức, và người dân là trung tâm của mọi chiến lược phát triển. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm 'đi trước mở đường', Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy xác định công tác truyền thông phải đi trước một bước để 'khơi thông tư tưởng', vừa tạo sự đồng thuận và thống nhất trong Đảng, vừa lan tỏa niềm tin, sự ủng hộ và tinh thần khát vọng trong nhân dân, hướng tới mục tiêu đoàn kết chung tay xây dựng tỉnh mới."

Phóng viên: Ban Tuyên giáo đã triển khai những hoạt động cụ thể nào để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về sự cần thiết và lợi ích của việc sáp nhập, thưa đồng chí?

Đồng chí Dương Đức Huy: "Để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấu hiểu sự cần thiết và lợi ích chiến lược của việc 'về chung một nhà', công tác tuyên truyền đã được triển khai sâu rộng và đa dạng trên nhiều kênh thông tin. Bám sát chủ trương, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đã ban hành các kế hoạch, hướng dẫn, định hướng cho hệ thống tuyên giáo, dân vận, các cơ quan báo chí, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền về chủ trương sáp nhập và tinh thần quyết liệt trong việc sắp xếp bộ máy.

Các hình thức truyền thông hiện đại, đặc biệt là các nền tảng số, đã được khai thác tối đa. Các hội nghị báo cáo viên, công tác tuyên vận tại cơ sở và lực lượng Ban Chỉ đạo 35 đã tích cực lan tỏa thông tin chính thống, đồng thời kiên quyết đấu tranh và xử lý kịp thời các thông tin sai lệch, xuyên tạc.

Công tác truyền thông cũng đặc biệt chú trọng giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh tươi đẹp về miền đất và con người, vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ cùng những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của cả hai tỉnh. Việc hợp nhất được nhấn mạnh sẽ tạo ra một không gian phát triển rộng lớn hơn, tận dụng tối đa những lợi thế về vị trí địa lý, văn hóa, lịch sử và hạ tầng để tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi khẳng định đây là một chủ trương mang tầm vóc lớn, có tầm nhìn chiến lược và lâu dài trong việc điều chỉnh không gian kinh tế, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển chung của đất nước, qua đó tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và sự đồng thuận sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân hai tỉnh."

Phóng viên: Trong quá trình chuẩn bị và triển khai chủ trương sáp nhập, chắc chắn sẽ có những băn khoăn trong dư luận. Ban Tuyên giáo đã có những biện pháp nào để lắng nghe, đối thoại và giải đáp những thắc mắc này, thưa đồng chí?

Đồng chí Dương Đức Huy: "Bất kỳ sự thay đổi mang tính bước ngoặt nào cũng kéo theo những lo lắng và băn khoăn chính đáng trong cộng đồng. Công tác nắm bắt dư luận xã hội, tổ chức đối thoại và giải đáp thấu đáo những thắc mắc của người dân đã được triển khai một cách chủ động, đồng bộ và từ rất sớm. Xuất phát từ nhận định sự đồng thuận của nhân dân là động lực tinh thần to lớn, có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng một trung tâm kinh tế - văn hóa - hành chính mới năng động và giàu bản sắc của vùng Tây Bắc, công tác này đã được các cấp, các ngành thực hiện khẩn trương thông qua nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với trình độ và năng lực nhận thức của người dân.

Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đã chỉ đạo sâu sát các cấp, các ngành chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng và dư luận trong nhân dân; tăng cường công tác tuyên truyền, làm rõ ý nghĩa, mục tiêu và lợi ích lâu dài của việc hợp nhất hai tỉnh cũng như việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã. Các kênh tiếp nhận thông tin đa chiều đã được thiết lập và phát huy hiệu quả, từ hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình đến các nền tảng mạng xã hội và đội ngũ cộng tác viên tại cơ sở.

Vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ cán bộ cơ sở được đề cao trong việc tuyên truyền, vận động, ghi nhận và tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Các buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân được tổ chức thường xuyên, và các ý kiến thu thập được đều được tổng hợp, phân tích và báo cáo kịp thời lên cấp ủy, chính quyền các cấp để có những giải pháp triển khai hiệu quả.

Toàn tỉnh Lào Cai đã thành lập 1.550 tổ lấy ý kiến theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố. (Ảnh: Báo Lào Cai)

Toàn tỉnh Lào Cai đã thành lập 1.550 tổ lấy ý kiến theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố. (Ảnh: Báo Lào Cai)

Minh chứng rõ nét cho sự đồng thuận sâu rộng trong nhân dân là kết quả lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã vừa qua. Quá trình này được thực hiện một cách bài bản, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, đảm bảo tính dân chủ, công khai và minh bạch. Theo thống kê, toàn tỉnh đã thành lập 1.550 tổ lấy ý kiến theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố. Tỷ lệ cử tri đồng ý với phương án sắp xếp đạt mức rất cao ở nhiều địa phương, thậm chí vượt ngưỡng 99%. Đây là minh chứng hùng hồn cho niềm tin vững chắc của nhân dân đối với các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tạo nền tảng vững chắc cho sự đồng thuận xã hội sâu rộng và bền vững trong quá trình hợp nhất."

Phóng viên: Lào Cai và Yên Bái đều có những bản sắc văn hóa độc đáo. Vậy, Ban Tuyên giáo có những định hướng và kế hoạch cụ thể nào để vừa bảo tồn, phát huy những nét riêng, vừa kiến tạo sự gắn kết văn hóa trong tỉnh mới?

Đồng chí Dương Đức Huy: "Việc hợp nhất hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái không chỉ đơn thuần là sự thay đổi về mặt địa giới hành chính mà còn là sự hòa quyện giữa hai vùng đất giàu truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc lâu đời. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng của mỗi địa phương chính là nền tảng quan trọng để người dân cảm thấy được tôn trọng, từ đó sẵn sàng hòa nhập, đoàn kết và chung tay xây dựng 'ngôi nhà' chung.

Nhiệm vụ then chốt đặt ra cho công tác tuyên giáo và dân vận là thông qua các hoạt động chính trị tư tưởng, tuyên truyền và vận động để vừa bảo tồn, phát huy được những nét văn hóa riêng biệt của từng địa phương, vừa hình thành nên một bản sắc văn hóa chung, góp phần xây dựng sự gắn kết bền chặt giữa cộng đồng các dân tộc trong tỉnh mới.

 Ngày hội văn hóa các dân tộc và các lễ hội truyền thống sẽ là những nhịp cầu văn hóa quan trọng, gắn kết nhân dân, tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng.Trong ảnh là lễ cấp sắc 12 đèn người Dao Đỏ - Bản Hồ - Sa Pa - Ảnh Nguyễn Ngọc Thanh

Ngày hội văn hóa các dân tộc và các lễ hội truyền thống sẽ là những nhịp cầu văn hóa quan trọng, gắn kết nhân dân, tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng.Trong ảnh là lễ cấp sắc 12 đèn người Dao Đỏ - Bản Hồ - Sa Pa - Ảnh Nguyễn Ngọc Thanh

Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đã tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vẻ đẹp của miền đất và con người, những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của tỉnh Lào Cai mới; khắc họa những biểu tượng đặc trưng của vùng núi Tây Bắc, những địa danh nổi tiếng như Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý, Mù Cang Chải, đèo Ô Quy Hồ, những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, cánh đồng Mường Lò trù phú, dòng sông Hồng lịch sử, dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ cùng những giá trị văn hóa và lịch sử phong phú của vùng đất; đồng thời tôn vinh sự hòa hợp và đoàn kết giữa các dân tộc anh em, sự giao thoa văn hóa đặc sắc giữa hai tỉnh.

Thông điệp về sự đoàn kết và thống nhất trong đa dạng được lan tỏa mạnh mẽ, nhấn mạnh những lợi ích lâu dài và tầm nhìn chiến lược của chủ trương hợp nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của địa phương mà còn của cả quốc gia, không chỉ cho hiện tại mà còn cho tương lai. Các hoạt động giao lưu và kết nối văn hóa cộng đồng được chỉ đạo đẩy mạnh; việc tổ chức các chương trình liên hoan nghệ thuật quần chúng, ngày hội văn hóa các dân tộc và các lễ hội truyền thống sẽ là những nhịp cầu văn hóa quan trọng, gắn kết nhân dân, tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng.

Vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là những người có uy tín trong cộng đồng và các nghệ nhân dân gian, được phát huy để truyền bá những giá trị truyền thống, giữ gìn tiếng nói, trang phục và những tập quán tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc. Cùng với đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu văn hóa số hóa được đặc biệt chú trọng, tạo nền tảng vững chắc cho công tác bảo tồn, tôn vinh và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Các cơ chế và chính sách khuyến khích bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch và giáo dục cộng đồng cũng được đề xuất và triển khai.

Với việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp trên, tỉnh Lào Cai mới sẽ không chỉ là sự cộng hưởng về mặt địa lý mà còn là sự tổng hòa các giá trị văn hóa, tạo nên một cộng đồng giàu bản sắc, đoàn kết và phát triển bền vững trong tương lai. Với quyết tâm 'Chung một ngọn nguồn, chung niềm khát vọng', người dân hai tỉnh đang cùng nhau hướng tới tương lai thịnh vượng trong kỷ nguyên phát triển mới."

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đức Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xay-dap-su-dong-thuan-va-no-luc-bao-ton-ban-sac-van-hoa-trong-viec-sap-nhap-tinh-lao-cai-yen-bai-10288795.html