Xây đắp tương lai tươi sáng cho trẻ em nghèo vùng cao, biên giới
Tháng 4/2022, gia đình bé Vì Tương Lai ở bản A Má 2, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La dọn về nhà mới trong niềm hân hoan, phấn khởi chung vui của người thân và bà con thôn bản. Ngôi nhà hoàn thiện chỉ sau 3 tháng thi công với diện tích 36m2, có 2 phòng ngủ, 1 bếp và 1 phòng khách.
Ngày 7/12 vừa qua, ở xã Nậm Păm, huyện Mường La, một huyện nghèo vùng cao khác của tỉnh Sơn La, điểm trường mầm non Nong Bẩu chính thức khánh thành và được đưa vào sử dụng, đẹp tựa như cổ tích giữa đại ngàn Tây Bắc, đem lại môi trường học tập, vui chơi tốt hơn, an toàn hơn cho hơn 60 mầm non đang được ươm mầm, chăm sóc nơi đây.
Ngôi nhà mới của gia đình bé Vì Tương Lai và điểm trường Nong Bẩu là hai trong số gần 70 ngôi nhà, điểm trường “hạnh phúc” mà Dự án “Hạnh phúc cho em” của Ban Thanh niên Công an tỉnh Sơn La đã kết nối, kêu gọi sự ủng hộ của các tấm lòng hảo tâm để hỗ trợ xây dựng trong suốt 3 năm vừa qua.
Từ sự thấu cảm những hoàn cảnh khó khăn…
Gắn bó với Dự án từ những ngày đầu mới thành lập, Thượng úy Dương Hải Anh, Trưởng Ban Thanh niên Công an tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh Sơn La, nhiều em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các em có ý chí vươn lên trong học tập nhưng lại phải sống trong những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ. Ước mơ về một “mái nhà” kiên cố để sinh hoạt gần như không thể thành hiện thực khi mà gia đình các em vẫn còn đang phải đối mặt với nỗi lo mưu sinh vì miếng cơm manh áo.
“Ngày trước, khi còn ở cơ sở, trong những chuyến công tác về các xã vùng sâu, vùng xa để thực hiện Dự án “Nuôi em Mộc Châu” (nuôi cơm trưa cho các em nhỏ ở các xã khó khăn), chúng tôi nhận thấy có một số điểm trường triển khai nuôi cơm, các em nhỏ phải học tập, sinh hoạt dưới mái nhà tranh, vách lá quây bằng bạt đơn thuần, không bảo đảm an toàn. Mưa đến thì dột, mùa đông các em đi chân trần trên nền đất lạnh lẽo, nhìn vô cùng đáng thương”, Thượng úy Dương Hải Anh nhớ lại.
Trước những cảnh ngộ đó, các cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Sơn La không khỏi trăn trở nếu chỉ mang đến cho các em ở đây 1 bữa ăn trưa thôi chưa đủ, mà cần phải làm việc gì đó lớn hơn, giúp các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cuộc sống ổn định hơn, mong muốn các em thực sự có tương lai tươi sáng hơn.
“Phải làm gì đó để triển khai xây dựng cơ sở vật chất này tốt đẹp hơn, mình giúp các em có bữa trưa rồi thì giờ phải giúp các em có điểm trường học an toàn để cô trò đỡ vất vả”. Tự nhủ như vậy, Hải Anh cùng các thành viên trong đoàn đã nảy ra ý tưởng về việc thành lập một dự án tiếp nối những lan tỏa mạnh mẽ của Dự án “Nuôi em Mộc Châu” và báo cáo xin ý kiến Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh.
Nhận được sự đồng tình, ủng hộ, nhất trí cao của lãnh đạo cơ quan, tháng 12/2021, Dự án “Hạnh phúc cho em” chính thức ra đời với sứ mệnh ban đầu là xóa các điểm trường tạm cho các huyện vùng cao Sơn La, sau đó mở rộng thêm các hạng mục xây nhà cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ và xây nhà nội trú.
Tính đến thời điểm hiện tại, Dự án “Hạnh phúc cho em” đã kết nối, hỗ trợ xây dựng được 58 điểm trường, 8 nhà nội trú và 8 nhà hạnh phúc, với tổng số tiền huy động gần 17 tỷ đồng từ các mạnh thường quân và nhà hảo tâm.
…đến những ngôi nhà, điểm trường từ thiện tâm
Với phương châm “Xây cho em hạnh phúc, xây cho em tương lai tươi sáng”, Dự án “Hạnh phúc cho em” đã tiến hành kêu gọi sự ủng hộ của các tấm lòng hảo tâm xây dựng và trao nhà mới cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La với trị giá 80 triệu/ngôi nhà và xây các điểm trường với trị giá 350 triệu/điểm trường.
Với hạng mục “Nhà hạnh phúc”, trường hợp đầu tiên mà Dự án hướng đến là bé Vì Tương Lai ở bản A Má 2, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu. Bố bé Vì Tương Lai là anh Vì Văn Nguyễn, nguyên là cán bộ y tế bản. Năm 2015, mọi thứ sụp đổ khi anh phát hiện bị bệnh suy thận. Cứ mỗi tuần 3 lần, anh phải đi chạy thận ở Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên, huyện Mộc Châu.
Một mình người vợ tảo tần làm thuê, làm mướn cũng không đủ tiền lo cho anh chữa bệnh. Hai vợ chồng cùng 3 con nhỏ chui rúc trong căn nhà nhỏ xiêu vẹo, nắng thì xiên vào nhà, mưa thì dột tứ bề. Bé Vì Tương Lai khi ấy mới 2 tuổi, đang học tại điểm trường mầm non bản A Má, cũng được hỗ trợ của Dự án “Nuôi em Mộc Châu”, được nuôi bữa cơm trưa như những đứa trẻ khó khăn vùng biên giới này.
Khi còn công tác tại Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện Mộc Châu, Thượng úy Dương Hải Anh, chủ nhiệm Dự án “Nuôi em Mộc Châu” đã nhiều lần gặp hai vợ chồng anh Vì Văn Nguyễn đèo nhau bằng xe máy ra bệnh viện chạy thận. Anh và những người thực hiện Dự án đã tìm hiểu và thấu hiểu hoàn cảnh, vẫn ấp ủ dự định giúp đỡ gia đình bé Vì Tương Lai có ngôi nhà đàng hoàng.
Và dự định ấy đã thành hiện thực khi ngôi nhà chính thức được xây dựng vào tháng 1/2022. Chỉ sau 3 tháng, ngôi nhà mang tên “Hạnh phúc” đã hoàn thiện với diện tích 36m2, có 2 phòng ngủ, 1 bếp và 1 phòng khách, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho các thành viên gia đình, không còn nỗi lo dột ướt, mất an toàn mỗi khi mưa xuống.
Sau khi ngôi nhà “Hạnh phúc” đầu tiên hoàn thành, qua sự giới thiệu của Phòng Giáo dục huyện Vân Hồ, Dự án tiếp tục xây ngôi nhà “Hạnh phúc” thứ 2 dành cho em Hà Thị Hình ở bản Tây Tà Lào, xã Tân Xuân vào tháng 4/2022. Đây cũng là trường hợp đã để lại trong Thượng úy Dương Hải Anh rất nhiều xúc cảm mỗi khi nhắc lại. Hoàn cảnh của em Hà Thị Hình rất éo le, có mẹ bị khuyết tật vận động về trí tuệ từ nhỏ, phải sống nương nhờ vào người anh ruột trong một căn bếp tồi tàn chỉ vỏn vẹn vài mét vuông.
Năm 2010, mẹ em bị một người đàn ông xâm hại, có bầu rồi sinh ra em. Một người bình thường khi nuôi con nhỏ còn vất vả, huống chi mẹ em là một người tàn tật, không có nhận thức, không đi lại được, không thể tự lo cho bản thân thì việc có thêm một đứa con nhỏ là điều vô cùng khó khăn. Mọi sinh hoạt của hai mẹ con nhờ vào người bác.
Với sự kết nối, giúp đỡ của cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Sơn La, hai mẹ con em không còn phải ở tạm trong căn bếp lụp xụp của người bác nữa mà đã có ngôi nhà đúng nghĩa với đầy đủ vật dụng sinh hoạt gia đình và góc học tập cho em cùng 1 chiếc xe đạp để đi học. Dự án “Hạnh phúc cho em” cũng đã mở gói tài trợ “Em nuôi của Đoàn Công an” hỗ trợ cho em Hình 500.000 đồng/tháng cho đến năm 18 tuổi.
“Nhìn em nhảy chân sáo trong ngày khánh thành ngôi nhà mà tất cả chúng tôi đều có chung một cảm giác, đó là cảm giác hạnh phúc khi mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho những em nhỏ khó khăn ở vùng biên giới này. Tuy phía trước cuộc sống của em sẽ phải đối mặt với nhiều chặng đường khó khăn nhưng ít nhất ở chặng đường hiện tại, nụ cười cũng đã nở trên môi em như đóa hoa rừng khoe sắc dưới ánh nắng ban mai nơi núi rừng biên giới”, Thượng úy Dương Hải Anh chia sẻ.
Bên cạnh “Nhà hạnh phúc”, Dự án “Hạnh phúc cho em” còn hỗ trợ, đầu tư xây dựng các điểm trường cho các em nhỏ ở những vùng khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ Dự án, 58 điểm “Trường đẹp cho em” đã mọc lên tươi xinh, đẹp như cổ tích giữa đại ngàn Tây Bắc. Hiện nay, Dự án đã xóa 100% điểm trường nhà tranh vách lá trên địa bàn tỉnh, còn điểm trường bằng tôn đã thực hiện được hơn 90%, dự kiến sẽ hoàn thành nốt trong nửa đầu năm 2025.
“Bản đồ thiện nguyện số trên nền tảng website” đầu tiên trên cả nước
Theo Thượng úy Dương Hải Anh, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Dự án cũng như bảo đảm tiếp cận nhanh chóng, kịp thời tới những trường hợp cần sự giúp đỡ, Ban Thanh niên Công an tỉnh Sơn La nhận thấy cần phải nhanh chóng đưa chuyển đổi số vào công tác thiện nguyện, xã hội tình nghĩa để có thêm công cụ hỗ trợ để giải quyết những bất cập về tính nhanh nhạy, kịp thời, minh bạch giữa việc nhà tài trợ giúp đỡ đến địa chỉ người nhận và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng.
“Chúng tôi xác định trong công tác thiện nguyện, minh bạch là phải minh bạch tới cùng. Trước khi nhà hảo tâm lựa chọn tài trợ cái gì, họ cần phải biết tất cả thông tin từ A đến Z. Đó là lý do để nhóm điều hành Dự án cho ra đời của Bản đồ thiện nguyện số. Khi trao đổi với mạnh thường quân, nhiều người đề xuất nhiều mức tài trợ khác nhau, phải mất rất nhiều thời gian tư vấn cho họ để chốt được điểm trường muốn tài trợ. Trước thực tế nói trên, chúng tôi đưa ra ý tưởng tạo lập kho dữ liệu thiện nguyện số để nâng cao khả năng thu hút, điều phối nguồn lực”, Thượng úy Dương Hải Anh nói.
Với những bộ công cụ này sẽ hỗ trợ các hoạt động tài trợ và ủng hộ từ thiện được bảo đảm đến đúng đối tượng, đúng địa chỉ, đúng nhu cầu, thuận tiện trên tinh thần minh bạch, rõ ràng, tạo sự thay đổi lớn về cách làm, mức độ ảnh hưởng tới xã hội.
Theo đó, Dự án đã tạo, thiết kế logo và xây dựng webiste mang tên hanhphucchoem.vn để điều hành và quản lý các hoạt động. Đây được xem là công trình “Bản đồ thiện nguyện số trên nền tảng website” đầu tiên trên cả nước tính đến thời điểm hiện (tháng 6/2024) với các tính năng ưu việt như: cung cấp chỉ dẫn đường từ vị trí của mạnh thường quân đến nơi cần tiếp nhận: điều này giúp mạnh thường quân hình dung được tuyến đường sẽ di chuyển đến nơi triển khai công trình thiện nguyện; thể hiện đầy đủ hình ảnh, quá trình, thời gian khởi công, khánh thành, chủ thể tài trợ thông qua mục “Dự án đã triển khai”; có một biểu tượng trái tim trên bản đồ khi truy cập vào như một “Tài sản số” trên tấm bản đồ hạnh phúc lưu vĩnh viễn trên nền tảng website.
Đồng thời, có mục gửi thông tin thiện nguyện trực tuyến, giúp nhân dân chỉ cần có điện thoại thông minh (smartphone) là có thể cung cấp các thông tin hoàn cảnh cụ thể cần giúp đỡ thông qua gửi hình ảnh thực tế và điền các trường thông tin theo mẫu và gửi về cho dự án…
Để có được những thông tin ban đầu về những địa chỉ, hoàn cảnh cần được giúp đỡ, Ban thanh niên Công an tỉnh thông qua các kênh thông tin tại cơ sở như: Công an xã; các tổ chức chính trị, xã hội, Đoàn thanh niên các huyện, các xã; Công đoàn hoặc Ban Giám hiệu các nhà trường cung cấp các thông tin theo mẫu gồm các trường thông tin cơ bản như: tên điểm trường, địa điểm, họ tên người liên hệ, số điện thoại, tình trạng trường/nhà nội trú/ hoàn cảnh hiện nay, mong muốn đề xuất, điều kiện thi công, đối ứng địa phương, hình ảnh thực tế... để tạo thành một dữ liệu thiện nguyện với đầy đủ các thông tin cần thiết để giúp các mạnh thường quân có thể hình dung tổng quan về những đối tượng cần sự giúp đỡ, tài trợ.
Dữ liệu thiện nguyện này được xây dựng trên các form “tiêu chí” mà Dự án đã đặt ra. Cụ thể, đối với mục “Nhà hạnh phúc”, đối tượng là học sinh dân tộc thiểu số; thuộc hộ gia đình đặc biệt khó khăn; học sinh mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ; có khả năng, ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống và trong học tập; có quỹ đất hợp pháp do gia đình tặng hoặc xã trao tặng có đầy đủ pháp lý chứng nhận quyền sử dụng đất và bảo đảm an toàn về mặt bằng để triển khai xây dựng, thi công.
Đối với mục “Trường đẹp cho em”, ưu tiên các điểm trường tạm được dựng bằng tranh, vách lá, bằng gỗ, tôn, quây tạm bằng bạt hoặc các điểm trường bị xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn để phục vụ công tác giảng dạy; điểm trường đang thiếu phòng học, không đủ chỗ cho học sinh học, phải học nhờ nhà văn hóa của bản, của xã hoặc nhà người dân; phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đảm bảo đủ diện tích mặt bằng để xây dựng trường theo quy chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra.
Sau khi hoàn chỉnh các trường thông tin thiện nguyện nêu trên, Ban chủ nhiệm Dự án sẽ tiến hành số hóa trên nền tảng website của dự án với tên miền: https://hanhphucchoem.vn/ - Mục “Dự án đang gây quỹ”, khi truy cập mục này các mạnh thường quân sẽ được tiếp cận với nhiều hạng mục công trình và được phân chia làm nhiều lựa chọn tài trợ cho các mạnh thường quân như: hạng mục “Nhà hạnh phúc” là 80 triệu đồng chẵn/trường hợp/ngôi nhà; Hạng mục “Trường đẹp cho em” từ 200 triệu đồng đến 800 triệu đồng/điểm trường; Hạng mục “Nhà nội trú” từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng/nhà nội trú để các mạnh thường quân trên cả nước có thể truy cập, lựa chọn hoàn cảnh thích hợp với mong muốn tài trợ của mình, sau đó tự liên hệ với Ban thanh niên Công an tỉnh để được kết nối tài trợ.
Từ đó, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh sẽ sắp xếp theo nhu cầu của nhà tài trợ để nhanh chóng nhất có thể đưa nguồn lực tới đúng nơi cần đến. Những hoàn cảnh khó khăn, các điểm trường thiếu cơ sở vật chất đã nhận được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân sẽ hiển thị thành trạng thái “Hoàn thành” và tôn vinh các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đồng hành cùng Dự án. Điều này nhằm bảo đảm sự công bằng và minh bạch, tăng cơ hội cho những hoàn cảnh khó khăn khác.
Với những tính năng tối ưu bảo đảm sự minh bạch, bền vững trong công tác thiện nguyện, mới đây, sáng kiến “Bản đồ thiện nguyện số” của Ban Thanh niên Công an tỉnh Sơn La đã đạt giải Ba tại Lễ tổng kết và trao giải “Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sơn La lần thứ 9, năm 2024 và giải Nhất của Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Sơn La tổ chức”.
Cùng với nhiều bằng khen, giấy khen của các đơn vị, bộ, ngành, đây được coi là nguồn cổ vũ, động viên các cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Sơn La nói chung và Ban Thanh niên Công an tỉnh nói riêng tiếp tục gắn bó, tâm huyết với con đường thiện nguyện mà họ đã và đang tiến bước để kết nối, lan tỏa sâu rộng hơn nữa giá trị yêu thương trong cộng đồng và trong xã hội.
Dự án “Hạnh phúc cho em” là dự án duy nhất trong lực lượng Công an nhân dân lọt vào chung khảo Giải thưởng “Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024”.
Vừa qua, sau phần thi chung kết của Dự án “Hạnh phúc cho em” tại nhà Thái Học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nghệ sĩ Hà Anh Tuấn - thành viên Hội đồng Giám khảo đã ngay lập tức ủng hộ dự án 400 triệu đồng để xây dựng các điểm trường tại Sơn La.
Với sự ủng hộ này, nam ca sĩ nói anh muốn đóng góp “phần rất nhỏ”, tạo ra tác động thực tế, góp phần giúp trẻ em vùng cao có những ngôi trường khang trang hơn để đi học tiếp cận với tri thức.
Nghệ sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ, các dự án bền vững vì cộng đồng trong khuôn khổ Giải thưởng Human Act Prize rất cần sự chung tay quảng bá của tất cả mọi người, bản thân anh sẽ trực tiếp kể lại, lan tỏa những câu chuyện ý nghĩa tại Human Act Prize năm nay.
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo” tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/9/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West, Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:
1. Ra mắt ấn phẩm “Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam” – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
2. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:
PwC (PricewaterhouseCoopers) - Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.
Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.
Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực
Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, VietnamPlus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại đoàn kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, TikTok
Human Act Prize 2024 quy tụ các dự án phát triển bền vững, các sáng kiến đóng góp cho cộng đồng của nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong nước, như Công ty Cổ phần Canifa, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, đội ngũ sản xuất chương trình Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly, quỹ học bổng Vừ A Dính, và nhiều đơn vị khác…
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org
Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize