Xây dựng Bộ Chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững
Sáng 18/11, tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội thảo tham vấn 'Đề án xây dựng Bộ Chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững'.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ VHTTDL, Tổng Cục Thống kê Việt Nam và các đơn vị liên quan. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và TS Nguyễn Thị Thanh Hoa, Phó trưởng Ban nghiên cứu văn hóa chủ trì Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, trong những thập niên vừa qua, phát triển bền vững (PTBV) với trọng tâm là phát triển con người đã và đang trở thành một mục tiêu quan trọng nhất của cộng đồng quốc tế. Năm 2015, Liên Hợp Quốc đã ban hành Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV, trong đó đặt ra 17 mục tiêu lớn nhằm đưa nhân loại đạt được hòa bình, thịnh vượng và xóa bỏ đói nghèo vào năm 2030. Chương trình nghị sự 2030 đã được 193 quốc gia thông qua.
Tại Việt Nam, vào năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định số 622/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tiếp đó, vào năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững.
Trong tiến trình triển khai các mục tiêu PTBV, việc giám sát, đánh giá định kỳ và dựa trên các bằng chứng xác thực được coi là rất quan trọng. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04 tháng 06 về việc ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu PTBV tại Việt Nam đến năm 2030, trong đó xác định các tiêu chí nhằm đánh giá mức độ đạt được của từng mục tiêu theo các mốc thời gian cụ thể. Đi kèm với lộ trình do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê PTBV của Việt Nam (Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT ngày 22 tháng 1 năm 2019). Đây là bộ chỉ tiêu thống kê liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và liên kết vùng nhằm cung cấp số liệu đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu PTBV ở Việt Nam.
Trên cơ sở khuôn khổ được xác lập trong kế hoạch hành động quốc gia, Bộ VHTTDL đã ban hành kế hoạch hành động của Bộ nhằm triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV (ban hành kèm theo quyết định số 4588/QĐ-BVHTTDL ngày 14/12/2018). Trong số các nhiệm vụ chủ chốt được đặt ra trong kế hoạch hành động, Bộ VHTTDL khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng các tiêu chí, lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và cơ chế thu thập thông tin phục vụ giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững.
Những nền tảng và định hướng chính sách này là xuất phát điểm rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến nay, nhiệm vụ xây dựng một bộ công cụ hoàn chỉnh để đánh giá và giám sát lộ trình thực hiện các mục tiêu PTBV trong lĩnh vực văn hóa vẫn chưa được triển khai bài bản và có hệ thống. Bộ VHTTDL chỉ chủ trì 02 chỉ tiêu nằm trong Bộ chỉ tiêu thống kê PTBV của Việt Nam.
Các chỉ tiêu này không phản ánh đầy đủ vai trò và đóng góp của văn hóa đối với việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững. Trong khi đó, các dữ liệu và thông tin về văn hóa do các cơ quan trong và ngoài Bộ VHTTDL thu thập, xử lý và công bố còn phân tán, nhỏ lẻ, chưa đủ để xác lập nền tảng khoa học vững chắc cho việc hoạch định các chính sách và chương trình phát triển văn hóa.
Xuất phát từ bối cảnh thực tiễn này, dựa trên cơ sở nghiên cứu và phân tích kĩ lưỡng các điều kiện trong nước và quốc tế, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 11 năm 2021 đã đề xuất nhiệm vụ "Xây dựng Bộ Chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững" là một trong những giải pháp trọng tâm của ngành văn hóa.
"Nhiệm vụ này hướng tới việc phát triển một hệ thống công cụ đo lường, đánh giá và giám sát mức độ đóng góp của văn hóa vào quá trình triển khai các mục tiêu PTBV ở cấp quốc gia và địa phương. Kết quả của việc áp dụng Bộ Chỉ số văn hóa trên thực tiễn sẽ cung cấp các dữ liệu thực chứng và bằng cứ xác thực về đóng góp cũng như thực trạng phát triển của văn hóa trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và toàn bộ quốc gia. Các kết quả quan trọng này giúp xác lập cơ sở thực tiễn và khoa học cho việc hoạch định và triển khai các chính sách và chương trình can thiệp một cách hiệu quả hơn"- PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhận định.
Cũng theo PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, trên tinh thần của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, việc thực hiện đề án "Xây dựng Bộ Chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững" (Culture for Sustainable Development Indicators – CSDI) là một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng. Sự cần thiết của đề án này được Bộ VHTTDL tiếp tục khẳng định trong Kế hoạch hành động nhằm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (giai đoạn 2023 - 2025) (Quyết định số 3117/QĐ-BVHTTDL, ngày 29 tháng 11 năm 2022). Thêm vào đó, với việc Bộ VHTTDL hiện đang được Chính phủ giao xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn 2045, đề án Xây dựng Bộ Chỉ số văn hóa quốc gia vì sự PTBV có ý nghĩa thiết thực và là nhiệm vụ cần thiết nhằm cung cấp dữ liệu, cơ sở để lồng ghép, xây dựng bộ tiêu chí về phát triển văn hóa dùng cho việc giám sát và đánh giá quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Tai Hội thảo, TS Nguyễn Thị Thanh Hoa đã trình bày Dự thảo Đề án Xây dựng Bộ Chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững. Theo đó, Dự thảo gồm 6 phần và phụ lục.
Trong đó, phần mở đầu gồm các nội dung: Sự cần thiết xây dựng đề án; Căn cứ xây dựng đề án; Mục đích và yêu cầu; Đối tượng và phạm vi; Phương pháp xây dựng đề án.
Phần thứ nhất của Đề án là Cơ sở lý luận về Chỉ số văn hóa và đánh giá, giám sát, đo lường văn hóa trong phát triển bền vững gồm các nội dung: Mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển bền vững; Tầm quan trọng và sự cần thiết của chỉ số văn hóa trong đo lường, đánh giá và giám sát văn hóa gắn với phát triển bền vững; Các nguyên tắc xây dựng chỉ số văn hóa.
Phần thứ hai là Thực trạng hệ thống công cụ đo lường, đánh giá, giám sát văn hóa gắn với PTBV tại Việt Nam gồm các nội dung: Định hướng và chính sách quốc gia về PTBV tại Việt Nam; Thực trạng đánh giá, giám sát, đo lường văn hóa trong PTBV; Các vấn đề đặt ra từ thực trạng hệ thống công cụ đánh giá, giám sát và đo lường văn hóa trong PTBV ở Việt Nam hiện nay.
Phần thứ ba là Nhiệm vụ xây dựng Bộ Chỉ số văn hóa quốc gia vì sự PTBV gồm các nội dung: Xu hướng và các yếu tố ảnh hưởng đến việc xây dựng chỉ số văn hóa; Quan điểm và mục tiêu xây dựng bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự PTBV; Quy trình xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự PTBV.
Phần thư tư là Giải pháp xây dựng Bộ Chỉ số văn hóa quốc gia vì sự PTBV gồm các nội dung: Hoàn thiện thể chế, chính sách về thống kê văn hóa; Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu văn hóa quốc gia, đảm bảo chất lượng của nguồn dữ liệu; Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm lưu trữ, vận hành và khai thác Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững; Đào tạo và nâng cao năng lực đánh giá, đo lường văn hóa cho đội ngũ cán bộ văn hóa; Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự PTBV; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Phần thứ năm Tổ chức thực hiện đề án nêu lên Lộ trình xây dựng và triển khai Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự PTBV; Tổ chức thực hiện; Nguồn vốn thực hiện.
Phần cuối là Phụ lục.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã có ý kiến đóng góp cho Dự thảo Đề án. Trong đó, TS Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng, xây dựng Bộ Chỉ số văn hóa quốc gia vì sự PTBV là một nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam còn chưa có nhiều bộ chỉ số ở các ngành, nghề khác nhau. Chúng ta thiếu cả cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng Bộ Chỉ số văn hóa quốc gia vì sự PTBV. Vì vậy, cần bổ sung vào phụ lục những chỉ số của Liên hợp quốc để có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn.
Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị như Cục Hợp tác quốc tế, Cục Di sản Văn hóa, Cục Du lich quốc gia Việt Nam… cũng đã góp ý kiến cho Dự thảo Đề án như cần gia cố, mở rộng thêm phần hợp tác quốc tế nhằm tận dụng trí tuệ, nguồn lực đóng góp từ hợp tác quốc tế cho sự hội nhập văn hóa trong giai đoạn mới; các chỉ số về di sản văn hóa cần lưu ý tính đặc thù của từng loại hình...
Được biết, Dự thảo Đề án sẽ tiếp tục được tiếp thu, chỉnh sửa và đăng tải trên Cổng thông tin Bộ VHTTDL lấy ý kiến các đơn vị liên quan trong thời gian tới./.