Xây dựng bộ máy nhà nước 'không muốn, không thể, không dám tham nhũng, lãng phí'

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án 'Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045' chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo.

Cùng dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; các thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành; tổ biên tập, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong trong lĩnh vực Nhà nước pháp luật.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời gian qua, Thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức 3 hội thảo quốc gia và 6 hội thảo chuyên sâu, tiếp nhận hơn 200 lượt ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan chức năng phản biện một số vấn đề trong nội dung đề án. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tại các tọa đàm và sau khi làm việc với tổ biên tập, các chuyên gia, nhóm biên tập đã tập trung hoàn thiện đề án trên tinh thần khẩn trương, thận trọng, đúng nguyên tắc. Đến thời điểm này, 27 chuyên đề thành phần của đề án cũng đã hoàn thành đúng tiến độ.

Chủ tịch Nước NGUYỄN XUÂN PHÚC - Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án: Tại phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo lần này, các đại biểu dự họp nghe báo cáo kết quả triển khai các kết luận sau phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo, cho ý kiến về 15 nội dung quan trọng trong Đề án được dư luận xã hội cũng như Ban Chỉ đạo quan tâm xin ý kiến và 5 vấn đề xin ý kiến Bộ Chính trị, trong đó 1 vấn đề đã được sự đồng thuận cơ bản, có những vấn đề quan trọng như sửa đổi Hiến pháp, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước…”.

Tại phiên họp, các thành viên ban chỉ đạo đã tập trung thảo luận về năm vấn đề dự kiến cần xin ý kiến Bộ Chính trị và bàn bạc, thống nhất triển khai các công việc trong thời gian tới, góp ý cho 15 nội dung quan trọng như: Mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; Quyền trưng cầu dân ý và phúc quyết Hiến pháp, đổi mới pháp luật về bầu cử, cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, cơ chế phân cấp, phân quyền trong bộ máy Nhà nước…

Các ý kiến cũng tập trung nêu rõ vấn đề đã được tiếp thu, giải trình; tính hợp lý, thuyết phục của các vấn đề quan trọng cũng như đề xuất bổ sung, chỉnh sửa, phân tích, làm rõ hơn một số nội dung; cho ý kiến về bố cục, văn phong, nội hàm, nội dung dự thảo tờ trình, đề án và dự thảo nghị quyết.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thống nhất xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững định hướng XHCN và đảm bảo thực hiện dân chủ ngày càng tốt hơn, làm sao để xây dựng được bộ máy Nhà nước công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp.

Chủ tịch Nước NGUYỄN XUÂN PHÚC - Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án: Tôi đánh giá cao nỗ lực của thành viên Ban chỉ đạo, tổ biên tập xây dựng đề án và các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp ý kiến xây dựng đề án. Chúng ta xây dựng đề án phải làm sao có nhiệm vụ, giải pháp, đảm bảo xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước kiên quyết chống tham nhũng, để không muốn, không thể, không dám tham nhũng, không lãng phí… “.

Nhấn mạnh thời thời điểm trình dự thảo Đề án không còn nhiều, theo dự kiến ngày 19/8/2022 tới, Chủ tịch Nước cũng đề nghị nhóm biên tập tiếp tục tiếp thu các ý kiến trong phiên họp, đặc biệt với 15 vấn đề cốt lõi, quan trọng còn có ý kiến khác nhau để đưa vào dự thảo đề án, hoàn thiện đề án với chất lượng tốt nhất, đặt quyết tâm cao nhất để hoàn thành dự thảo đề án bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Thực hiện : Thu Quỳnh Văn Thắng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/xay-dung-bo-may-nha-nuoc-khong-muon-khong-the-khong-dam-tham-nhung-lang-phi