Xây dựng các chuỗi, cơ sở sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh
Hòa Bình có tiềm năng nuôi trồng thủy sản với trên 14.560 ha mặt nước ao, hồ, công trình thủy lợi, thủy điện. Trong tỉnh còn có các sông, suối lớn có thể nuôi cá lồng, bè hoặc tổ chức quản lý bảo vệ để tái tạo phát triển nguồn lợi cho khai thác tự nhiên. Những năm gần đây, các loại thủy sản của tỉnh đã được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh biết đến. Ngoài đối tượng chủ lực và những loại nuôi truyền thống là cá rô phi đơn tính, chép lai, trắm cỏ, cá trôi, mè, hiện nay, đối tượng nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao dần được đầu tư, cho thấy hiệu quả rõ nét.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, diện tích nuôi trồng thủy sản trong tỉnh còn phân tán, nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa, chủ yếu tập trung ở vùng lòng hồ Hòa Bình và một số hồ tự nhiên diện tích nhỏ, các ao nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến. Việc đưa các giống cá có giá trị kinh tế, cá đặc sản vào nuôi còn hạn chế do giá mua con giống, thức ăn cao, trong khi người dân còn khó khăn về kinh phí để đầu tư sản xuất.
Hiện, toàn tỉnh có khoảng 2.700 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trong những năm gần đây, các địa phương đẩy mạnh phong trào nuôi cá lồng trên diện tích sông, hồ tự nhiên với khoảng trên 4.700 lồng, chủ yếu nuôi các loại cá: Chiên, lăng chấm, lăng vàng, nheo Mỹ, diêu hồng, trắm đen, bỗng, tầm, trắm cỏ, rô phi, chim trắng, trê lai, chép... Bình quân mỗi năm, sản lượng nuôi trồng đạt trên 9.100 tấn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong tỉnh có 3 trại sản xuất, ương dưỡng cá giống là: Trại hồ Re, trại Đồng Tranh và trại cá thuộc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, chuyên sản xuất, ương dưỡng cá giống truyền thống, cá giống đặc sản, phục vụ cho nuôi ao, hồ nhỏ, nuôi lồng bè. Theo thống kê, hàng năm, từ các trại sản xuất và các hộ dân đã sản xuất trên 47 triệu con giống các loại; đáp ứng khoảng 50% nhu cầu giống của toàn tỉnh.
Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Để sản xuất đảm bảo an toàn dịch bệnh, Chi cục luôn chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, hộ nuôi thủy sản tuân thủ thực hiện các biện pháp, quy trình kỹ thuật để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Quản lý tốt môi trường và thường xuyên vệ sinh ao, lồng nuôi; quản lý nguồn nước, chất lượng nước cung cấp cho nuôi trồng thủy sản. Khuyến cáo con giống đưa vào nuôi khỏe mạnh, sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng. Sử dụng thức ăn phải đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y, không gây hại cho thủy sản và người nuôi. Nhìn chung, các hộ dân, cơ sở sản xuất đã ý thức được việc chủ động phòng, chống dịch bệnh và sử dụng các loại thuốc trong danh mục được phép SX-KD. Do vậy, những năm gần đây, các loại dịch bệnh trên thủy sản nuôi cơ bản ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra.
Song song với công tác phòng, chống dịch bệnh, hằng năm, Chi cục quản lý chuyên ngành đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) tổ chức thu mẫu môi trường, mẫu bệnh trên địa bàn các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Cao Phong, Tân Lạc và TP Hòa Bình. Căn cứ kết quả kiểm tra, phân tích các yếu tố môi trường và mẫu nước, từ đó, khuyến cáo người nuôi có biện pháp bảo vệ môi trường, chủ động quản lý ao, lồng nuôi, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, mực nước trên hồ và các yếu tố môi trường cơ bản trong khu vực, nhất là các khu vực tập trung nuôi cá lồng của người dân; vào thời điểm nắng nóng, có nhiều biến động về nguồn nước, mực nước và chất lượng nước trong khu vực, khuyến cáo người dân có biện pháp bảo vệ môi trường nuôi; chủ động phòng, chống nắng nóng và dịch bệnh cho cá nuôi lồng.
Thời gian vừa qua, do mực nước hồ Hòa Bình xuống thấp kỷ lục gây nên hiện tượng cá chết tại các huyện: Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong và nhiều nhất ở huyện Đà Bắc. Trước tình trạng này, Sở NN&PTNT đã tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn người dân các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời có văn bản hướng dẫn về phòng tránh thiệt hại thủy sản do nắng nóng và nước hồ thủy điện xuống thấp. Đến thời điểm này, cơ bản không còn xảy ra tình trạng cá chết.
Với mục tiêu tổ chức phòng chống, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên thủy sản nuôi. Tiến tới xây dựng thành công các chuỗi, cơ sở sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Việc triển khai thực hiện kế hoạch được kỳ vọng sẽ giúp lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển tương xứng với tiềm năng, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng hồ.