Xây dựng các chuỗi liên kết nông lâm thủy sản bền vững

Những năm qua, việc xây dựng các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn theo chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh đang góp phần hình thành các chuỗi sản phẩm nông, lâm, thủy sản được kiểm soát an toàn thực phẩm từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến sơ chế, chế biến và tiêu thụ. Việc nhân rộng các chuỗi này và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới.

Hình thành chuỗi nông sản an toàn

Theo ông Nguyễn Ngọc Việt - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa, đến nay, chi cục đã xây dựng thành công và từng bước nhân rộng đối với 9 chuỗi an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Đó là 2 chuỗi cung cấp rau tươi tại Ninh Hòa và Nha Trang; 1 chuỗi cung cấp tỏi Vạn Ninh và Ninh Hòa; 1 chuỗi cung cấp thịt heo,1 chuỗi cung cấp thịt gia cầm, 1 chuỗi cung cấp tôm hùm, ốc hương, tôm thẻ tại Vạn Ninh; 3 chuỗi cung cấp trái cây (xoài của Cam Lâm, sầu riêng của Khánh Sơn, bưởi da xanh và chanh không hạt của huyện Khánh Vĩnh). Điểm cốt lõi của các chuỗi này là thực hiện xây dựng mô hình sản xuất, phân phối, chế biến đạt các tiêu chí an toàn thực phẩm được chứng nhận. Nhờ triển khai các mô hình chuỗi, đến nay, các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Sầu riêng, bưởi da xanh, tỏi, xoài, thủy sản nuôi đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng tốt hơn yêu cầu tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu. Sau khi được xây dựng có tính chất làm mẫu, chi cục đã không ngừng triển khai công tác hỗ trợ nhằm củng cố, nhân rộng và phát triển các chuỗi ngày càng lớn mạnh, bền vững hơn.

Nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng của Khánh Hòa đã xây dựng được chuỗi.

Nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng của Khánh Hòa đã xây dựng được chuỗi.

Trên bình diện toàn ngành Nông nghiệp, qua thống kê, đến nay, toàn tỉnh đã có 81 liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp duy trì hoạt động. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng được thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, qua đó hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa. Chẳng hạn như nông dân sản xuất bưởi ở Khánh Vĩnh, sầu riêng ở Khánh Sơn đều ký hợp đồng ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị, cá nhân thu mua nông sản; hầu hết diện tích lúa của huyện Diên Khánh và một số diện tích lúa ở Ninh Hòa, Vạn Ninh đều đã sản xuất theo đơn đặt hàng có hợp đồng kinh tế, hoặc như mối liên kết chặt chẽ giữa công ty đường và nông dân trồng mía…

Bên cạnh kết quả đạt được, lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa cũng nhìn nhận, một số mối liên kết chưa thực sự chặt chẽ, chưa phải là hợp đồng kinh tế có sự ràng buộc, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Do vậy, khi yếu tố giá cả tác động, các mối liên kết này thường bị phá vỡ. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản quy mô lớn, trình độ công nghệ hiện đại… trên địa bàn tỉnh chưa nhiều.

Quan tâm đầu ra

Trong các thành tố của chuỗi, đầu ra sản phẩm thường là khâu khó khăn nhất, cần sự tiếp sức mạnh mẽ từ các chính sách hỗ trợ. Cùng với việc hỗ trợ người sản xuất trong việc thiết kế ấn phẩm quảng bá sản phẩm, tem nhãn, bao bì nhận diện, truy xuất nguồn gốc điện tử, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi còn được hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh. Chẳng hạn như gần đây nhất, ngày 12-12, chi cục đã tổ chức Hội nghị trao đổi, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản giữa các tỉnh: Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận và Phú Yên. Tại đây, hàng trăm nông sản đặc trưng, an toàn, sản phẩm sản xuất theo chuỗi giá trị… của các địa phương đã được giới thiệu, quảng bá và tìm kiếm cơ hội liên kết, kết nối tiêu thụ. Ngoài ra, tại Hội chợ Xúc tiến thương mại và kích cầu tiêu dùng tỉnh Khánh Hòa năm 2024 (tại Quảng trường 2 tháng 4, TP. Nha Trang, từ ngày 11 đến 15-12), 32 gian hàng là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh: Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận và Phú Yên đã được trưng bày, giới thiệu, quảng bá đến đông đảo người dân, du khách.

“Những hoạt động này nhằm kết nối các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa với hệ thống phân phối trao đổi thông tin, đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối trong và ngoài tỉnh, ưu tiên lựa chọn kết nối, tiêu thụ, qua đó góp phần tạo kênh tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh” - ông Nguyễn Ngọc Việt cho biết thêm.

Việc kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác không chỉ giúp cho các sản phẩm có thể tìm kiếm được thêm thị trường, mà qua các buổi tiếp xúc, trao đổi, người sản xuất cũng hiểu hơn về nhu cầu, đòi hỏi của thị trường, từ đó cải tiến hơn nữa quy trình sản xuất để cho ra thị trường sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp; từng bước chuyển từ tư duy sản xuất theo khả năng sang sản xuất theo thị trường, sản xuất sản phẩm đáp ứng các quy định của các thị trường xuất khẩu như mã số vùng trồng, mã số chứng nhận vùng nuôi thủy sản an toàn, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm,…

Ông Lê Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn theo VietGAP là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế, không chỉ có ý nghĩa phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp tại địa phương mà còn là cơ sở để duy trì, phát triển và tiếp tục nhân rộng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản khác theo chuẩn VietGAP trong thời gian tới. Các mô hình thành công giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuẩn VietGAP bước đầu giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm, góp phần xây dựng quy trình sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực tại địa phương theo hướng bền vững. Thời gian tới, việc xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn theo chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong quản trị, sản xuất hàng hóa, phát triển các tổ hợp tác để liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… “Ngoài việc tiêu thụ trong nước, theo đề án được UBND tỉnh ban hành, việc phát triển sản phẩm nông, lâm, thủy sản thế mạnh của tỉnh còn phải đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu để các sản phẩm nông, lâm, thủy sản hướng tới xuất khẩu mang tính bền vững” - ông Lê Văn Hoan cho biết.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202412/xay-dung-cac-chuoi-lien-ket-nong-lam-thuy-san-ben-vung-7506449/