Xây dựng các cộng đồng học tập tiêu biểu trên vùng cực Bắc
BHG - Xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người học tập suốt đời là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đây cũng là một trong những giải pháp, nhiệm vụ cơ bản để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Tại huyện Đồng Văn, với sự lãnh, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của huyện từng bước được đẩy mạnh, tạo khí thế học tập sôi nổi, rộng khắp. Từ đó góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH tại địa phương.
Thực tế, để xây dựng cộng đồng học tập thì nhất thiết phải xây dựng từ gia đình, dòng họ rồi lan tỏa đến cộng đồng, đơn vị. Sau khi triển khai hiệu quả việc xây dựng và đánh giá cộng đồng học tập tiêu biểu cấp xã, huyện Đồng Văn tiếp tục triển khai xây dựng cộng đồng học tập cấp thôn, tổ dân phố. Từ phong trào đã tạo điều kiện, cơ hội cho mọi người được học tập thường xuyên, học tập suốt đời và từng bước nâng cao chất lượng cộng đồng học tập cấp xã.
Hiện, toàn huyện có 225 cộng đồng học tập cấp thôn, trong đó có 91 cộng đồng học tập tiêu biểu. Những năm qua, cộng đồng học tập trên địa bàn huyện không ngừng khẳng định chất lượng, hiệu quả. Đã xuất hiện nhiều cộng đồng học tập tiêu biểu, hiệu quả tích cực tại các xã như: Cộng đồng học tập thôn Cẳng Tằng, thôn Tả Giao Khâu, thôn Lô Lô Chải xã Lũng Cú; thôn Lao Xa, Đoàn Kết xã Sủng Là,… Tại các cộng đồng học tập tiêu biểu này, đều có chi hội khuyến học hoạt động tích cực, không có học sinh bỏ học, hoàn thành phổ cập giáo dục Tiểu học và THCS đúng độ tuổi. Hàng năm, trên 60% số gia đình trong thôn, tổ dân phố đăng ký phấn đấu xây dựng “Gia đình học tập”. Đồng thời, để xây dựng điều kiện học tập tốt, hàng năm, chi bộ thôn, tổ dân phố đều xây dựng kế hoạch, đặt chỉ tiêu phấn đấu xây dựng “Gia đình học tập” “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”. Các chi hội khuyến học của thôn, tổ dân phố có nhiều hình thức giúp đỡ, khuyến khích trẻ em và người lớn học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Quỹ Khuyến học được xây dựng, duy trì ngày càng tăng, hoạt động hiệu quả. Tại hầu hết các thôn, tổ dân phố có sách, báo hoặc tủ sách, có mạng truyền thanh,… để tạo điều kiện cho trẻ em và người lớn được học tập. Các gia đình tích cực phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm. Đồng thời, các phong trào, cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; xây dựng Nông thôn mới và nhiều phong trào khác tại địa phương đều được người dân tích cực hưởng ứng, tham gia.
Để đạt được những kết quả trên, cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn đã chủ động, tích cực chỉ đạo phát triển sự nghiệp giáo dục, động viên nhân dân tham gia vào các loại hình học tập. Bên cạnh đó, phong trào thi đua xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập được đẩy mạnh, tạo thuận lợi cho việc đánh giá, xếp loại cộng đồng học tập cấp xã. Các ngành, đoàn thể ở các địa phương đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm tham gia vào giám sát và đánh giá những tiêu chí được phân công. Phong trào học tập và ý thức học tập suốt đời đã tác động tới mọi tầng lớp nhân dân; đưa việc học trở thành nhu cầu tự thân. Người dân tích cực tham gia các lớp học cộng đồng, thúc đẩy các Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, hàng năm, Trung tâm học tập cộng đồng các xã chủ động phối hợp mở các lớp đào tạo; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho nhân dân, góp phần tăng tỷ lệ người dân được đào tạo nghề, phát triển KT-XH và xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.
Đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đồng Văn cho biết: Xây dựng cộng đồng học tập tiêu biểu giúp đánh giá thực chất và hiệu quả hơn công tác xây dựng xã hội học tập tại địa phương. Với sự cố gắng của các địa phương, mô hình cộng đồng học tập đã phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, thu hút sự hưởng ứng tích cực của các tập thể, cá nhân, đặc biệt là sự tận tình, tâm huyết, trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ khuyến học từ huyện đến cơ sở trong việc góp phần xây dựng xã hội học tập ngày càng vững mạnh. Thời gian tới, Hội Khuyến học huyện sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện tăng cường công tác truyền thông về vai trò và lợi ích của công tác xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập” và “Cộng đồng học tập”. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Từ đó có thể đánh giá, xếp loại cộng đồng học tập thực chất, thiết thực hiệu quả hơn nữa.