Xây dựng các công trình nhà công nghiệp: Muốn an toàn thì phải siết chặt
Hậu Covid-19, việc đầu tư xây dựng các công trình nhà công nghiệp phát triển mạnh tại hầu hết các tỉnh trên cả nước, kéo theo không ít vấn đề nhức nhối. Sự cố sập tường mới đây tại công trình xây dựng nhà máy sản xuất của Công ty CP Av Healthcare thuộc khu công nghiệp Giang Điền, tỉnh Đồng Nai khiến 10 người chết và 14 người bị thương, là sự việc đau lòng, đáng báo động về an toàn lao động tại các công trình xây dựng.
Theo quy định tại Thông tư số 22/2010/TT-BXD ngày 3/12/2010 của Bộ Xây dựng, trước khi khởi công xây dựng, công trình phải có thiết kế biện pháp thi công với các giải pháp đảm bảo an toàn lao động và máy móc, thiết bị thi công. Người lao động phải được tập huấn về an toàn lao động. Quá trình thi công phải đảm bảo theo đúng thiết kế và các biện pháp đảm bảo an toàn phải được kiểm tra định kỳ và đột xuất. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình này còn có nhiều vi phạm về trình tự thủ tục. Các nhà thầu thiết kế, thẩm tra, thi công chưa đáp ứng được yêu cầu về điều kiện năng lực và kinh nghiệm; biện pháp thi công chưa được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan lập, kiểm tra, phê duyệt và thực hiện hợp lý… nên đã để xảy ra một vài sự cố ảnh hưởng lớn đến an toàn trong thi công xây dựng.
Về tồn tại này, có ý kiến cho rằng, có thể do công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt và thẩm định thiết kế xây dựng thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng, khiến cho vai trò giám sát của cơ quan quản lý đối với công trình xây dựng khu công nghiệp đang bị buông lỏng; các chủ đầu tư, nhà thầu không thực hiện theo đúng thiết kế, thậm chí vi phạm các quy định về an toàn lao động. Dù vậy, chúng ta khoan bàn sâu đến nhìn nhận này, bởi đó mới chỉ là góc nhìn bằng cảm quan, phán đoán.
Được biết, sau sự cố sập tường ở tỉnh Vĩnh Long cách đây hơn một năm làm 7 người chết, Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo thực hiện đúng quy định việc thi công các mảng tường lớn trong các khu công nghiệp, song đáng tiếc sự cố vẫn lặp lại mới đây tại Đồng Nai. Tiếp tục, Bộ Xây dựng đã giao Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) biên soạn tài liệu “Hướng dẫn thiết kế, thi công và nghiệm thu các công trình nhà công nghiệp có sử dụng kết cấu tường xây kích thước lớn” để thực hiện chức năng thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng. Với hướng dẫn này, cộng với những quy định đã có, đối với công trình xây dựng khu công nghiệp, hẳn sẽ hạn chế được những rủi ro không đáng có.
Song dường như, những “cái gậy” pháp lý trên vẫn chưa làm yên lòng những người trong và ngoài cuộc, bởi việc thi công các dạng mảng tường lớn hay sụp đổ trong quá trình thi công, khi chưa đạt được hoàn chỉnh thiết kế, tại các khu công nghiệp chưa phải đã dừng lại. Cùng đó, hầu hết công nhân xây dựng trong khu công nghiệp là lao động thời vụ nên họ ít được đào tạo, huấn luyện bài bản về an toàn lao động. Vì vậy, trong vấn đề trên, rõ ràng rất cần sự tham gia một cách trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đó chính là việc tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt quản lý việc thực hiện các quy định của nhà thầu thi công và chủ đầu tư dự án, đồng thời xử lý vi phạm bằng chế tài mạnh nhất. Có như vậy mới mong rủi ro không còn "gọi tên" ở các công trình xây dựng khu công nghiệp.