Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận

Ngày 2/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã sơ kết 2 năm thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025.

Lãnh đạo UBND tỉnh và ngành nông nghiệp tham quan mô hình sản phẩm hữu cơ.

Lãnh đạo UBND tỉnh và ngành nông nghiệp tham quan mô hình sản phẩm hữu cơ.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, các sở ngành, địa phương, đại diện lãnh đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Theo ông Phan Thanh Chiến, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, thực hiện từ năm 2022, tính đến cuối năm 2023, Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025 đã triển khai đồng bộ 5 hợp phần gồm: Hoạt động triển khai và điều phối đề án; nâng cao năng lực cho các tác nhân tham gia mô hình; hỗ trợ các hoạt động tư vấn để xây dựng mô hình và đánh giá chứng nhận; xây dựng các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận và quảng bá và kết nối tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ.

Kết quả, trong 2 năm qua, đề án đã nâng cao năng lực thông qua các đợt triển khai, tập huấn cho hàng trăm thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác và nông hộ tham gia sản xuất hứu cơ, với 21/22 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về nông nghiệp hữu cơ cho cán bộ; 148 lớp tập huấn về nông nghiệp hữu cơ cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp; 6 lớp tập huấn ủ phân hữu cơ cho thành viên tham gia mô hình sản xuất hữu cơ...

Bên cạnh đó, đề án cũng đã thường xuyên tổ chức các đoàn tham quan mô hình ở các tỉnh; triển khai hình thức tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan thông qua việc lắp đặt 28 bảng pano tuyên truyền về nông nghiệp hữu cơ tại các mô hình sản xuất hữu cơ. Đề án hỗ trợ các hoạt động tư vấn để xây dựng mô hình và đánh giá chứng nhận.

Cụ thể, năm 2022, thực hiện xây dựng quy trình sản xuất hữu cơ cho 32 mô hình sản xuất hữu cơ trên cây ăn trái; các mô hình trên lúa, lúa-cá, lúa luân canh tôm; trên vật nuôi như: bò thịt, dê thịt; thủy sản, tôm sú dưới tán rừng, tôm càng xanh. Đến năm 2023, dự án tiếp tục thực hiện hỗ trợ thêm 14 mô hình sản xuất hữu cơ được tư vấn để đánh giá chứng nhận, cũng trên các loại hình như thủy sản, lúa, tôm, cây ăn trái…

Lãnh đạo UBND tỉnh và ngành nông nghiệp tham quan mô hình sản phẩm hữu cơ.

Lãnh đạo UBND tỉnh và ngành nông nghiệp tham quan mô hình sản phẩm hữu cơ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao các kết quả ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đạt các kết quả tích cực. Qua đó, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan và các địa phương tham gia dự án cần triển khai thực hiện lấy hiệu quả làm chính, triển khai thực hiện đa dạng các mô hình, loại hình cây trồng vật nuôi.

Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu, các địa phương tham gia dự án phải tăng cường vận động tuyên truyền thực hiện có hiệu quả đề án. Đối với các công ty, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phân bón hữu cơ thuốc vi sinh phải đảm bảo chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất tại hộ dân đạt chuẩn hữu cơ; hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ dân tham gia dự án phải tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ để sản phẩm sau thu hoạch đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu…

Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết: Mục tiêu của đề án là đến năm 2025 có 100% nông dân tham gia mô hình am hiểu về tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, có khả năng tự sản xuất hữu cơ khi kết thúc đề án. Đồng thời, thực hiện điểm mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ trong nước hoặc quốc tế với khoảng 210 ha, kể cả đất trồng cỏ; trong đó, diện tích đất được chứng nhận hữu cơ đạt 180 ha. Cùng đó, nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích, với giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp 1,2 - 1,4 lần so với sản xuất phi hữu cơ. Đặc biệt, có 100% sản phẩm được chứng nhận hữu cơ được quảng bá, bao tiêu.

Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều tham luận, ý kiến chia sẻ những khó khăn thuận lợi trong thực hiện các mô hình nông nghiệp hữu cơ như kinh nghiệm trồng lúa ST25 hữu cơ của Hợp tác xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị; kinh nghiệm trồng ổi Ruby hữu cơ ở thị xã Ngã Năm; các mô hình nuôi cá, nuôi bò, nuôi tôm. Các mô hình còn gặp khó khăn trước mắt do còn thiếu kinh nghiệm, thiếu phân bón hữu cơ, sản phẩm tiêu thụ giá không cao hơn nhiều so với sản phẩm phi hữu cơ…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị đề xuất những giải pháp tháo gỡ, cần hỗ trợ của các cấp chính quyền, đơn vị, nhà cung ứng phân bón, con giống cũng như những doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cần có sự liên kết gắn bó với hợp tác xã, tổ hợp tác và nông hộ để có hiệu quả cao nhất.

Dịp này, có 2 các tập thể đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Tin, ảnh: Trung Hiếu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/xay-dung-cac-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-huu-co-duoc-chung-nhan-20240802185910485.htm