Xây dựng CDC sẽ chào sàn UPCoM ngày 30/7 sau những lần tăng vốn thần tốc
Công ty cổ phần Xây dựng CDC (mã CCC - sàn UPCoM) sẽ chính thức niêm yết 40,25 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM ngày 30/7, giá chào sàn bằng với giá IPO.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa chấp thuận niêm yết 40,25 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Xây dựng CDC trên sàn UPCoM, giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa 543,38 tỷ đồng và giao dịch ngày đầu tiên là ngày 30/7/2024.
Trong đó, cổ phiếu niêm yết gồm 40.115.598 cổ phiếu tự do chuyển nhượng và 134.402 cổ phiếu bị hạn chế giao dịch đến ngày 29/5/2025.
Tăng vốn thần tốc trước thềm chào sàn UPCoM
Xây dựng CDC được thành lập ngày 27/4/2011, tiền thân là Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Giám sát Xây dựng Hà Nội với vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Trong đó, Công ty trải qua 7 lần tăng vốn từ 5 tỷ đồng lên 402,5 tỷ đồng, tức tăng 79,5 lần trong vòng hơn 13 năm.
Trong 7 lần tăng vốn, 5 lần là chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, 1 lần là phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi khoản nợ thành vốn góp với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và 1 lần là chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng tháng 5/2024 với giá 13.500 đồng/cổ phiếu.
Tính tới ngày 5/7/2024, Xây dựng CDC có 6 cổ đông lớn gồm ông Nguyễn Tiến Đạt sở hữu 23,96% vốn điều lệ; CTCP CDC Holding sở hữu 18,63% vốn điều lệ; ông Lê Hồng Lĩnh sở hữu 8% vốn điều lệ; ông Ngô Tấn Long (Chủ tịch HĐQT) sở hữu 8% vốn điều lệ; bà Đặng Thanh Trang (thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc) sở hữu 8% vốn điều lệ; ông Trần Văn Trường (Phó Chủ tịch HĐQT) sở hữu 8% vốn điều lệ và còn lại 25,41% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.
Theo tìm hiểu, ông Ngô Tấn Long sinh năm 1977, trình độ Kỹ sư Xây dựng. Trong đó, từ tháng 10/2016 đến tháng 12/2018, ông Long là Tổng giám đốc tại Xây dựng CDC; từ tháng 12/2018 tới nay, ông Long là Chủ tịch HĐQT Xây dựng CDC.
Trước khi tham gia Xây dựng CDC, ông Long từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại CTCP Bạch Đằng - Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Xí nghiệp Xây lắp số 3 thuộc CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm, CTCP Ecoba Việt Nam, CTCP Trường Giang Sapa…
Bà Đặng Thanh Trang sinh năm 1983, trình độ Cử nhân Kinh tế. Trong đó, từ năm 2018 đến tháng 7/2019, bà Trang là Kế toán trưởng tại Xây dựng CDC; từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2024 là Phó tổng giám đốc Xây dựng CDC; từ tháng 6/2024 tới nay là Tổng giám đốc Xây dựng CDC.
52,5% tổng tài sản là các khoản phải thu của bên thứ ba
Trải qua hơn 13 năm thành lập, Xây dựng CDC cung cấp sản phẩm chính là tổng thầu xây dựng trong mảng thi công công trình cao tầng (dự án Khu dịch vụ bể bơi Trung tâm hội nghị Quốc Gia, dự án Hoàng Huy Mall, Trung tâm Thương mại APEC, Tòa nhà FPT Plaza Đà Nẵng, Khu du lịch nghỉ dưỡng APEC Mandala Wyndham Mũi Né, Khu đô thị Vinhomes Smart City, Dự án nhà ở phường Kiến Hưng – Hà Đông - Hà Nội …) và đầu tư bất động sản.
Trong đó, lĩnh vực thi công xây dựng năm 2022 ghi nhận doanh thu 2.254,3 tỷ đồng, chiếm 95,5% tổng doanh thu; và năm 2023 ghi nhận 1.486,7 tỷ đồng, chiếm 82% tổng doanh thu.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2024, Xây dựng CDC ghi nhận doanh thu đạt 539,82 tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 10,8 tỷ đồng, giảm 9,9% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 5,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 1,28 tỷ đồng về 21,42 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 46,7%, tương ứng giảm 4,35 tỷ đồng về 4,97 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 50,6%, tương ứng giảm 3,95 tỷ đồng về 3,85 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 0,4%, tương ứng tăng thêm 0,04 tỷ đồng lên 8,94 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Trong năm 2024, Xây dựng CDC đặt kế hoạch doanh thu 2.426,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 48,82 tỷ đồng.
Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2024 với lãi đạt 10,8 tỷ đồng, Xây dựng CDC mới hoàn thành 22,1% so với kế hoạch năm.
Bên cạnh kinh doanh lao dốc, trong quý đầu năm 2024, dòng tiền kinh doanh của Xây dựng CDC còn âm 141,6 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 146,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 45,5 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 121,6 tỷ đồng, chủ yếu huy động vốn mới và tăng vay nợ.
Được biết, năm 2022, Xây dựng CDC cũng ghi nhận dòng tiền âm 79,7 tỷ đồng và năm 2023 tiếp tục âm 149,16 tỷ đồng.
Về quy mô tài sản, tính tới 31/3/2024, tổng tài sản của Xây dựng CDC tăng 15,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 266,6 tỷ đồng, lên 1.985,3 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu lên tới 1.042,9 tỷ đồng, chiếm 52,5% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 523,7 tỷ đồng, chiếm 26,4% tổng tài sản; tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận 294,1 tỷ đồng, chiếm 14,8% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Điểm đáng lưu ý, trong quý đầu năm, các khoản phải thu ngắn hạn tiếp tục tăng 37,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 282 tỷ đồng lên 1.042,9 tỷ đồng. Trong đó, 992,6 tỷ đồng là phải thu ngắn hạn của khách hàng.
Xây dựng CDC thuyết minh phải thu khách hàng chủ yếu 150,4 tỷ đồng CTCP Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy; 125,3 tỷ đồng CTCP Hóa dầu Quân đội; 93,6 tỷ đồng CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Thế kỷ; 99,8 tỷ đồng CTCP CDC hạ tầng; 58,6 tỷ đồng Tập đoàn Đông Đô…
Về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý I/2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 13,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 50,7 tỷ đồng lên 416,1 tỷ đồng và bằng tới 73,6% tổng vốn chủ sở hữu.