Xây dựng chế độ chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày càng sớm càng tốt
Học 2 buổi/ngày bắt buộc, đồng nghĩa với việc cả 2 buổi học sinh tiểu học tại trường công lập phải được miễn học phí và không thu tiền của phụ huynh như trước.
Ngày 27/3, trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV, về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất với Quốc hội, Chính phủ sớm xây dựng cơ chế, chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày. [1]
Đề xuất sớm xây dựng cơ chế, chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày để có ngân sách chi trả lương cho giáo viên dạy buổi hai mà không phải thu tiền của phụ huynh, không chỉ là nguyện vọng của riêng Thành phố Hồ Chí Minh mà là mong muốn chung của toàn ngành giáo dục trên cả nước.
Dạy 2 buổi/ngày ở chương trình giáo dục phổ thông 2006 là hoàn toàn tự nguyện
Từ những năm 2010, nhiều địa phương trong cả nước đã có nhu cầu tổ chức cho học sinh cấp tiểu học được học 2 buổi/ngày.
Thời điểm đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các địa phương chỉ được thực hiện dạy học 2 buổi/ngày ở những nơi mà phụ huynh tự nguyện cho con em tham gia học tập cùng với sự đồng ý của cấp trên có thẩm quyền quản lý trực tiếp của ngành giáo dục và địa phương.
Vì là tự nguyện nên phụ huynh phải đóng tiền để nhà trường hỗ trợ cho giáo viên dạy buổi 2. Và buổi 2 được hiểu như buổi dạy thêm tại trường học ở thời điểm đó.
Dạy 2 buổi/ngày chương trình giáo dục phổ thông 2018 là bắt buộc
Khác với chương trình giáo dục phổ thông 2006, dạy học buổi 2 là tự nguyện thì chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh học buổi 2 là bắt buộc.
Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo(CTGDPT 2018) nêu rõ:
“Cấp tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; tối thiểu là 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần”.
Khi học 2 buổi/ngày là bắt buộc thì đồng nghĩa với việc cả 2 buổi học sinh tiểu học tại trường công lập phải được miễn học phí và không thể thu tiền của phụ huynh như trước đây.
Tuy nhiên, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai sang năm học thứ 3 nhưng phụ huynh ở một số địa phương vẫn phải đóng tiền học buổi 2 cho các con.
Nhiều ý kiến thắc mắc của phụ huynh được đặt ra. Chương trình mới được xây dựng theo hướng bắt buộc học sinh phải học 2 buổi/ngày thì việc thu tiền của cha mẹ học sinh để chi trả cho giáo viên giảng dạy buổi học thứ 2 có còn phù hợp nữa hay không?
Trong báo cáo đánh giá tác động chính sách về dự thảo nghị quyết chính sách hỗ trợ kinh phí dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học trên địa bản tỉnh vào tháng 3 vừa qua được gửi lấy ý kiến giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho rằng: “Về lâu dài là không thể thu kinh phí của cha mẹ học sinh tiểu học để dạy học buổi 2 nữa vì như thế là không đúng tinh thần của việc miễn học phí với tiểu học đã được luật định”.
Tuy nhiên, nếu không thu tiền từ phụ huynh trong khi ngân sách nhà nước chưa cấp thì lấy tiền đâu để hỗ trợ giáo viên dạy buổi 2? Vì thế, tại Bình Thuận hiện các trường tiểu học vẫn đang thu tiền học buổi 2 từ phụ huynh.
Trong tháng 3 vừa qua, tại tỉnh Bình Thuận, Sở Giáo dục và Đào tạo đã làm tờ trình gửi Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và lấy ý kiến giáo viên tiểu học trong toàn tỉnh về một trong 2 giải pháp:
Thứ nhất, vẫn thu tiền buổi 2 từ phụ huynh (nhưng như vậy sẽ vi phạm về việc miễn giảm học phí đối với học sinh tiểu học mà Luật Giáo dục 2019 đã quy định).
Thứ hai, vận dụng Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/3/2013 của Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
Còn tại một số địa phương ở tỉnh Nghệ An đã không thu tiền buổi 2 từ phụ huynh. Một số địa phương đã hỗ trợ kinh phí để trả lương cho giáo viên dạy buổi 2 một tháng là 3.500.000 đồng/giáo viên.[2]
Cần sớm có chế độ cho giáo viên dạy buổi 2
Thù lao dạy học buổi 2 cho giáo viên trước đây do phụ huynh đóng góp. Bởi thế, mỗi địa phương lại có mức thu khác nhau. Có nơi thu 100 ngàn đồng/học sinh/tháng, nơi thu 150 ngàn, nơi lại thu 200 ngàn đồng/học sinh/tháng, thậm chí tại tỉnh Bình Thuận nhiều trường học chỉ thu 40 ngàn đồng rồi lên 50 ngàn đồng/tháng.
Mức thu ít nên mỗi tiết dạy tăng, giáo viên nhận được khoảng 50 đến 60 ngàn đồng/tiết. Dẫn đến việc mỗi tháng các thầy cô giáo đi dạy thêm buổi 2 chỉ nhận được khoảng vài trăm ngàn đồng. Với số tiền quá ít ỏi như thế, nhiều giáo viên cho biết không đủ tiền đổ xăng.
Nếu là tiết dạy tăng giờ nhận từ ngân sách nhà nước có những thầy cô giáo lương thấp cũng khoảng 70 ngàn đồng/tiết. Những thầy cô giáo có thâm niên, sẽ nhận tiền tăng giờ mỗi tiết từ 150 đến 200 ngàn đồng. Điều này, góp phần cải thiện khá nhiều cuộc sống cho gia đình các thầy cô.
Năm học 2023-2024, chương trình mới bắt đầu được thực hiện ở khối lớp 4. Hy vọng những đề xuất về việc xây dựng chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày cũng nên được hoàn thiện. Điều này, sẽ tạo động lực cho nhiều nhà giáo chăm lo hơn nữa đến chất lượng giáo dục của ngành.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-de-xuat-co-co-che-chinh-sach-cho-giao-vien-day-2-buoingay-post234023.gd
[2] https://baonghean.vn/nhieu-dia-phuong-o-nghe-an-trich-ngan-sach-ho-tro-cho-cac-giao-vien-day-tang-gio-post234137.html