Xây dựng chiến lược marketing bền vững

Theo ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group of Companies), trong bối cảnh phát triển bền vững đang trở thành xu hướng tất yếu, chiến lược sales, marketing của các doanh nghiệp cũng phải thích ứng và đổi mới để đáp ứng những yêu cầu đang thay đổi của thị trường và xã hội.

Bộ 3 tiêu chuẩn Môi trường-Xã hội-Quản trị (ESG) đã trở thành nền tảng quan trọng định hình chiến lược này, khi các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn phải chú trọng đến các nhân tố tác động tích cực đến môi trường sống và xã hội. ESG trở thành tiêu chuẩn cho hoạt động kinh doanh quốc tế, là điều kiện cơ bản cho việc kiến tạo vị thế trên thị trường toàn cầu và địa phương. Điều này đã thúc đẩy xu hướng chuyển dịch xanh trong sales và marketing. “Tôi tin rằng sales, marketing, truyền thông, những mảng cốt lõi trong quản trị đang và sẽ đóng vai trò then chốt để một doanh nghiệp có thể phát triển bền vững, góp phần kiến tạo một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn”, ông Lê Quốc Vinh chia sẻ.

Việc xây dựng các chiến lược sales và marketing xanh, quảng cáo và truyền thông bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp thích ứng với xu hướng toàn cầu, mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu mạnh mẽ và tạo dựng giá trị lâu dài cho cả doanh nghiệp và xã hội.

Bà Huỳnh Thị Xuân Liên - Chủ tịch CAO Fine Jewellery cho biết, hiện người tiêu dùng Việt chưa thực sự hiểu rõ câu chuyện sản xuất xanh, bền vững. Tuy nhiên, nhiều người sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Chúng ta cần tiếp tục kiên trì trong định hướng, trong tư duy làm marketing, làm truyền thông để hướng đến sự phát triển bền vững. "Việc đầu tiên là phải thay đổi từ tư duy, triết lý marketing, truyền thông thương hiệu. Marketing phải hướng đến những tác động đến môi trường, đến xã hội, đến nền kinh tế. Người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là những thế hệ tương lai đã bắt đầu đòi hỏi các doanh nghiệp phải đưa ra các sản phẩm có ảnh hưởng tốt với môi trường, kinh tế, cộng đồng và xã hội", bà Liên nhấn mạnh.

Xu hướng phát triển bền vững là không thể đảo ngược. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, muốn làm được điều này phải có công nghệ thay thế. Ví dụ, trước đây một số doanh nghiệp sản xuất túi ni lông bằng nhựa nhưng hiện nay, đã chuyển sang dùng nguyên liệu bột ngô. Tác động của truyền thông về chính sách phát triển bền vững gây “sức ép tích cực” lên doanh nghiệp trong chuyển đổi công nghệ. Từ đó, doanh nghiệp dần có ý thức về vấn đề này. Những bao bì nhựa khi không còn đựng mỹ phẩm hiện có thể được tái chế thành những sản phẩm có ích.

Một câu hỏi được đặt ra, khi doanh nghiệp chuyển sang xây dựng chiến lược marketing bền vững có tốn nhiều chi phí hay không? Ông Lê Quốc Vinh cho rằng, điều này là do cách làm. Nhiều giải pháp thông minh, kết hợp công nghệ và AI, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, hướng tới phát triển bền vững đã truyền cảm hứng cho khách hàng và tạo ra hiệu quả cao hơn. Chi phí cho marketing không thay đổi nhưng hiệu quả gia tăng hơn.

Đại diện một doanh nghiệp marketing chia sẻ: "Chúng tôi đưa ra những biện pháp đo lường để doanh nghiệp nhìn thấy, nếu đi theo hướng bền vững thì sẽ đem lại những giá trị cụ thể cho họ. Những giá trị đó sẽ giúp cho doanh nghiệp cân bằng với những đầu tư bỏ ra. Chúng tôi cũng giúp cho người tiêu dùng và cộng động dễ dàng nhận ra đâu là những thương hiệu bền vững hay không".

Hồng Hạnh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/xay-dung-chien-luoc-marketing-ben-vung-156239.html