Xây dựng chiến lược phát triển địa phương đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Chia sẻ tri thức quốc tế, tham vấn và lắng nghe ý kiến thảo luận từ các lãnh đạo địa phương về quy trình và công cụ xây dựng Chiến lược phát triển địa phương, là nội dung chính của Hội thảo khoa học xây dựng 'Chiến lược phát triển địa phương định hướng cho quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tới năm 2030, tầm nhìn 2045', do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với các bên liên quan tổ chức sáng ngày 17/10, tại TP. Hồ Chí Minh.

Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các viện nghiên cứu chiến lược của các bộ, ban, ngành Trung ương cùng đại diện lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các sở kế hoạch đầu tư của 19 tỉnh, thành phố phía Nam.

 PGS. TS Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng - Viện Chiến lược phát triển, báo cáo tham luận “Định hướng xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam tầm nhìn 2045" tại hội thảo

PGS. TS Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng - Viện Chiến lược phát triển, báo cáo tham luận “Định hướng xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam tầm nhìn 2045" tại hội thảo

Vì sự phát triển chung của quốc gia

Năm 2020, một bước ngoặt mới cho toàn thể các tỉnh thành và cả nước bước vào giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, một giai đoạn mới mà Trung ương và các địa phương đang gấp rút chuẩn bị xây dựng Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, và thực hiện Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 10 năm tới.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - nhấn mạnh, Chiến lược phát triển địa phương cần được xây dựng trên quan điểm định hướng và các giải pháp tổng thể của Chiến lược phát triển quốc gia. Đó là nguyên tắc đảm bảo một hướng đi chung của các địa phương, vì một sự hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa các địa phương, vì một tầm nhìn chung của cả quốc gia. Mặt khác, xây dựng Chiến lược phát triển địa phương là một phương pháp hiệu quả thu hút được sự tham gia và tạo sự đồng thuận tại địa phương, vì sự phát triển chung của quốc gia.

Song chiến lược phát triển địa phương cũng cần mang những giá trị riêng có, tạo dựng nên những huyết mạch cho sự thành công chung của Chiến lược phát triển quốc gia.

Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, chỉ có ở quy mô địa phương, những vấn đề quốc gia mới thực sự được triển khai và giải quyết; chỉ có ở quy mô địa phương, những lĩnh vực đặc thù mang giá trị địa phương mới được cụ thể hóa, xây dựng và phát triển; chỉ có ở quy mô địa phương những môi trường cụ thể mới thúc đẩy được tiềm năng phát triển; chỉ có ở quy mô địa phương, nhu cầu thực tiễn xuất phát từ đặc điểm môi trường thể chế, từ cấu trúc nền kinh tế và hệ sinh thái kinh tế, từ đặc điểm xã hội - văn hóa, mới vấp phải những điểm nghẽn cụ thể cho phát triển; chỉ có ở quy mô địa phương, những định hướng liên kết cụ thể và phát triển chung cả khu vực mới được gây dựng và vun đắp và chỉ có ở quy mô địa phương, tầm nhìn phát triển địa phương mới có thể định hướng rõ nét cho sự phát triển của địa phương, dù trong định hướng chung của quốc gia.

TS. Nguyễn Thắng - Giám đốc Trung tâm Phân tích dự báo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam trình bày tham luận: Công cụ xây dựng chiến lược phát triển địa phương - Cập nhật phương pháp hiện đại và kinh nghiệm quốc tế

TS. Nguyễn Thắng - Giám đốc Trung tâm Phân tích dự báo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam trình bày tham luận: Công cụ xây dựng chiến lược phát triển địa phương - Cập nhật phương pháp hiện đại và kinh nghiệm quốc tế

Phát triển nhanh và bền vững trong gia đoạn mới

Tại hội thảo, các diễn giả đến từ các cơ quan nghiên cứu thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Singapore và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã chia sẻ khung tư duy cũng như các công cụ xây dựng chiến lược và quy hoạch tích hợp.

Với tham luận “Định hướng xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam tầm nhìn 2045”, PGS. TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng - Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã trình bày khái quát về hai tổ chức xây dựng chiến lược cụ thể là quốc gia và tỉnh, thành phố với các nhiệm vụ và hoạt động chính.

PGS. TS Bùi Tất Thắng cũng trình bày các nội dung chủ yếu của Chiến lược phát triển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 như: bối cảnh, quan điểm phát triển, quan điểm chỉ đạo xây dựng văn kiện, mục tiêu chiến lược, đột phá chiến lược, chủ đề của chiến lược 10 năm 2021-2030. Đồng thời, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu chiến lược đó, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, việc tổ chức thực hiện chiến lược; một số vấn đề đặt ra với tỉnh, thành phố trong phát triển nhanh và bền vững hiện nay.

Các đại biểu tại hội thảo cũng đã chia sẻ và góp ý cho các nội dung Dự thảo đề cương cuốn “Sổ tay hỗ trợ nâng cao năng lực xây dựng chiến lược phát triển địa phương” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Indiana (Hoa Kỳ) và Viện Sáng kiến Việt Nam xây dựng, nhằm phục vụ cho Diễn đàn phát triển vùng và địa phương dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 4/2020, tại Việt Nam với chủ đề “Xây dựng chiến lược phát triển địa phương với tầm nhìn 2045”.

Ban tổ chức cũng như các đại biểu tham dự kỳ vọng cuốn “Sổ tay hỗ trợ nâng cao năng lực xây dựng chiến lược phát triển địa phương”, sẽ mang tính bổ trợ tốt cho công cuộc chung ở cấp Trung ương, đồng thời hỗ trợ hiệu quả ở cấp địa phương.

Tại hội thảo, các diễn giả, nhà khoa học cùng nhau làm rõ những lợi ích mà quá trình hoạch định chiến lược địa phương mang lại, cũng như những nội dung của phát triển địa phương, mối quan hệ của chúng và những nội dung của một bản chiến lược phát triển địa phương, quy trình và các công cụ xây dựng bản chiến lược địa phương đó…

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-chien-luoc-phat-trien-dia-phuong-den-nam-2030-tam-nhin-2045-126780.html