Xây dựng chiến lược phát triển văn hóa – Phục hồi du lịch

Ngày 29/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức Hội nghị trực tuyến định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Hội nghị trực tuyến diễn ra tại 63 điểm cầu trên cả nước.

 Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Môi trường văn hóa, đời sống văn hóa là gốc của Chiến lược

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp. Theo Nghị quyết của Đại hội, trong 6 nhiệm vụ trọng tâm thì nhiệm vụ thứ tư là xây dựng văn hóa con người Việt Nam đã đặt ra nhiệm vụ cho ngành VHTT&DL phải tập trung cụ thể hóa thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này. Vì vậy, Bộ VHTT&DL trên cơ sở tổng kết chiến lược văn hóa giai đoạn trước đã dự thảo chiến lược văn hóa giai đoạn mới.

Việc xây dựng Chiến lược văn hóa giai đoạn mới, với trọng tâm là bảo đảm mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, đó là khơi dậy và phát huy được khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng mạnh và văn hóa được xác định là động lực của sự phát triển, là yếu tố nội sinh; mục tiêu xây dựng văn hóa là hướng tới xây dựng con người Việt Nam theo hướng chân, thiện, mỹ.

Tóm tắt dự thảo chiếc lược do Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông trình bày tại Hội nghị nhấn mạnh: Chiến lược văn hóa hướng tới mục tiêu chung cơ bản và xuyên suốt là khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Trong chiến lược này, Bộ VHTT&DL đưa ra 10 mục tiêu phát triển văn hóa, nổi bật là: 100% các bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện hiệu quả Quy tắc ứng xử văn hóa trong các lĩnh vực chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao; 95-100% di tích quốc gia đặc biệt và 65-70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo, 65-70% số di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án bảo vệ và phát huy giá trị; doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu, chiến lược đề xuất hệ thống 12 nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, xác định xây dựng môi trường văn hóa và đời sống văn hóa lành mạnh là gốc của Chiến lược, cần tập trung thực hiện, địa bàn hướng tới là cơ sở dân cư, cộng đồng doanh nghiệp. Nếu đầu tư đúng hướng, đúng trọng điểm sẽ tạo ra môi trường văn hóa, đời sống văn hóa tốt.

Bên cạnh đó là các vấn đề như: Mục tiêu tài chính tăng mức đầu tư cho văn hóa lên 2% tổng chi ngân sách hàng năm; xây dựng cơ chế ưu đãi, miễn, giảm thuế, các loại phí phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm khác là phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh; khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, tăng khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng.

Phát triển du lịch cần thay đổi trong tư duy và tiếp cận

Về Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt cho biết, Chương trình hành động xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm do Bộ VHTT&DL thực hiện và các nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ VHTT&DL đã yêu cầu các bên liên quan tổng kết các chiến lược, kế hoạch hành động về du lịch, nhất là sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ thực tiễn đó nhìn nhận và đánh giá.

Trước khi xảy ra dịch COVID-19, Bộ VHTT&DL đã phấn đấu đưa du lịch Việt Nam từng bước tiếp cận với các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 08. Năm 2019, du lịch Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước với gần 10% vào GDP. Nhưng dịch COVID-19 đã khiến du lịch nước ta và thế giới gặp nhiều khó khăn. Điều này đặt ra cho việc xây dựng chương trình hành động phải bảo đảm vượt khó và phát triển trong tương lai lâu dài.

Bộ VHTT&DL đã thiết kế Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 theo hướng đưa ra các giải pháp mang tính căn cơ để khắc phục sau khi dịch bệnh được đẩy lùi. Đồng thời thay đổi cách tư duy và tiếp cận. Đó là cơ cấu lại thị trường du lịch, tính toán để cân bằng lại thị trường khách quốc tế và nội địa để đi bằng hai chân, có tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên và lộ trình.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá cao nội dung cũng như tính khả thi của dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 với những kế hoạch chi tiết, đầy đủ tính lý luận và thực tiễn. Nếu triển khai thành công tất cả các nhiệm vụ, giải pháp này thì trong 5 năm tới, du lịch của nước ta sẽ trở lại thời kỳ huy hoàng của những năm trước, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như đã mong ước.

Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến đóng góp của các địa phương trong hoạt động quản lý văn hóa, du lịch. Trên cơ sở này, Bộ VHTT&DL sẽ hoàn thiện Chiến lược, Chương trình hành động một cách khoa học, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tính thực tiễn, khả thi.

VGP

Nguồn Kiên Giang: https://kiengiangonline.com.vn/xay-dung-chien-luoc-phat-trien-van-hoa-phuc-hoi-du-lich/