Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bài học cảnh tỉnh, phòng ngừa chung

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vận mệnh của Đảng và sự sống còn của chế độ.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được gắn kết chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện và hài hòa, trong đó, xây dựng Đảng là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược; chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; xây dựng gắn với chỉnh đốn và chỉnh đốn để xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh. Từ Đại hội XI đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh và tập trung vào việc chỉnh đốn, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng và đề cao pháp luật của Nhà nước; xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm, kể cả những đảng viên là cán bộ đã nghỉ hưu, bất kỳ người đó là ai, theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Trong giai đoạn 2012 – 2022, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 176.700 cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó có 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 8/2023, đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự do liên quan đến các vụ án tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, hậu quả đặc biệt lớn, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và cơ quan nhà nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp thứ 24, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp thứ 24, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone đã đưa 2 cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng hàng chục cán bộ, đảng viên vào vòng lao lý. Vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra tại Công ty Việt Á đã làm tha hóa nhiều cán bộ ở Trung ương và địa phương, với số cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự lên đến hàng trăm người, trong đó có cả cán bộ cấp cao (3 ủy viên Trung ương Đảng là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng và bí thư tỉnh ủy; 3 thứ trưởng; 3 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).

Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số địa phương liên quan, 2 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng, 2 phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và nhiều cán bộ, đảng viên khác bị xử lý hình sự. Trong vụ đại án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, tất cả 18 thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước đều nhận tiền, quà hối lộ, trong đó trưởng đoàn thanh tra đã nhận hơn 5,2 triệu USD, từ đó báo cáo không trung thực kết quả thanh tra với cấp có thẩm quyền để xử lý, bao che cho hành vi phạm tội của các đối tượng…

Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như thời gian vừa qua. Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Điều đó cho thấy quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của Đảng ta trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Mục đích của việc xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm như đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực, từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính; xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, qua đó cảnh tỉnh, răn đe để không ai dám tham nhũng, tiêu cực. Hầu hết những người bị xử lý đều nhận thức rõ sai phạm của mình, tâm phục, khẩu phục, tỏ rõ sự ăn năn, hối cải khi nói lời sau cùng trước tòa.

Ông Trương Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nói: “Đối với bị cáo, cả đời phấn đấu, rất ý thức về ngành Dược. Đây là ngành cấp phép rất nhạy cảm. Bị cáo đã tự rèn mình, rất ý thức mình nhưng không may có chuyện này xảy ra, dẫn đến hôm nay đứng ở vòng lao lý. Đây là nỗi mất mát lớn nhất, to nhất không có gì so được”. Trước tòa, ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói rằng, bản thân ông nhận rõ sai phạm của người đứng đầu và thấy đây là bài học vô cùng đắt giá trong cuộc đời.

Ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tỏ rõ sự hối hận trước công đường: “Bị cáo không bao giờ nghĩ mình đứng trước phiên tòa để nói lời sau cùng hôm nay. Đây thực sự là điều đau xót và bất hạnh đối với bị cáo và gia đình”. Sự ăn năn, hối hận của những người phạm tội có thể đã quá muộn màng với họ, nhưng là lời cảnh tỉnh, sự thức tỉnh sâu xa và mạnh mẽ đối với những người có chức, có quyền, được giao quản lý tài sản của Nhà nước và nhân dân nhưng lòng dạ không trong sáng.

Kỷ luật nghiêm minh không chỉ loại bỏ những phần tử suy thoái, biến chất để làm trong sạch đội ngũ của Đảng, mà còn có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong Đảng. Thực tế cho thấy, việc xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên sai phạm, bất kỳ người đó là ai, đã làm “chùn bước” những ai có động cơ vụ lợi, đã trót “nhúng chàm”; với những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm, cũng phải tự điều chỉnh hành vi, phương pháp quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ được giao. Từ thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, từ đó tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” có thể phát sinh sai phạm của cán bộ, đảng viên.

Có thể khẳng định, kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã góp phần làm cho Đảng ngày càng vững mạnh; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng; giữ vững ổn định chính trị, xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và đối ngoại; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; đặc biệt là góp phần làm cho đất nước ta “có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thực tế đó cho thấy, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước vẫn phải tiếp tục, làm thường xuyên, quyết liệt, không vì “lo không có cán bộ làm việc” mà phải “dừng lại” như một số ý kiến đã nêu. Và thực tiễn đó là minh chứng sinh động và mạnh mẽ nhất phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, chống đối, cho rằng việc xử lý cán bộ, đảng viên của ta là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”…

Thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là qua việc xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm là bài học cảnh tỉnh rất sâu sắc đối với những ai đang được trao chức, quyền nhưng lòng dạ không trong sáng, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, ham muốn vật chất, tiền tài, rằng: “Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”; rằng: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ”…

PGS. TS Trần Quang Tám

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/xay-dung-chinh-don-dang-va-bai-hoc-canh-tinh-phong-ngua-chung-i721138/