Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức và chuẩn mực đạo đức của đảng viên hiện nay

T.S Nhị Lê
Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

(tiếp theo và hết)

Trong rất nhiều công việc đang đặt ra trước và trong tổng thể công việc này, tôi nhấn mạnh mấy nhóm cơ bản sau:

Tiếp tục đổi mới việc nghiên cứu về lĩnh vực đạo đức, trực tiếp là đạo đức hành động và hành động đạo đức - tính quy luật của công tác xây dựng Đảng, một bộ phận hợp thành chỉnh thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đảng trong sạch và vững mạnh, phải được biểu hiện và định lượng đúng đắn bằng nhiều tiêu chí, trong đó, tiêu chí đạo đức là nhân tố hàng đầu và xuyên thấm, hòa quyện trong những tiêu chí khác: cách mạng, kiên định chính trị; tư tưởng khoa học, tiên tiến, hiện đại, thống nhất; tổ chức thống nhất, chặt chẽ, kỷ luật trên nền tảng dân chủ - pháp quyền... Đảng cầm quyền chính pháp, chính danh và tiêu biểu về chính năng, chính đức, chính tín.

Đạo đức của đảng viên phải được đo bằng những chuẩn mực giá trị hành động và sự tín nhiệm của nhân dân. Đó là hạnh phúc của Đảng, là đòi hỏi của nhân dân. Cổ nhân nói: Hạnh phúc, cho dù dưới chế độ chuyên quyền hay dân chủ, cho dù trong sự nô lệ hay tự do, không bao giờ đạt được, nếu ở đó không có đạo đức.

Ban hành Quy định về đạo đức trong toàn Đảng.

Hai là, kết hợp giáo dục nhận thức với rèn luyện quan điểm, tư tưởng, tình cảm, niềm tin và thực hành đạo đức của cán bộ, đảng viên, trong từng cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng và trong toàn Đảng.

Xây dựng Đảng về đạo đức gắn liền với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức thông qua thực hành đạo đức một cách dân chủ; thực hành tự phê bình và phê bình; lắng nghe và thành thực tiếp thu ý kiến phê bình của nhân dân và bảo vệ sự giám sát, kiểm tra của nhân dân đối với tổ chức đảng và đảng viên. Thực hiện công khai, minh bạch thông tin và chế độ trách nhiệm trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước, trong các tổ chức đoàn thể… để dân biết, dân giám sát…

Bảo vệ quyền giám sát, phản biện, quyền và trách nhiệm kiểm soát quyền lực từ phía xã hội và nhân dân nhằm ngăn chặn và tẩy sạch tình trạng phi đạo đức trong Đảng. Trao quyền tới đâu kiểm tra, giám sát tới đó, một cách chặt chẽ và nghiêm minh. Buông lỏng kiểm soát quyền lực chính trị, để cho quyền lực bị tha hóa, thoái hóa, nhất là tham nhũng quyền lực… lúc này là vô trách nhiệm, thậm chí vô đạo đức.

Việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật đồng bộ và thống nhất với thực hiện Điều lệ Đảng và các quy định trong thể chế Đảng không chỉ có ý nghĩa pháp lý - chính trị mà còn chứa đựng những nội dung đạo lý và văn hóa.

Vì, quyền lực luôn quyến rũ những kẻ không có đạo đức.

Ba là, quy định về trách nhiệm của các cấp ủy nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và tẩy trừ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; hoàn thiện cơ chế vận hành, thể chế, chế độ, chính sách nhằm giám sát đạo đức và “dưỡng liêm”, “dưỡng đức”.

Đổi mới cơ chế vận hành, kiểm tra, giám sát, thể chế, chính sách, quy định nhằm chủ động, kiên quyết đẩy lùi các dị tật đạo đức trong Đảng, nhất là tệ quan liêu, thói vô trách nhiệm, bệnh vô cảm, nguy hiểm nhất là nạn tham nhũng, “lợi ích nhóm” trong hoạch định chính sách và công tác cán bộ - hai trọng điểm có nguy cơ trở thành “cục nghẽn mạch” nguy hiểm nhất hiện nay. Đặt đạo đức và thực thi đạo đức trên nền tảng dân chủ - pháp quyền.

Kiểm soát và xử lý những bất minh về tài sản và thu nhập của bản thân và bất chính về tài sản của nhân thân của mọi đảng viên. Cấu trúc lại bộ máy hệ thống chính trị theo hướng gọn nhẹ, tinh nhuệ, trọng dân. Đổi mới công việc kỷ luật của Đảng về đạo đức thật nghiêm minh, bình đẳng thống nhất với thực thi pháp luật thượng tôn, dân chủ và văn minh. Các đảng viên giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt các cấp, dù ở cương vị nào phải thực sự xứng đáng là tấm gương đạo đức trong sáng, công tâm, tận tụy và hy sinh.

Lập quỹ dưỡng liêm, dưỡng đức; hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tới vấn đề đạo đức. Đây là riềng mối, là lực đẩy mạnh mẽ về tinh thần và thực tiễn, giữ gìn và đề cao đạo đức trong toàn Đảng và trong xã hội.

Cần nhớ: Nếu người không có đạo đức lại được giao quyền lực còn nguy hiểm hơn thả rông con thú dữ vào xã hội.

Bốn là, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết đội ngũ cán bộ chủ chốt phải thực sự nêu gương về đạo đức thực hành và thực hành đạo đức trước toàn Đảng, toàn dân.

Phát huy giá trị văn hóa đạo đức, nhất là văn hóa chính trị theo các giá trị nhân cách của con người Việt Nam truyền thống và hiện đại. Xin nhấn mạnh: Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức, phẩm hạnh và nhân cách và chịu trách nhiệm trước nhất về đạo đức của đảng viên ở đơn vị, cơ quan mình. Đây là một cách lãnh đạo tốt nhất. Đây cũng chính là quyền uy trí tuệ, chính là uy vũ để đạo đức ngày càng rạng rỡ bằng nêu gương.

Các cấp ủy giáo dục đạo đức thực hành và tổ chức thực hành đạo đức làm khâu then chốt làm mục tiêu hành động trong Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết xử lý sự suy đồi về đạo đức; ngăn chặn và tẩy trừ những suy nghĩ và hành động phi đạo đức, đề kháng hữu hiệu âm mưu “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, góp phần xây dựng văn hóa chính trị thiết thực, sâu sắc và tràn đầy sức sống.

Mỗi tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị thật sự là một môi trường đạo đức trong sạch, văn minh, hiện đại và mẫu mực. Tiền nhân nói: Đạo đức ở tất cả mọi quốc gia là sản phẩm của pháp luật và chính quyền, nhưng xin được phát triển: Bắt đầu từ nhân dân và là sản phẩm của nhân dân. Vì thế, nhân dân, trực tiếp là công luận, tiếp tục tạo nên dư luận xã hội sâu rộng giám sát đạo đức đảng viên, tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bồi đắp và phát triển đạo đức xã hội - cơ sở vững chắc phát triển đạo đức của Đảng và trong Đảng - hiện nay và tương lai.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/135875/xay-dung-chinh-don-dang-ve-dao-duc-va-chuan-muc-dao-duc-cua-dang-vien-hien-nay