Xây dựng chính phủ điện tử: Quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin
Bộ Thông tin và Truyền thông giữ nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử
(HNM) - Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo năm 2019 là năm bứt phá trong thực hiện chính phủ điện tử. Triển khai chủ trương này, nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có Hà Nội đã quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử làm nền tảng xây dựng chính phủ điện tử.
Người dân quận Bắc Từ Liêm tra cứu thông tin khi làm thủ tục hành chính. Ảnh: Thái Hiền
Số liệu tổng hợp của Văn phòng Chính phủ công bố ngày 29-8 về tình hình triển khai chính phủ điện tử của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương cho thấy, thời gian qua, 8 địa phương đã hoàn thành việc kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để gửi, nhận văn bản điện tử. Từ ngày 12-3 đến ngày 20-8, đã có hơn 86.000 văn bản gửi và hơn 263.000 văn bản nhận qua trục liên thông. Bắc Giang sử dụng chữ ký số trong 100% văn bản gửi Văn phòng Chính phủ. Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh cũng đạt gần 100%.
Trong nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử, Hải Phòng, Hà Nội là những địa phương điển hình, có nhiều bứt phá về hiện đại hóa nền hành chính. Tại Hà Nội, có tới 1.427/1.839 thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Trong đó 239 thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 giúp người dân hoàn toàn có thể sử dụng mạng internet để thực hiện mà không phải đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vẫn yêu cầu, các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh rà soát nhằm rút ngắn quy trình thủ tục, mạnh dạn cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, tổ chức.
Theo ông Nguyễn Nam Cường (ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân), việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến rất thuận lợi vì mọi thông tin, yêu cầu, hướng dẫn về thủ tục hành chính đều có đầy đủ trên mạng, chỉ cần 15 phút đọc qua là có thể thực hiện được. Ông Nguyễn Nam Cường chia sẻ: “Vừa rồi tôi thực hiện đăng ký khai sinh online cho con.
Thay vì phải ra UBND phường nộp hồ sơ, chỉ cần truy cập vào Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố Hà Nội, chọn mục đăng ký khai sinh, điền thông tin cần thiết và đính kèm hình ảnh hồ sơ theo yêu cầu, sau đó nhấn “gửi hồ sơ” là hoàn tất. Việc đổi mới của Hà Nội không những góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử mà còn từng bước làm thay đổi phương thức quan hệ giữa chính quyền và người dân, giảm bớt phiền hà, nhũng nhiễu”.
Song bên cạnh những điểm sáng, các địa phương cũng phản ánh một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai chính phủ điện tử. Đơn cử như chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định về tích hợp, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các địa phương. Cũng một phần vì lý do này mà việc ứng dụng công nghệ thông tin của nhiều ngành, địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ…
Chưa kể, công tác xây dựng chính phủ điện tử cũng còn một số tồn tại do sự vào cuộc chậm chạp của nhiều địa phương. Đơn cử như việc Hải Phòng ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử từ năm 2016 nhưng cũng chưa sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những quy định mới hiện nay. Hay như Hải Dương, tuy đã cung cấp 1.706 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 118 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, nhưng Văn phòng Chính phủ đánh giá vẫn chưa đạt yêu cầu. Trong thành phần hồ sơ một số thủ tục vẫn yêu cầu bản sao có chứng thực...
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, theo phản ánh của các địa phương, khó khăn, vướng mắc còn nhiều. Tuy nhiên, cùng trong môi trường như thế nhưng nhiều địa phương đã làm rất tốt, có nơi còn chưa tốt thì nên học hỏi, rút kinh nghiệm, suy nghĩ xem làm thế nào cho thật hiệu quả.
Cũng theo đồng chí Mai Tiến Dũng, quá trình triển khai, các địa phương hoàn toàn có thể thống nhất thuê dịch vụ bên ngoài để xây dựng chính phủ điện tử, sẽ hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, đặc biệt, không phát sinh biên chế. Bên cạnh đó, để có một chính phủ điện tử hiện đại, nhanh gọn và có sự tương tác đồng bộ thì các tỉnh, thành phố phải tăng cường thêm các chương trình tập huấn, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp.