Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số
Trong xu thế phát triển chung, huyện Phù Yên tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, tạo thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp trong liên hệ công việc.
Đến nay, các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện được trang bị hơn 700 máy tính kết nối Internet. UBND huyện đầu tư xây dựng phòng họp không giấy tờ; tổ chức tập huấn nâng cao trình độ tin học cũng như chuyên môn nghiệp vụ cho 2.966 lượt cán bộ, nhân viên.
Ông Đặng Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025; triển khai nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số. Tăng cường tuyên truyền xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, nâng cao nhận thức, phát triển kiến thức an toàn thông tin giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, khuyến khích nhân dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai nhiệm vụ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, chuyển đổi số hiệu quả. Đăng ký, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số trên nền tảng học trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông; triển khai Cổng thông tin điện tử tại các xã, thị trấn.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục sử dụng các nền tảng số dùng chung của tỉnh, như tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); Trung tâm giám sát điều hành thông minh IOC; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; học trực tuyến mở đại trà (MOOCS). Đồng thời, phối hợp triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, môi trường và đa dạng sinh học, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, hộ tịch điện tử, y tế, an sinh xã hội... theo hướng dẫn của ngành chủ quản.
Bên cạnh đó, huyện duy trì sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành của huyện tại 150 cơ quan, đơn vị, với hơn 900 người sử dụng, đảm bảo việc gửi và nhận văn bản đi, văn bản đến của các cơ quan, đơn vị. Đến nay, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử cấp huyện đạt 99,9%; cấp xã đạt 99,4%; đảm bảo việc gửi, nhận văn bản điện tử với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh cũng như các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện; xin cấp chữ ký số cho 123 cá nhân và 42 tổ chức.
Huyện còn sử dụng hiệu quả Cổng dịch vụ công của tỉnh và thực hiện kết nối, duy trì cập nhật các thủ tục hành chính với Cổng dịch vụ công quốc gia. Phối hợp thực hiện chuẩn hóa tất cả các quy trình thủ tục hành chính nội bộ, điện tử cấp huyện, cấp xã trên phần mềm một cửa điện tử tỉnh Sơn La, đảm bảo triển khai đồng bộ dịch vụ công trực tuyến và liên thông cấp tỉnh, huyện, xã. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai sử dụng phần mềm một cửa điện tử đến 100% xã, thị trấn. Đến nay, đã cung cấp 285 dịch vụ công toàn trình (mức độ 4) cấp huyện, 72 dịch vụ công toàn trình cấp xã.
Ông Cầm Văn Chiên, Chủ tịch UBND xã Tường Tiến, thông tin: Xã đang thực hiện kiểm soát quy trình giải quyết công việc của bộ phận một cửa của xã qua mạng internet và chỉ đạo công việc qua mạng. Việc làm này kịp thời phát hiện những vướng mắc, tồn tại trong xử lý công việc và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ trong thực thi nhiệm vụ, tạo thuận lợi nhân dân đến liên hệ công việc.
Bà Vũ Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Nội vụ huyện, cho biết: Huyện đang chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC) huyện Phù Yên. Đến nay, đã chọn nhà thầu và đang chờ ý kiến Sở Thông tin và Truyền thông Sơn La về danh mục đầu tư thiết bị lắp đặt.
Huyện Phù Yên đã và đang bắt kịp với xu thế chung trong việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần tích cực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong thời kỳ mới.