Xây dựng chính sách, đề xuất giải pháp hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần

Hầu hết người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đều biết việc làm này là thiệt thòi, nhưng vẫn quyết định rút BHXH một lần bởi lý do kinh tế túng thiếu hay bức bách vì nợ nần.

Đây là kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) về tình hình rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.

Gia tăng rút BHXH một lần tại các tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp

Theo Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến, rút BHXH một lần là một trong những quyền của người tham gia BHXH (tự nguyện, bắt buộc). Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2021, trung bình cứ 2 người tham gia BHXH thì có 1 người rút 1 lần. Số lượng người rút BHXH một lần năm 2021 là hơn 960.000 người, năm 2022 là hơn 895.000 (giảm 6,8% so với năm 2021). Như vậy, số người rút BHXH một lần hằng năm giai đoạn 2021 - 2022 cao hơn giai đoạn 2016 - 2020 là 15,93%. Đây là con số đáng suy nghĩ, bởi lẽ tính đến cuối năm 2022 cả nước mới có 17,489 triệu người tham gia BHXH.

Cũng theo ông Vũ Minh Tiến, theo quy định của pháp luật, có 5 trường hợp người tham gia BHXH được quyền rút BHXH một lần, trong đó tuyệt đại đa số thuộc trường hợp “Người tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH”. Qua điều tra thực tế của Viện Công nhân và Công đoàn tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương trong đầu tháng 4.2023 cho thấy, 93,1% thuộc trường hợp này và thời gian từ lúc chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) đến thời điểm rút BHXH một lần bình quân là 15 tháng. Như vậy, tình trạng rút BHXH của quý I.2023 phản ánh tình trạng chấm dứt HĐLĐ, HĐLV của quý IV.2021 và Quý I.2022.

Cần có giải pháp căn cơ, hiệu quả để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần

Cần có giải pháp căn cơ, hiệu quả để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần

Lý giải về tình trạng rút bảo hiểm một lần gia tăng tại các tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, giai đoạn quý IV/2021 đến quý I/2022, cả nước có số người bị mất việc làm, chấm dứt HĐLĐ, số người nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp tăng khá cao do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Trong khi đó, trong nhiều tháng, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng nên số lao động bị mất việc khó tìm được việc làm mới… Mặt khác, tình hình thị trường lao động Quý I/2023 có một số khởi sắc so với năm 2022, nhưng vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm đơn hàng, chấm dứt HĐLĐ, nhiều lao động chủ động nghỉ việc vì tiền lương thấp… Đặc biệt là tại các tỉnh trọng điểm công nghiệp phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… tình hình có nhiều dấu hiệu tiêu cực hơn cả.

Kết quả điều tra trực tiếp người thực hiện rút BHXH của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, độ tuổi bình quân rút BHXH là 35,7 tuổi; số lần rút BHXH một lần: 80% lần đầu, 18,7% lần thứ 2 và 1,2% lần thứ 3 trở lên... Đáng chú ý, số người rút BHXH không có bằng cấp, chứng chỉ đạo tạo chuyên môn là 50,2%, trong đó tập trung chủ yếu là người lao động làm trong các lĩnh vực may, giầy da, lắp ráp điện tử, xây dựng, giao thông vận tài, khách sạn nhà hàng, du lịch…

Nguyên nhân sâu xa do người lao động khó khăn về kinh tế

Theo ông Vũ Minh Tiến, kết quả khảo sát về nhận thức, lý do quyết định rút BHXH một lần cho thấy hầu hết NLĐ biết thiệt thòi nhưng vẫn quyết định rút BHXH một lần hầu hết đều là vì lý do kinh tế, nghèo túng hay bức bách vì nợ nần. Họ rất cần những khoản tiền vài chục triệu, hoặc một – hai trăm triệu để trả các khoản vay “nóng” lãi suất cao, chi khám chữa bệnh cho con cái, người thân, thậm chí là để lo chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.

Bên cạnh đó, một số người chưa thực sự biết hết lợi ích của việc giữ lại BHXH; nhận thức về ý nghĩa của việc tham gia BHXH và quyền lợi của người tham gia BHXH bắt buộc là khá hạn chế. Theo thống kê, bình quân chỉ 15,1% NLĐ có nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tác dụng, lợi ích của tham gia BHXH; 57,4% NLĐ (thuộc trường hợp tham gia BHXH bắt buộc) trả lời có biết về các quyền lợi của người tham gia BHXH bắt buộc; trong khi hầu như không ai có thể kể hay liệt kê được một vài quyền lợi cụ thể theo quy định pháp luật của người tham gia BHXH bắt buộc. Mặt khác, nhận thức về thiệt thòi của NLĐ khi rút BHXH một lần cũng rất hạn chế, trong đó, tỷ lệ bình quân NLĐ có nhận thức đúng chỉ đạt 37,8%.

"Nguyên nhân, lý do NLĐ quyết định rút BHXH một lần chủ yếu là vì kinh tế, một phần lo lắng chính sách thay đổi gây khó khăn hoặc thiệt thòi cho người rút BHXH so với hiện nay", Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết.

Theo ông Vũ Minh Tiến, qua phản ánh của NLĐ và cán bộ BHXH các tỉnh cho thấy, nhiều NLĐ đang và sẽ chấm dứt HĐLĐ để tìm cách rút BHXH trong thời gian tới. Do vậy, dự báo quý I - II/ 2024 sẽ gia tăng số lượng người rút BHXH một lần. Do đó, cần có giải pháp chủ động từ sớm của các cơ quan, tổ chức liên quan.

Bên cạnh đó, trước tình trạng tắc nghẽn tại các cơ quan BHXH khi có quá đông người đến rút BHXH một lần, đòi hỏi cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn để NLĐ biết có thể thực hiện đăng ký rút BHXH tại bất kỳ cơ quan BHXH nào; có các hình thức đăng ký làm thủ tục rút BHXH (online, bưu điện, trực tiếp) thay vì phải đến đăng ký (xếp số) trực tiếp tại các cơ quan BHXH gây tập trung đông người tại một số địa bàn trọng tâm như hiện nay. Bởi trên thực tế, nhiều người vẫn chọn cách đến trực tiếp cơ quan BHXH để làm thủ tục vì đa số có tâm lý nếu đăng ký online thì không an tâm, tin tưởng bằng đến trực tiếp. Trong khi một số NLĐ do hồ sơ, giấy tờ không đầy đủ hoặc không biết có đầy đủ hay không thì họ chọn cách đến gặp trực tiếp cán bộ BHXH là hiệu quả và tin cậy hơn.

Đáng chú ý, tình trạng xếp hàng đăng ký làm thủ tục rút BHXH một lần tăng đột biến vào 5 - 7 ngày đầu của mỗi tháng bởi tuyệt đại đa số NLĐ đều sốt ruột, nóng lòng đợi đến thời điểm đủ 12 tháng, sau khi nghỉ việc và chốt sổ BHXH, để làm thủ tục rút BHXH một lần ngay khi có thể. Điều này gây nên ùn tắc cục bộ ở cơ quan BHXH trong những ngày đầu tháng.

Bên cạnh đó, NLĐ làm hồ sơ rút BHXH rất lúng túng và hầu như không nắm được quy trình, thủ tục, hồ sơ phải chuẩn bị gì để giải quyết nên dẫn đến tình trạng đi lại 2 – 3 lần mới giải quyết xong một bộ hồ sơ. Tình trạng các hồ sơ bị thiếu 1 – 2 giấy tờ, phải đính chính, xác minh là khá nhiều… dẫn đến việc giải quyết thủ tục chậm, NLĐ phải đi lại nhiều lần gây bức xúc, hiểu nhầm và đánh giá công tác giải quyết chế độ chưa tốt.

Đặc biệt, nguyên nhân sâu sa NLĐ rút BHXH vẫn là vấn đề kinh tế vì họ không có tích lũy, cần tiền chi tiêu trước mắt, chưa tìm được việc làm phù hợp để tham gia tiếp BHXH, chế độ BHXH chưa thu hút (đặc biệt là BHXH tự nguyện)… Do đó, khi mất việc, họ sẽ trông cậy vào khoản tiền BHXH một lần. Mặt khác, nhiều khoản chi tiêu từ số tiền rút BHXH liên quan đến chi giáo dục, y tế, thay đổi sinh kế…

"Điều này cũng đặt ra giải pháp tổng thể trong việc điều chỉnh chính sách, đề xuất giải pháp hạn chế rút BHXH một lần để xây dựng hệ thống an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ và gia đình họ", ông Vũ Minh Tiến nhấn mạnh.

Phi Long - Ngọc Châm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/xay-dung-chinh-sach-de-xuat-giai-phap-han-che-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-i338106/