Xây dựng chính sách thuế đúng lộ trình để phòng, chống tác hại của thuốc lá hiệu quả

Tại Hội nghị tập huấn, cao năng lực tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá vừa được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ngoài việc góp phần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tác hại của thuốc lá cho đội ngũ báo chí, tuyên truyền, các chuyên gia cũng đề xuất cần xây dựng chính sách thuế đúng lộ trình để phòng, chống tác hại của thuốc lá hiệu quả.

Hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Ảnh: Hoàng Dương.

Hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Ảnh: Hoàng Dương.

Mỗi năm người Việt Nam chi 49 nghìn tỷ đồng mua thuốc lá

Ngày 17/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; cán bộ các sở TT&TT và phòng văn hóa, thông tin tại các tỉnh thành phía Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT cho biết, phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho Việt Nam mà còn cho thế giới. Thống kê cho thấy, hàng năm có 7 triệu người tử vong do tác hại của thuốc lá, trong đó, có 1 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.

Ths. Nguyễn Thị Thu Hương – Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, thuyết trình tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Dương.

Ths. Nguyễn Thị Thu Hương – Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, thuyết trình tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Dương.

Còn Ths. Nguyễn Thị Thu Hương – Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho hay, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường (hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá...), việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 - 6.000 tấn formaldehyde, từ 12 - 47 nghìn tấn nicotine và từ 300 - 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.

Hiện nay tại Việt Nam có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi,… Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8% (nghiên cứu Bệnh viện K); sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm; hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong (WHO cập nhật 2021).

Bên cạnh đó, theo ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020, người Việt Nam đã chi 49.000 tỷ đồng/năm để mua thuốc lá và chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…) là 108.000 tỷ đồng một năm (theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế y tế Việt Nam năm 2022).

Xây dựng lộ trình tăng thuế để phòng, chống tác hại của thuốc lá

Cũng tại hội nghị, các chuyên gia cũng cho hay, thời gian qua Việt Nam đã thực hiện một số chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá như: thuế thuốc lá; cảnh báo sức khỏe; cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; xây dựng môi trường không khói thuốc; truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá.

Ths. Đào Thế Sơn – Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu thông tin về các chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Dương.

Ths. Đào Thế Sơn – Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu thông tin về các chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Dương.

Chúng ta đã đạt được một số kết quả về giảm tỷ lệ hút thuốc như: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể tại hầu hết các địa điểm: nơi làm việc giảm 13,3%; trường học giảm 16,4%; trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%; tại gia đình giảm 13,2%.

Đặc biệt trong học sinh lứa tuổi từ 13 đến 17, tỷ lệ hút thuốc giảm 50%. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Theo Ths. Đào Thế Sơn – Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu, ngoài các quy định, chính sách nhằm phòng, chống tác hại của thuốc lá đang thực thi, nhà nước cần tiếp tục xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO (cần đạt 70 - 75%) và ban hành quy định về ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng … để bảo đảm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tác tại của thuốc lá.

Cũng tại hội nghị, ban tổ chức đã đưa ra những kỹ năng viết bài, thông tin tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho các đại biểu là phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí; cán bộ các sở thông tin và truyền thông; phòng văn hóa thông tin…

Theo đó, để truyền đạt được nhiều thông tin đến với cộng đồng, người viết có thể viết các dạng bài phóng sự, bài phản ánh, bình luận. Bên cạnh những số liệu mới, thông tin cần cập nhật, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá… thì người viết có thể đưa ra những câu chuyện cảm động, nhân vật truyền cảm hứng, mô hình hay đạt nhiều lan tỏa, qua đó thông tin dễ tiếp cận hơn đến với bạn đọc.

“Hiện nay, các phương án đề xuất của Bộ Tài chính là phù hợp về thuế thuốc lá, các phương án có thể đạt được phần nào việc: chậm lại mức tăng, hoặc có thể giảm tiêu dùng; tác động lớn hơn về mặt điều tiết tiêu dùng; nâng cao sức khỏe vì có tác động giảm tiêu dùng nhiều hơn vào những năm đầu tiên của giai đoạn; số thu ngân sách cũng tăng được nhiều hơn;... Tuy nhiên, để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, cần tăng thuế theo khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO là bổ sung thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao từ 2026 và tăng lên thành 15.000 đồng/bao năm 2030” - Ths. Đào Thế Sơn đề xuất.

Hoàng Dương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xay-dung-chinh-sach-thue-dung-lo-trinh-de-phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la-hieu-qua-161914.html