Xây dựng chính sách về hoạt động tư vấn, vận động hiến tạng để sớm có hành lang pháp lý phù hợp
'Việc xây dựng chính sách về các hoạt động tư vấn, vận động hiến tạng là rất cần thiết, để sớm có hành lang pháp lý, cơ chế phù hợp' - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin.
Hội thảo xây dựng chính sách về các hoạt động tư vấn, vận động hiến, lấy, điều phối, ghép mô tạng, do Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức chiều nay, 12/6.
Chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết trong lĩnh vực ghép tạng, thế giới có kỹ thuật gì, Việt Nam đều có với nhiều thành tựu và đứng đầu Đông Nam Á về số lượng ca ghép mỗi năm. Tuy nhiên, lượng mô tạng hiến chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu thực tế.
Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, lượng người hiến sống ở Việt Nam vẫn chiếm 95%, trong khi ở các nước phát triển như Tây Ban Nha, Hàn Quốc… hơn 50% nguồn hiến đến từ người chết não.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên nhân là tâm lý người Việt Nam còn cho rằng người chết cần phải toàn thây; công tác vận động, tuyên truyền chưa sát sao, cơ chế chính sách chưa phù hợp, chưa đủ.
Gần đây mới có sự chuyển biến, có sự vận động của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sau sự kiện Thủ tướng đến Bệnh viện Việt Đức vận động hiến tạng, đồng thời, Thủ tướng và gia đình cũng đăng ký hiến tạng, lượng người đăng ký hiến tăng lên gần 10.000 người. Điều này cho thấy vai trò của người vận động là cực kỳ quan trọng.
Nguyên nhân thứ 3 được Thứ trưởng đề cập là thể chế chính sách chưa toàn diện. Tiếp đó là công tác vận động chưa được xây dựng và hoàn thiện, hoạt động điều phối của các bệnh viện chưa chặt chẽ.
Hiện mới có 23 bệnh viện tuyến trung ương có tổ tư vấn, và tổ này không có cơ chế gì. Vì thế, việc xây dựng chính sách về các hoạt động tư vấn, vận động là rất cần thiết, để sớm có hành lang pháp lý, cơ chế phù hợp.
Tại hội nghị, PGS.TS. Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia - nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng tổ tư vấn hiến mô tạng tại các bệnh viện và chi phí tư vấn, điều phối. Chí phí cho người bệnh ghép và thuốc chống thải ghép theo thời gian sẽ rẻ hơn lọc máu, chạy thận nhân tạo.
“Để chuyên ngành ghép phát triển hơn, bền vững hơn, công bằng hơn, giảm giá điều trị bệnh nhân bệnh, cần thiết thành lập tổ tư vấn tại các bệnh viện có nguồn chết não tiềm năng hiến cũng như cần xây dựng chi phí cho các hoạt động tư vấn, điều phối…” - PGS.TS. Đồng Văn Hệ khẳng định.
PGS.TS Lê Văn Thành - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật gan mật tụy, Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) - đề xuất chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) 100% cho phẫu thuật hiến gan. Chi phí người hiến gan khỏe mạnh ~ 300.000.000 nhưng hiện chưa được BHYT chi trả 100% dịch vụ.
Đại diện đơn vị vừa có ca ghép phổi thành công, TS. BSCC. Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - đưa ra các chi phí cụ thể cho một ca ghép phổi và đề xuất BHYT chi trả cho các chi phí này, để kỹ thuật ghép tạng ngày càng phát triển.
“Ghép phổi là kỹ thuật phức tạp nhất trong các phẫu thuật lồng ngực. Phát triển chương trình ghép phổi giúp chuẩn bị tốt hơn về kỹ thuật, cải thiện tiên lượng sau ghép. Thực hiện ghép phổi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kỹ thuật mới, góp phần đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc trong khu vực” - ông Lượng chia sẻ.
TS.BS Nguyễn Thanh Xuân (Bệnh viện Trung ương Huế) đề xuất xây dựng cơ cấu giá ghép tạng làm cơ sở cho BHYT thanh toán, áp dụng chung cho tất cả các cơ sở y tế trong cả nước; Thành lập quỹ hỗ trợ nhân đạo, để giúp phần nào khó khăn cho người bệnh, người hiến và giảm áp lực cho cơ sở y tế thực hiện lấy, ghép; Chính sách thanh toán toàn bộ chi phí lấy tạng, chăm sóc hồi phục sức khỏe ngay sau khi hiến và định kỳ kiểm tra sức khỏe ngay tại cơ sở y tế đã hiến tạng hoặc nơi gần nhất thuận lợi cho người hiến.
Ông Xuân cũng cho rằng cần có quy định tôn vinh người đã hiến mô, tạng khi còn sống, cấp BHYT suốt đời và thẻ BHYT này phải được ưu tiên khám, chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào phù hợp và được thanh toán ở hạn mức cao nhất 100%; kèm theo các chế độ ưu đãi đặc thù khác, khen thưởng.
Bên cạnh đó đề xuất xây dựng cơ chế thanh toán chi phí điều trị và hồi sức cho người hiến tạng chết não, chi phí đánh giá chức năng tạng, phẫu thuật lấy tạng, vận chuyển tạng (tàu xe, máy bay, bác sĩ, kỹ thuật viên…); xây dựng nguồn quỹ, cơ chế thanh toán liên quan đến người hiến chết não như: chi phí tổ chức tang lễ, mai táng…
Theo ông Xuân, bố mẹ, vợ (chồng), con của người hiến tạng sau khi chết được cấp thẻ BHYT miễn phí suốt đời và được thanh toán ở hạn mức cao nhất; được ưu tiên nhận tạng trong trường hợp không may mắc bệnh cần ghép tạng. Nguồn quỹ hỗ trợ nuôi con người hiến tạng sau khi chết đến đủ 18 tuổi.
Đại diện của đơn vị ghép tạng nhiều nhất Việt Nam, TS. Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - cũng đưa ra chi phí cho hồi sức chết não và chi phí ghép tim, từ đó đề xuất: Cần có chính sách động viên cụ thể để phát triển được kỹ thuật. Cũng cần có cơ chế rõ ràng về tài chính để tri ân những gia đình hiến não, hương hoa cho người hiến tạng chết não.
Tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam - đánh giá việc Bộ Y tế tổ chức hội thảo này rất cần thiết.
Bà Tiến cho biết quy trình là chìa khóa thành công của Tây Ban Nha - một trong những nước rất thành công về hiến, ghép tạng. Do đó, Việt Nam cần hoàn thiện được quy trình từ hiến đến ghép, mới đề xuất được chi phí. Phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, có văn bản hướng dẫn các đơn vị cụ thể.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Ban Tổ chức hội thảo cần báo cáo Bộ Y tế cụ thể về công tác hiến, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất cụ thể như cơ chế tài chính, đầu mối về chính sách, con người, chế độ, cơ chế chính … Từ đó, Bộ Y tế sẽ tổ chức họp với các bộ, ban, ngành liên quan, các vụ của Quốc hội, đơn vị trực thuộc để sớm có cơ chế chính sách và tăng cường hoàn thiện cơ chế chính sách.