Xây dựng chuẩn đầu ra: Gắn kết tốt hơn giữa đào tạo với thị trường lao động, việc làm

Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung ký kết hợp tác với một doanh nghiệp về việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực nhằm bảo đảm việc làm cho người học. Ảnh: THÚY HẰNG

Hiện nay, chuẩn đầu ra được sử dụng ngày càng phổ biến trong việc phát triển các khung trình độ, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn nghề. Đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, mục đích chính của xây dựng chuẩn đầu ra trình độ trung cấp, cao đẳng là nhằm gắn kết tốt hơn giữa đào tạo với thị trường lao động và việc làm.

Cơ sở định hình mục tiêu đào tạo

Theo các trường, từ ngày có chuẩn đầu ra chung, đầu ra đào tạo của các trường cũng được xem là chuẩn đầu vào của doanh nghiệp. Hay nói một cách khác, chuẩn đầu ra được hiểu là sự khẳng định (cam kết) của cơ sở đào tạo đối với người học, gia đình và doanh nghiệp, mong muốn người học sau khi tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, chuẩn đầu ra là cơ sở định hình mục tiêu của chương trình đào tạo và là cơ sở để xây dựng chương trình đào tạo của các trường. Nội dung của chuẩn đầu ra gồm các yếu tố: Hệ thống kiến thức; Kỹ năng người học cần phải có sau khi đào tạo; ý thức về năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm (còn được gọi là thái độ) mà người học phải có. Xây dựng chuẩn đầu ra nhằm hướng đến công khai với xã hội, người học và người sử dụng lao động biết về chuẩn năng lực nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề, loại hình công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp…

Năm 2018, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung được Bộ LĐ-TB-XH chọn xây dựng chuẩn đầu ra nghề Công nghệ kỹ thuật hóa học. Theo đó, chuẩn đầu ra được xây dựng dựa trên cơ sở của Thông tư 12/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB-XH quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng. Theo TS Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Hiệu trưởng nhà trường, về khối lượng kiến thức, học sinh, sinh viên cần phải đạt được số tín chỉ cần 35-50 đối với trình độ trung cấp; 60 tín chỉ đối với trình độ cao đẳng; khối lượng kiến thức lý thuyết chiếm từ 30-50%, thực hành từ 50-70%... “Trong một hệ thống giáo dục, cùng đào tạo một nghề nhưng mỗi trường sẽ cho ra các chuẩn đầu ra khác nhau, tùy thuộc vào năng lực và điều kiện của mỗi trường. Đây là một điểm yếu đang được các trường khắc phục từ khi có chuẩn đầu ra chung. Bởi dựa trên chuẩn đầu ra này các trường có cơ sở xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung chương trình đào tạo phù hợp với quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả học tập của người học, đặc biệt là xác định và đánh giá những gì người học thể hiện được”, TS Nguyễn Thị Kim Ngọc nói.

Tương tự Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cũng đã thành công trong việc xây dựng chuẩn đầu ra nghề Cơ điện lạnh thủy sản và vận hành sửa chữa thiết bị điện lạnh do Bộ LĐ-TB-XH chọn. TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Trên cơ sở của chuẩn đầu ra, nhà trường đã công khai với xã hội, người học và người sử dụng lao động biết được chuẩn năng lực nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề, loại hình công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp. Chuẩn đầu ra chung được Bộ LĐ-TB-XH ban hành đã tạo khung tiêu chuẩn thiết yếu giúp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chuẩn đầu ra cho từng môn học, mô đun hoặc cho các chuyên ngành chuyên sâu, đặc thù.

Nhiều nghề đã có chuẩn đầu ra chung sẽ giúp người học chủ động được việc lựa chọn nghề theo học. Trong ảnh: Sinh viên học nghề tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Ảnh: THÚY HẰNG

Nhiều nghề đã có chuẩn đầu ra chung sẽ giúp người học chủ động được việc lựa chọn nghề theo học. Trong ảnh: Sinh viên học nghề tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Ảnh: THÚY HẰNG

Chuẩn đầu ra đào tạo - Chuẩn đầu vào của doanh nghiệp

Trong năm 2019, Bộ LĐ-TB-XH đã thẩm định và ban hành chuẩn đầu ra chung của 194 nghề. Năm 2020, bộ này sẽ thẩm định và ban hành thêm 90 nghề nữa. Trong đó, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung xây dựng chuẩn đầu ra hai nghề Hóa phân tích và Khoan khai thác mỏ.

Chuẩn đầu ra các trình độ giáo dục nghề nghiệp sau khi được ban hành được xem là sự công khai hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn nhằm bảo đảm và khẳng định về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cả về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm, vị trí và khả năng đảm đương công việc của sinh viên tốt nghiệp. Trong quá trình xây dựng chuẩn đầu ra buộc các cơ sở đào tạo phải liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo việc đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. “Chuẩn đầu ra phải được xây dựng từ nhu cầu thực tế, từ vị trí việc làm xác định. Vì vậy đòi hỏi cơ sở đào tạo phải có sự nghiên cứu thực tế việc sử dụng nhân lực đang diễn ra tại các doanh nghiệp. Chính yêu cầu này tạo cho mối liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ hơn”, TS Đặng Văn Lái cho hay.

Theo các trường, từ ngày có chuẩn đầu ra chung, đầu ra đào tạo của các trường cũng được xem là chuẩn đầu vào của doanh nghiệp. Hay nói một cách khác, chuẩn đầu ra được hiểu là sự khẳng định (cam kết) của cơ sở đào tạo đối với người học, gia đình và doanh nghiệp, mong muốn người học sau khi tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tấn Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang cho biết: “Căn cứ vào chuẩn đầu ra, doanh nghiệp sẽ đối chiếu với nhu cầu lao động để tuyển dụng theo nhu cầu của mình; xây dựng đối tác với cơ sở đào tạo để chủ động và phát triển chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Xét từ quan điểm đào tạo nghề thì việc phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu xã hội cần và lấy người học làm trung tâm nhằm đạt được trình độ mà nhà tuyển dụng yêu cầu là rất cần thiết và phù hợp với xu thế hiện nay”.

Còn đối với người học, việc có chuẩn đầu ra cũng sẽ giúp học sinh, sinh viên có cơ sở để lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp với năng lực; biết được những điều mình cần đạt được một cách chi tiết. Sinh viên Lê Hoàng Hưng đang học năm thứ nhất nghề Điện Công nghiệp tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, cho hay: Sau khi tìm hiểu về chuẩn đầu ra nghề Điện Công nghiệp, em thấy mình phù hợp với nghề này nên theo học. Căn cứ vào khối lượng kiến thức cũng như các kỹ năng nghề mà chuẩn đề ra, em sẽ nỗ lực học tập để có thể đảm bảo vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp, như trở thành kỹ thuật viên, thợ sửa chữa điện trong trạm điện, công ty, nhà máy, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện năng và công nghiệp; vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị điện, điện tử và các dây chuyền sản xuất công nghiệp…

Đây cũng chính là định hướng hướng tới thị trường lao động, giúp cho sinh viên tốt nghiệp có thể có việc làm và đáp ứng yêu cầu công việc của doanh nghiệp.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/249944/xay-dung-chuan-dau-ra--gan-ket-tot-hon-giua-dao-tao-voi-thi-truong-lao-dong-viec-lam.html