Xây dựng chuẩn mực văn hóa và con người Việt Nam thời đại mới là thực sự cần thiết
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới là vấn đề tất yếu bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận của dân tộc, của đất nước trong tiến trình hội nhập và phát triển bền vững; đồng thời là nhu cầu khách quan trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu 'dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh'.
Các số liệu thống kê cho thấy, hiện có hơn 70 triệu người, tương đương hơn 70% dân số Việt Nam tham gia môi trường số, trong đó người trẻ chiếm số lượng lớn.
Chúng ta đang có chủ trương xây dựng công dân số, xã hội số, nền kinh tế số nhưng chưa hình thành các chuẩn mực về văn hóa và con người Việt Nam thời kỳ mới trên môi trường số. Trong khi đó, tình trạng loạn chuẩn, lệch chuẩn về văn hóa, đạo đức xã hội đang có dấu hiệu gia tăng với nhiều hình thức phức tạp trên môi trường số.
Vì thế, xây dựng chuẩn mực văn hóa và con người Việt Nam trên môi trường số trở thành vấn đề bức thiết, góp phần hình thành những giá trị văn hóa chuẩn mực trong thời đại số.
Nờ Ô Nô - một TikToker chuyên làm nội dung review đồ ăn câu like, câu view bằng những ngôn từ phản cảm, thô tục; nhiều clip đi ngược lại với truyền thống đạo đức và văn hóa của người Việt.
Trong chuỗi video có chủ đề “Người nghèo ăn gì - Nờ Ô Nô cho ăn đó”, nam TikToker này dùng hàng loạt câu từ mang tính miệt thị, cợt nhả đối với những người dễ bị tổn thương trong xã hội như “Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, “Nghèo mà còn chê đồ ăn” hay “Bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu”. Dù nội dung “bẩn” nhưng video này được lên xu hướng, thu hút hàng triệu lượt xem và hàng ngàn người bình luận chỉ trong 24 giờ.
Trên mạng xã hội, những nội dung phản cảm, làm méo mó hình ảnh người Việt như trên nở rộ như “nấm mọc sau mưa”. Nhiều người cố tình đưa nội dung “loạn, lệch” để câu view, đặc biệt là những câu chuyện đề cập tới đề tài tình dục, sinh lý một cách nhạy cảm, tục tĩu, gây sốc cho nhiều người xem.
Những nội dung khoe giàu, khinh nghèo, coi trọng vật chất, phơi bày lối sống sang chảnh một cách thiếu văn hóa, ít giá trị tinh thần có nơi, có lúc trở thành một xu hướng. Điều nguy hiểm là những nội dung này có lượng tương tác rất cao, được chia sẻ nhiều và nhận được không ít bình luận tán thưởng.
Lý giải về nguyên nhân của sự lệch chuẩn và loạn chuẩn về đạo đức, văn hóa trên mạng xã hội, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung chia sẻ: “Chúng ta đang sống trong thời đại văn hóa 4.0, có thể mô tả với mấy đặc điểm: Biến động, chóng mặt và khôn lường. Trong sự thay đổi chóng mặt đó, mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, nhiều niềm tin bị đổ vỡ. Điều này khiến con người ta trở nên hoang mang, không rõ đâu là đúng - sai, phải - trái, chân - giả, thiện - ác, chính - tà”.
Ông Giản Tư Trung cũng cho rằng, chúng ta mới chỉ chú ý đến thời đại 4.0 ở khía cạnh công nghệ mà ít chú ý tới khía cạnh văn hóa. Nếu chỉ dùng một từ để diễn tả thời đại 4.0 ở khía cạnh văn hóa thì đó là “loạn chuẩn”. Một biểu hiện rõ nhất của sự “loạn chuẩn” trong xã hội hiện nay đó là có quá nhiều người không minh định được sự khác nhau giữa tự do và hoang dã, giữa đức tin và mê tín, giữa chân thật và trơ trẽn, giữa cá tính và quái tính,...
TS Diêu Lan Phương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn, nhận định: "Có sự “lệch chuẩn” như ta gọi hiện nay, theo tôi, nguyên nhân đầu tiên là vì hệ thống chuẩn mực chúng ta chưa rõ ràng, chưa được ban hành thành văn bản, chưa được thiết chế hóa, nhất là trên môi trường số. Bên cạnh đó, lượng thông tin của con người tiếp nhận trong thời đại 4.0 quá lớn, dẫn đến dễ bị nhiễu, “lệch chuẩn” hoặc không biết thế nào là chuẩn. Mặt khác, hiện nay là thời đại toàn cầu hóa, thế giới phẳng nên sự giao thoa hay đa văn hóa cũng diễn ra trên nhiều quốc gia (cho nên con người có thể học cách nhìn mới về văn hóa, vì văn hóa cũng có tính biến đổi, tính lịch sử nhất định). Ngoài ra, văn hóa thường gắn liền với đạo đức. Sự “lệch đạo đức” của một số con người hiện nay có nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi, một trong những nguyên nhân quan trọng đến từ giáo dục gia đình và nhà trường".
TS-KTS Nguyễn Thu Hạnh lý giải sự lệch chuẩn đạo đức và văn hóa trên môi trường số đến từ thực tế nhiều người Việt Nam tiếp nhận một lượng thông tin ồ ạt lai tạp, tốt - xấu, trắng - đen lẫn lộn trong thời đại số nhưng lại thiếu nền tảng tri thức, thiếu “sức đề kháng” trước những trào lưu văn hóa lai căng, kệch cỡm, xa lạ với giá trị tinh thần cốt lõi của dân tộc.
Điều này dẫn đến “lệch chuẩn” các giá trị đạo đức và văn hóa trên môi trường số. Nhưng môi trường số cũng là tấm gương phản ánh thực trạng xã hội hiện nay. Trong đó, các thang bậc giá trị truyền thống cũng đang thay đổi, thậm chí đảo lộn. Con người có xu hướng coi trọng vật chất, ít đề cao giá trị tinh thần, một bộ phận sống ích kỷ, hưởng thụ và có phần vô cảm.
Khi con người dịch chuyển đời sống sang môi trường số vốn có tính ẩn danh cao và ảo, sự lệch chuẩn, loạn văn hóa, đạo đức càng trở nên đáng báo động.
Giáo sư Hồ Sỹ Quý - nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, rất nhiều hành vi và hiện tượng xã hội ở Việt Nam hiện nay bị coi là lệch chuẩn, không chỉ về đạo đức, văn hóa mà còn cả về chuẩn pháp lý. Chính vì vậy, vấn đề xây dựng chuẩn mực văn hóa và con người Việt Nam thời kỳ mới trên không gian số được đặt ra thực sự cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay./.