Xây dựng chuỗi cung ứng nông sản, đặc sản Việt đa kênh
Việc hình thành môi trường kinh doanh theo phương thức hiện đại, giảm chi phí trung gian, ổn định nguồn cung ứng hàng hóa với giá cả hợp lý... sẽ tăng hiệu quả chương trình bình ổn thị trường.
Thực hiện chỉ đạo của UBND Tp. Hồ Chí Minh về việc hỗ trợ kết nối, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương, ngành công thương thành phố đã đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng đa kênh.
Đồng thời, với sự nhập cuộc của chính quyền quận, huyện và thành phố Thủ Đức, hàng sản phẩm nông sản, đặc sản Việt đang từng bước tìm được đầu ra tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, địa phương được định hướng đến năm 2030 cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao. Tuy nhiên nông nghiệp được xác định là ngành kinh tế quan trọng chiếm tỷ trọng đứng thứ hai, sau ngành thương mại dịch vụ. Nông nghiệp huyện Cần Giờ cung cấp sản phẩm thực phẩm cho thành phố, các tỉnh lân cận, cung ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến sản phẩm OCOP và phục vụ du khách đến tham quan nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện.
Ông Trương Tiến Triển chia sẻ thêm, từ giai đoạn đầu phát triển chuỗi giá trị yến sào Cần Giờ cho đến hiện nay, việc xây dựng quy trình sản xuất khép kín, kiểm soát chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn hóa chất lượng… tương đối thuận lợi và là cơ sở bền vững để xây dựng và phát triển thương hiệu yến sào Cần Giờ trở thành thương hiệu nông đặc sản Tp. Hồ Chí Minh. Sản phẩm yến sào có giá trị cao, mang lại giá trị kinh tế lớn, nên được định vị thương hiệu ở phân khúc cao cấp có thể trở thành vật phẩm đặc sắc để thành phố làm quà tặng, vật phẩm ngoại giao của thành phố.
Tại huyện Cần Giờ, có thể kể đến sản phẩm nông nghiệp chủ lực tôm nước lợ đạt sản lượng hàng năm đạt 7.000 – 8.000 tấn; cá dứa khoảng 800 tấn/năm; muối thô 100.000 tấn/năm; xoài cát 2.000 tấn/năm; yến thô 14 tấn/năm... Đến nay, Cần Giờ có 18 sản phẩm tham gia phân hạng OCOP đã được UBND Tp. Hồ Chí Minh phê duyệt, trong đó 12 sản phẩm đạt 4 sao và 6 sản phẩm 3 sao.
Mới đây, UBND huyện Cần Giờ đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Tiki (sàn thương mại điện tử Tiki) thực hiện chương trình xây dựng thương hiện nông sản Cần Giờ không nằm ngoài mục tiêu giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng trên đa kênh phân phối, bán lẻ. Qua hoạt động kết nối cung – cầu tiêu thụ sản phẩm, ngoài xây dựng thương hiệu, còn xúc tiến quảng bá thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Cần Giờ.
Trong khi đó, UBND quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh, vừa tổ chức Hội thi Ẩm thực sông nước Nam Bộ, nhận được sự hưởng ứng của nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn quận. Cụ thể, 1 giải nhất thuộc về UBND phường 4; 2 giải nhì lần lượt thuộc về Trường mầm non 13 và Trường trung học Hoàng Văn Thụ; 3 giải ba lần lượt thuộc về Hội doanh nghiệp quận Tân Bình, chợ Võ Thành Trang, UBND phường 6.
Bà Thái Thị Lan Chi, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho hay, Hội thi Ẩm thực sông nước Nam Bộ vừa là hoạt động hưởng ứng Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 1 năm 2023, vừa đẩy mạnh giới thiệu những món ăn đậm chất sông nước Nam bộ từ những hộ kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực trên địa bàn quận. Đây còn là sự kiện mà UBND quận Tân Bình dự kiến tổ chức thường niên, nhằm tạo ra điểm đến thu hút người tiêu dùng thành phố và khách du lịch, cũng như kích cầu thương mại, tiêu thụ hàng sản phẩm địa phương.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm - tiêu dùng, Công ty TNHH Tiki (sàn thương mại điện tử Tiki) cho hay, xuất phát từ mong muốn đồng hành cùng đơn vị sản xuất kinh doanh nông sản, đặc sản Việt, đội ngũ Tiki đã phối với các bên nghiên cứu, huy động nguồn lực hợp tác với sở, ngành địa phương tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở này, chương trình "1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP" được ra đời, nhằm mang lại giá bán sản phẩm tương ứng giá trị, sức tiêu thụ ổn định cho những sản phẩm đảm bảo về xuất xứ, chất lượng... trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Những mục tiêu của chương trình được hiện thực hóa bằng hoạt động trưng bày và bán tối tiểu 1.000 sản phẩm OCOP, ưu tiên sản phẩm OCOP đạt 4-5 sao của tất cả tỉnh, thành; xây dựng mỗi địa phương một gian hàng OCOP; triển khai ngày hội đặc sản... Bên cạnh đó, Tiki sẽ tham gia cùng sở, ngành tạo môi trường, hệ thống công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đến được với người tiêu dùng cả nước thông qua môi trường thương mại điện tử.
Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho hay, hình thành môi trường kinh doanh theo phương thức hiện đại, giảm chi phí trung gian, ổn định nguồn cung ứng hàng hóa với giá cả hợp lý... sẽ tăng hiệu quả chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố. Do do, cùng với sàn thương mại điện tử Tiki, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố còn hợp tác với Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam xây dựng sàn giao dịch thịt lợn Tp. Hồ Chí Minh.
Sàn giao dịch thịt lợn Tp. Hồ Chí Minh dự kiến vận hành theo phương thức tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại, tương thích và có thể liên thông thị trường hàng hóa thế giới. Sàn này cũng phải đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thực trạng chăn nuôi và kinh doanh thịt lợn trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam và cả nước.
Ông Nguyễn Nguyên Phương chỉ ra rằng, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản, đặc sản Việt đa kênh sẽ thúc đẩy tái cơ cấu và chuẩn hóa quy trình chăn nuôi, chế biến, sản xuất những ngành hàng này. Cụ thể, sàn giao dịch thịt lợn Tp. Hồ Chí Minh được kỳ vọng trở thành công cụ hỗ trợ thực hiện chủ trương quy hoạch và đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở giết mổ công nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Đồng quan điểm, bà Võ Phương Thúy, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đánh giá, Tp. Hồ Chí Minh không chỉ là một trong những thị trường tiêu thụ lớn của cả nước, mà còn là trung tâm giao thương và trung chuyển hàng hóa địa hương ra thị trường nội địa và toàn cầu. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa ngày càng phát triển theo xu hướng sâu rộng, đa kênh như cung ứng nông sản, đặc sản Việt ra thị trường bằng kênh thương mại điện tử, sàn giao dịch hàng hóa sẽ "chắp cánh" cho hàng hóa địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Với bối cảnh thói quen người tiêu dùng thay đổi theo xu hướng mua sắm trực tuyến (online) và thị trường thương mại tự do mở ra cơ hội giao thương xuyên biên giới, một số chuyên gia cho rằng, cung ứng nông sản, đặc sản Việt ra thị trường bằng kênh thương mại điện tử là yêu cầu tất yếu của doanh nghiệp và quốc gia. Mặt khác, hàng hóa muốn thâm nhập vào thị trường online phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn, ứng dụng công nghệ tiếp thị mới... sẽ góp phần đẩy mạnh làn sóng số hóa và chuyển đổi số trong mạng lưới bán lẻ, phân phối, thương mại Việt, cũng như kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xay-dung-chuoi-cung-ung-nong-san-dac-san-viet-da-kenh/303604.html