Xây dựng chuỗi liên kết cho ngành Gỗ
Là một trong những ngành Công nghiệp sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai và cả nước, có nhiều tiềm năng nhưng ngành Gỗ đang đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số thách thức lớn là phải xây dựng được nguồn nguyên liệu hợp pháp, đáp ứng đủ cho nhu cầu chế biến gỗ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Để phát triển bền vững, Đồng Nai đang nỗ lực phối hợp cùng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn hợp tác, xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ trồng rừng đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ.
* Ngành Công nghiệp chủ lực
Ngành chế biến Gỗ Đồng Nai đã và đang tiếp tục có vị trí quan trọng trong ngành Công nghiệp tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.454 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh chế biến gỗ, trong đó có 904 cơ sở là các DN và 550 cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình. Và hiện chỉ có 115/904 DN (chiếm 12,7%) có nhà máy đặt trong các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN), tập trung đa số là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có quy mô vốn lớn, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại và có kinh nghiệm sản xuất, hầu hết các sản phẩm của họ đều hướng đến xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Như vậy, có thể thấy số DN hoạt động ngành chế biến Gỗ trên địa bàn Đồng Nai có nhà máy nằm ngoài KCN, CCN còn chiếm tỷ lệ khá lớn (87,3% tổng số DN). Đây cũng là vấn đề lớn đặt ra cho ngành chế biến Gỗ của tỉnh.
Từ năm 2015 đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ Đồng Nai đều tăng. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt gần 1,4 tỷ USD, năm 2019 là 1,51 tỷ USD. Sản phẩm gỗ xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới, trong đó chủ yếu là Hoa Kỳ (trên 64%), Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…
Việc tập trung vào thị trường lớn này một mặt tạo ra sức tiêu thụ lớn, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng đầy những rủi ro khi chính các thị trường này có những biến động bất lợi. Vì vậy, ngoài việc duy trì khả năng tiêu thụ trên các thị trường lớn đã có, các DN cần đẩy mạnh phát triển các thị trường tiềm năng khác. Bên cạnh đó, thị trường nội địa cũng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất đồ gỗ. Đồng Nai là địa phương có truyền thống sản xuất gỗ lâu đời với khu vực sản xuất đồ gỗ truyền thống Hố Nai nổi tiếng cả nước, đã tạo ra được nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, chủng loại phong phú, đa dạng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Đối với nguồn nguyên liệu cho chế biến, qua khảo sát của Chi cục Kiểm lâm, nguyên liệu gỗ chủ yếu sử dụng nguồn gốc gỗ từ nhập khẩu (chiếm 49,3%); kế đến là sử dụng gỗ cao su trong nước (19,2%); khai thác, tận dụng, tận thu từ rừng trồng sản xuất (14,1%); gỗ vườn nhà, trang trại và cây phân tán (12,7%). Trong đó, nguồn gỗ nhập khẩu, ngoài một số DN tự nhập khẩu gỗ về sản xuất thì tại Đồng Nai có Công ty CP Tân Vĩnh Cửu đã xây dựng được một hệ thống phân phối gỗ nguyên liệu chuyên nghiệp và hợp pháp, là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng nguyên liệu của ngành Gỗ Việt Nam nói riêng và ngành Gỗ thế giới nói chung.
Riêng nguồn nguyên liệu gỗ nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Tỉnh có khoảng 80 DN kinh doanh nguyên liệu gỗ nên mức độ cạnh tranh cao, tuy nhiên việc kinh doanh gỗ còn nhỏ lẻ, có sự chênh lệch đáng kể giữa các nhà cung ứng về giá và chất lượng gỗ đầu vào. Nguyên liệu gỗ luôn tồn kho ở mức khá cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất theo thời vụ, giá luôn biến động tăng trong thời điểm chính vụ sản xuất.
* Khó khăn trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất
Để ngành Gỗ phát triển bền vững, phải xây dựng chuỗi liên kết sản xuất trong DN từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến sản xuất và khâu tiêu thụ sản phẩm. Chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp (đối với rừng sản xuất) bao gồm từ khâu sản xuất giống - trồng, chăm sóc - quản lý bảo vệ rừng - khai thác, vận xuất, vận chuyển - chế biến và tiêu thụ (bao gồm cả thị trường trong lẫn ngoài nước). Hiện Đồng Nai chưa có liên kết chuỗi sản xuất khép kín, tuy nhiên đã hình thành một số khâu liên kết cơ bản trong thực hiện chuỗi liên kết tại các đơn vị chủ rừng.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc liên kết trồng rừng trên diện tích hơn 2,1 ngàn ha với 5 DN sản xuất gỗ. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà đang tổ chức khai thác rừng và tiêu thụ sản phẩm gỗ tròn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC của Hội đồng Quản trị rừng quốc tế FSC cho các đơn vị sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu trong khu vực Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM. Hiện công ty đã được cấp chứng chỉ bảo vệ rừng FSC hơn 7.500ha (rừng trồng keo lai khoảng 2,5 ngàn ha, rừng trồng tếch: 1,5 ngàn ha, rừng trồng gỗ hỗn giao các loại: 3 ngàn ha). Trong những năm qua, công ty đã xây dựng được hệ thống khách hàng tiềm năng rộng lớn trong cả nước đặc biệt là khu vực Đông Nam bộ.
Tuy bước đầu đã có một số liên kết song nhìn nhận một cách khách quan, sản xuất gỗ của tỉnh vẫn… trong tình trạng "mạnh ai nấy làm", chưa có sự liên kết khép kín của quy trình sản xuất. Mức độ liên kết giữa các hộ dân trong việc tham gia HTX, tổ hợp tác liên kết với DN, quy mô sản xuất thực hiện liên kết còn thấp. Liên kết với các DN từ khâu cung ứng đầu vào cho đến quá trình sản xuất hàng hóa, lưu thông sản phẩm còn hạn chế. Các chính sách hỗ trợ vốn cho HTX đã được ban hành nhưng thực tế các HTX tiếp cận được với nguồn vốn vay còn rất thấp do không có tài sản thế chấp hoặc phương án sản xuất, kinh doanh chưa khả thi nên không đảm bảo khả năng thanh toán nợ.
Bên cạnh quy mô nhỏ lẻ, các nguồn lực hỗ trợ hạn chế thì nguồn nguyên liệu trong tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Nguyên liệu đầu vào phải có chứng chỉ xuất xứ nhưng nguồn gỗ trong nước đa số chưa có chứng chỉ FSC nên phụ thuộc vào nhập khẩu. Do vậy, khi giá nguyên liệu nhập khẩu gỗ tăng, DN không chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất.
Để tạo nguồn, theo các DN, cần đoàn kết các nông dân, tổ chức trồng lại rừng với diện tích kết hợp đủ lớn, tạo cơ sở cho việc được chứng nhận quản lý rừng bền vững, giúp người trồng rừng hiểu rõ giá trị của FSC và từ đó có ý thức duy trì, tạo sức cạnh tranh về nguồn cung gỗ sau khi được cấp chứng nhận. Đây là biện pháp đòi hỏi thời gian dài và sự vào cuộc của nhiều phía.
“Chúng tôi đã trực tiếp gặp gỡ người dân 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế để xây dựng nguồn nguyên liệu. Thông qua việc tài trợ dự án trồng rừng hợp pháp, nâng cao nhận thức của người dân trong việc quản lý rừng bền vững là giải pháp lâu dài. Muốn chuỗi bền vững thì phải đi tới được với người trồng rừng” - bà Đinh Diễm Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Scansia Pacific (H.Nhơn Trạch) chia sẻ.
Một khó khăn nữa của ngành Gỗ là DN nhỏ thường làm gia công, sản phẩm xuất khẩu phải sử dụng thương hiệu của các DN có uy tín nên thường bị ép về giá, bất lợi trong quá trình đàm phán ký hợp đồng. Những yếu tố này khiến giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ chưa đạt mức cao và làm giảm tính cạnh tranh về giá thành, thị trường tiêu thụ.
Theo ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, để chuyển dịch ngành Gỗ từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, yêu cầu đầu tư công nghệ thiết bị, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, lao động được đào tạo có kinh nghiệm. Một số chuỗi liên kết đã dần hình thành tự phát, do nhu cầu phát triển của các nhóm DN, chưa có sự hỗ trợ và gắn kết từ phía Nhà nước, nhưng cũng đã có một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, đánh giá chung cho thấy việc liên kết chuỗi đến nay còn chưa hiệu quả, các chuỗi còn ít về số lượng, hạn chế về quy mô.
Đồng Nai cũng đang thực hiện đề án sản xuất, chế biến lâm sản bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc liên kết với người dân phát triển rừng trồng hợp pháp, đúng quy chuẩn là cách phát triển bền vững ngành chế biến Gỗ. Mô hình này tạo ra lợi thế về giá và có nguồn nguyên liệu bền vững, cắt giảm được khâu trung gian, lại góp phần bảo vệ môi trường sống. “Mong muốn của chúng tôi là trong thời gian tới, các DN sản xuất ngành Gỗ cùng hợp sức với địa phương để hình thành nên vùng nguyên liệu rộng lớn, có chứng chỉ FSC, gắn kết từ các tổ chức, hộ gia đình trồng rừng đến nhà máy sản xuất” - ông Lê Văn Gọi kỳ vọng.