Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất thủy sản

Những năm gần đây, nuôi thủy sản phát triển mạnh cả về diện tích mặt nước, năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế và dần khẳng định vị trí quan trọng trong ngành nông nghiệp của tỉnh.

Toàn tỉnh có hơn 2.250 ha ao, hồ nhỏ nuôi thủy sản; hơn 57.000 m3 bể nuôi cá nước lạnh; gần 500 lồng bè nuôi cá trên sông, hồ với thể tích khoảng 15.000 m3. Năm 2021, sản lượng thủy sản của tỉnh đạt trên 9.800 tấn, giá trị khoảng 450 tỷ đồng, tạo việc làm cho 8.000 lao động. Để thúc đẩy ngành thủy sản phát triển theo hướng nâng cao giá trị, bền vững, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và có các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp.

Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô, diện tích nuôi thủy sản đang đặt ra bài toán phát triển các khâu chế biến, bảo quản, phân phối phù hợp với quy luật cung cầu thay đổi liên tục của thị trường. Bởi theo khảo sát, hiện nay sản phẩm thủy sản của tỉnh chủ yếu xuất bán trực tiếp tươi sống ra thị trường. Chỉ có số lượng nhỏ thủy sản nước lạnh được sơ chế, chế biến sâu thành các sản phẩm có thể vận chuyển tiêu thụ ở xa, thời gian bảo quản dài.

Phát triển thủy sản là thế mạnh của nhiều địa phương trong tỉnh.

Phát triển thủy sản là thế mạnh của nhiều địa phương trong tỉnh.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng kỹ thuật sản xuất thủy sản theo hướng hàng hóa còn hạn chế, công nghệ chế biến sản phẩm thủy sản chưa phù hợp, nên giá trị sản phẩm thấp, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của tỉnh. Vì thế, sản phẩm thủy sản có thời điểm khó tiêu thụ, giá thành thấp, không tiêu thụ được. Đơn cử như thời điểm thị trường du lịch đóng cửa do dịch Covid-19, các mặt hàng thủy sản của tỉnh rớt giá, thua lỗ. Giá cá trắm cỏ giảm xuống còn 60.000 - 65.000 đồng/kg, cá chép 40.000 - 45.000 đồng/kg, cá rô phi đơn tính 30.000 - 33.000 đồng/kg, cá hồi 160.000 - 165.000 đồng/kg, cá tầm 130.000 đồng/kg.

Thị trấn Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng) có hơn 160 ha ao nuôi thủy sản, người dân nơi đây làm giàu bằng nghề nuôi cá. Những năm qua, khi diện tích ao nuôi ngày càng mở rộng đặt ra bài toán khó trong tiêu thụ sản phẩm. Gia đình anh Phạm Đức Công, thôn Khởi Khe có 3 ao nuôi cá với diện tích hơn 1 ha gồm các loại chép, rô phi, trắm cỏ. Tất cả ao nuôi được xây bờ, có hệ thống nước vào, ra, lắp hệ thống máy sục khí, máy cho cá ăn tự động. Anh Công cho biết: Mặc dù mỗi lần kéo cá có thương lái đến tận ao bắt nhưng giá cả không ổn định, có khi còn bị ép giá nhưng không có đầu ra nào khác nên vẫn phải bán. Có khi cá đến kỳ xuất bán nhưng chưa có thương lái mua nên vẫn phải nuôi tiếp.

Bài toán đầu ra ổn định cần có lời giải phù hợp, bởi hơn 9.800 tấn thủy sản khai thác và đánh bắt hằng năm trên địa bàn tỉnh hầu như phụ thuộc vào thương lái và thị trường tự do trong tỉnh, chưa thiết lập được các kênh tiêu thụ đến các thị trường lớn; chưa xây dựng được các hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các bên sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã hình thành các chuỗi liên kết nuôi thủy sản, thu mua thủy sản nhưng mới chỉ dừng ở khâu cung cấp đầu vào là con giống, thức ăn, chưa có cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm, trong khi giá trị gia tăng đối với mặt hàng thủy sản lại chủ yếu do khâu chế biến, đóng gói và hoạt động thương mại mang lại.

Hợp tác xã chế biến thủy sản, cá hồi, cá tầm Thức Mai, xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa) hiện là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bà Phạm Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Trước đây, đơn vị chỉ tập trung nuôi cá tầm, cá hồi thương phẩm cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng. Có nhiều thời điểm giá cá xuống thấp, khó tiêu thụ, loại cá này không thể vận chuyển sống đi tiêu thụ xa được nên hợp tác xã đầu tư chế biến sâu sản phẩm.

Sau khi đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ chế biến, mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi cá và đã được chính quyền xã, đơn vị chức năng của thị xã hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đánh giá sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm OCOP. Hiện tại, các sản phẩm ruốc cá hồi, xúc xích cá hồi, chả cá hồi, giò cá hồi, cá hồi phi lê, cá hồi cắt khúc, cá hồi hun khói... được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, tin dùng. Sản lượng cá hồi, cá tầm sau chế biến trung bình đạt 30 tấn/năm. Riêng năm 2020, sản lượng cá sau chế biến đạt trên 200 tấn, do thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19, cá tươi không tiêu thụ được đơn vị thu mua cho người dân để chế biến, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Hiện nay, hợp tác xã liên kết với 20 hộ nuôi cá nước lạnh tại địa phương theo hình thức, đơn vị cung cấp giống, thức ăn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch, sản lượng tiêu thụ trên 100 tấn cá/năm.

Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm thủy sản, nhất là chế biến sâu mang lại sự ổn định cho người sản xuất, tránh tình trạng phụ thuộc vào thương lái và sự biến động của thị trường truyền thống. Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện mới có 2 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nuôi và sản xuất thủy sản. Việc thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác chuyên về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản là đòi hỏi bức thiết hiện nay để lĩnh vực này phát triển bền vững.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu phát triển thủy sản tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2030 nhằm phát triển thủy sản theo hướng gia tăng sản xuất hàng hóa, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 20% tổng sản lượng thủy sản. Giải pháp thực hiện đó là hình thành và phát triển các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết nuôi trồng thủy sản gắn với sơ chế, chế biến sản phẩm thủy sản đặc sản và sản phẩm lợi thế của tỉnh. Phát triển các sản phẩm thủy sản đã qua sơ chế, chế biến gắn với phát triển du lịch; tỉnh cũng sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ công nghệ cho tổ hợp tác, hợp tác xã và các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, sơ chế chế biến thủy sản đặc sản và lợi thế tại địa phương.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362613-xay-dung-chuoi-lien-ket-trong-san-xuat-thuy-san