Xây dựng chuỗi lợi ích trong kinh tế nông nghiệp

Đó là đề xuất của ông Võ Điền Trung Dũng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đại Ngư Nghiệp, ở ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú (Trần Đề) trước tình trạng 'được mùa, thất giá' của không ít mặt hàng nông, thủy sản. Chuỗi lợi ích trên theo ông Dũng sẽ được hình thành thông qua việc xây dựng liên kết sản xuất quy mô hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Ngay vụ hành tím năm nay, do nông dân không nắm bắt được nhu cầu thị trường, khiến cho sản lượng hành tồn đọng lớn, giá giảm mạnh, nông dân thua lỗ, tỉnh phải kêu gọi giải cứu. Hay như con cá đù (cá Hồng Mỹ), mấy năm đầu còn ít người nuôi, giá cá lên đến 90.000 đồng/kg, nhưng đến đầu năm nay, chỉ còn 55.000 – 58.000 đồng/kg mà vẫn rất khó bán. Con cá chẽm cũng chịu cảnh giảm giá hơn 1 năm cũng vì cung vượt cầu, khiến khoảng 80% hộ nuôi bỏ nghề, sản lượng sụt giảm mạnh, mới bắt đầu tăng giá trở lại từ đầu năm đến nay.

Con cá đù giá giảm chỉ còn 55.000 – 58.000 đồng/kg, mà nguyên nhân chủ yếu là do cung vượt cầu. Ảnh: TÍCH CHU

Con cá đù giá giảm chỉ còn 55.000 – 58.000 đồng/kg, mà nguyên nhân chủ yếu là do cung vượt cầu. Ảnh: TÍCH CHU

Lý giải về thực trạng trên, ông Võ Điền Trung Dũng, chuyên nuôi cá chẽm và cá đù cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta chưa tổ chức được liên kết sản xuất quy mô hàng hóa và chưa nắm bắt được nhu cầu thị trường. Sự liên kết ở đây cần được hiểu là sự tham gia của nhiều bên có liên quan chứ không chỉ là 4 nhà, với mục tiêu là làm sao đưa sản phẩm ra thị trường bằng con đường hợp tác. Dẫn chứng cho nhận định trên, ông Dũng cho biết: “Thực tế cho thấy, đa số sự thua lỗ của nông dân thời gian qua là do dư thừa sản lượng, hay nói một cách khác là do cung vượt cầu làm cho giá giảm”.

Khi người viết đặt vấn đề con tôm hiện vẫn sản xuất nhỏ lẻ nhưng vẫn được tiêu thụ tốt, ông Dũng cho rằng đó là nhờ con tôm đang có lợi thế riêng so với các mặt hàng nông, thủy sản khác. Ông Dũng phân tích: “Lợi thế lớn nhất của con tôm chính là nhu cầu tiêu thụ lớn nhưng lại không có nhiều quốc gia nuôi được. Vì vậy, trong suốt thời gian qua con tôm chưa bao giờ lâm vào cảnh ế chợ, kể cả ở thời điểm khó khăn nhất do dịch Covid-19 bùng phát thì con tôm vẫn được tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, nếu quan sát thị trường chúng ta sẽ thấy con tôm cũng có chung một thực trạng là mỗi khi sản lượng tăng cao thì giá tôm cũng bị giảm, đặc biệt là ở thời điểm thu hoạch chính vụ. Điều đó cho thấy, yếu tố cung cầu có tác động rất lớn đến giá tiêu thụ”.

Cũng theo ông Dũng, trong sản xuất nông nghiệp hiện đang tồn tại 4 thành phần có tác động không nhỏ đến sản xuất và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sản xuất dư thừa sản lượng so với nhu cầu thị trường tiêu thụ. Thành phần thứ nhất theo ông Dũng là sản xuất kiểu nghiệp dư, phong trào, với chủ yếu là những người không sống bằng nghề nông, nên không nắm vững kỹ thuật và thị trường nhưng sẵn sàng nhảy vào một vài lĩnh vực nông nghiệp nào đó mỗi khi thấy sản phẩm có giá, hay lợi nhuận cao. Thành phần này chiếm tỷ lệ không nhiều và tác động đến cung – cầu, giá cả cũng chỉ trong ngắn hạn. Thành phần thứ hai là làm nông kiểu bán chuyên nghiệp. Đây cũng là thành phần chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất nông nghiệp, sống bằng nghề nông, có hiểu biết thông tin thị trường (đầu vào và đầu ra) nhưng không giao dịch được trực tiếp với các đầu mối mà phụ thuộc chủ yếu vào cấp trung gian là thương lái và đại lý. Đối tượng sản xuất của thành phần này cũng không ổn định mà chủ yếu là chạy theo thị trường mỗi khi có giá, nên đây cũng là nhóm có tác động chính đến cung cầu và giá cả thị trường nông, thủy sản. Thành phần thứ ba là làm nông chuyên nghiệp, gắn bó mật thiết với nghề nông, nên có hiểu biết thông tin (đầu vào và đầu ra), có sử dụng đầu vào trực tiếp từ nhà máy nhưng vẫn chưa chủ động được đầu ra mà phải qua các cấp trung gian. Thành phần thứ tư là rất chuyên nghiệp, nên họ làm nông nghiệp theo tư duy kinh tế nông nghiệp chứ không phải sản xuất nông nghiệp. Họ có điều kiện đầu tư đầy đủ về cơ sở hạ tầng, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và trình độ tổ chức, quản lý sản xuất tốt, quy mô lớn, sử dụng trực tiếp sản phẩm đầu vào từ nhà máy và bán sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng (sản phẩm thô hay qua sơ chế, chế biến). Họ có khả năng dự đoán được tình hình sản xuất, thị hiếu, thị trường tiêu dùng và có khả năng giảm giá thành sản xuất mỗi khi có biến động thị trường.

Để giải quyết tình trạng sản xuất dư thừa dẫn đến giảm giá, khó tiêu thụ, theo ông Dũng chúng ta cần xây dựng chuỗi lợi ích trong kinh tế nông nghiệp, chứ không chỉ dừng lại ở chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Chuỗi lợi ích trong kinh tế nông nghiệp ở đây phải được hiểu là làm sao hài hòa được lợi ích của tất cả các bên, từ người sản xuất cho đến tận người tiêu dùng...

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/xay-dung-chuoi-loi-ich-trong-kinh-te-nong-nghiep-48790.html