Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao
Trong khuôn khổ các hoạt động chính của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, ngày 12/3, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững'.
Tham dự hội thảo có đại diện các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh trồng cà phê, cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp, tập đoàn cùng hợp tác xã tiêu biểu trong lĩnh vực cà phê.
Theo báo cáo tại hội thảo, cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, diện tích hơn 710.000 ha, sản lượng hơn 1,8 triệu tấn/năm. Ngành hàng cà phê đã tạo việc làm và thu nhập cho trên 600.000 hộ nông dân, với 2 triệu lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và một số vùng trồng cà phê khác trên cả nước.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 sau Brazil và đứng thứ nhất về xuất khẩu cà phê Robusta trên thế giới. Cà phê Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2022, xuất khẩu cà phê đạt trên 4 tỷ USD, chiếm hơn 15% thị phần xuất khẩu cà phê thế giới.
Tuy nhiên, cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao. Việc sản xuất tập trung vào khai thác tối đa tiềm năng, năng suất của cây cà phê mà chưa chú trọng nhiều vào phát triển xanh và bền vững.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 Nguyễn Tuấn Hà cho biết, cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Xác định cây cà phê là thế mạnh của ngành kinh tế, quan điểm của tỉnh là không tăng diện tích, tập trung tái canh cà phê theo kế hoạch và thực hiện phát triển cà phê theo hướng xanh bền vững ở cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, phát triển cà phê chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư vào hoạt động chế biến sâu, tìm kiếm thị trường mới được xem là định hướng quan trọng nhằm nâng cao giá trị ngành hàng cà phê của tỉnh.
Việc phát triển cà phê chất lượng cao gắn với phát triển xanh và bền vững được xem là hướng đi phù hợp để nâng tầm ngành hàng cà phê Việt Nam nhằm kích thích và khai thác tiêu dùng thị trường cà phê trong và ngoài nước, nâng cao giá trị xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng cà phê là người nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp.
Tuy vậy, sản xuất cà phê của Việt Nam cũng như ở tỉnh Đắk Lắk vẫn đang gặp nhiều thách thức như ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; khai thác đất quá mức, lạm dụng phân vô cơ, chưa được xử lý triệt để chất thải, thiếu tính bền vững; phần lớn sản xuất chưa phát triển theo hướng chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã được thành lập nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động còn hạn chế; kết cấu hạ tầng sản xuất thiếu đồng bộ, cơ sở chế biến chưa đáp ứng được thực tiễn sản xuất...
Hội thảo "Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững" là dịp gặp gỡ, kết nối giữa các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà đầu tư, chuỗi phân phối, cơ quan ngoại giao, xúc tiến thương mại trên thế giới để cùng nhau đưa ra giải pháp, nhằm thúc đẩy ngành hàng cà phê Việt Nam phát triển xanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Thông qua hội thảo nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh thương hiệu cà phê chất lượng cao Việt Nam đến các doanh nghiệp, người tiêu dùng tại thị trường trong nước và quốc tế.
Tại hội thảo, các bên tham gia trong chuỗi ngành hàng cà phê, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế đã thảo luận, đánh giá những kết quả đã đạt được, thuận lợi, khó khăn, thách thức và chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo cũng như đề xuất các giải pháp để phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Các đại biểu quốc tế cũng chia sẻ thông tin về nhu cầu và thị trường cà phê của các thị trường trên thế giới, từ đó chỉ ra vị thế, cơ hội cho sản phẩm cà phê Việt Nam.
Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để cà phê Việt Nam tăng giá trị không chỉ ở chế biến tinh mà đó là ở giá trị văn hóa tiêu dùng cà phê để đi vào đúng cảm xúc của người tiêu dùng. Do đó, cần xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam để dẫn dắt ngành hàng cà phê trở thành một hướng đi tích hợp đa giá trị, mang tính nhân văn, làm sao để người trồng cà phê được chia sẻ lợi ích nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng. Đồng thời, cần kiến tạo dư địa mới, không gian phát triển sáng tạo các sản phẩm từ quả cà phê; chuẩn hóa quy trình bảo đảm chất lượng, xuất xứ gắn với câu chuyện trải nghiệm thực tế và xu hướng thực phẩm "Sức khỏe - vui vẻ - hài hòa"; lan tỏa các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trong canh tác cà phê như cà phê đa tầng, đa tán hay cà phê cảnh quan đa lợi ích, đa thu nhập.