Xây dựng chương trình giám sát bám sát tình hình thực tiễn
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những tháng cuối năm 2022 và triển khai Chương trình giám sát năm 2023, đại diện TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cho rằng, phải xác định tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, 'mũi nhọn' để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, phải lựa chọn trúng vấn đề quan trọng của đất nước, các vấn đề mà thực tiễn phát sinh khi triển khai các nghị quyết của Quốc hội.
Từng bước cụ thể hóa địa vị pháp lý của Đoàn giám sát, khảo sát
Nhất trí cao với các nội dung chương trình giám sát theo Nghị quyết số 47/2022/QH15 của Quốc hội năm 2023 và Nghị quyết số 23/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, đây đều là những nội dung rất lớn, quan trọng, trúng, đúng, được cử tri và Nhân dân rất quan tâm.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giám sát, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đề nghị:
Một là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội từng bước cụ thể hóa địa vị pháp lý của Đoàn giám sát, khảo sát trong thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của Đoàn giám sát.
Hai là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo điều hòa các hoạt động giám sát, khảo sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội bảo đảm hài hòa, thống nhất về thời gian đối với các cơ quan của TP. Hà Nội.
Ba là, tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, nội dung tập trung vào một số lĩnh vực: công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh Covid-19; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và việc thực hiện các kết luận giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp.
Bốn là, đề nghị Văn phòng Quốc hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử từ Quốc hội đến HĐND các cấp. Trong đó, sử dụng phần mềm để theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát, công tác giải quyết kiến nghị cử tri, công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.
Năm là, Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về thẩm quyền, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; quy trình giám sát và kỹ năng thực hiện quyền giám sát cho các vị đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công tác giám sát là khâu “mũi nhọn”
Để chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả những tháng cuối năm 2022 và triển khai chương trình giám sát năm 2023, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng đề xuất một số giải pháp:
Một là, về mục tiêu phải xác định tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, “mũi nhọn” để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới phải lựa chọn trúng vấn đề quan trọng của đất nước, các vấn đề mà thực tiễn phát sinh khi triển khai các nghị quyết của Quốc hội.
Hai là, xây dựng chương trình giám sát bám sát tình hình thực tiễn, tập trung vào những vấn đề như: hoạt động của bộ máy nhà nước; việc ban hành và thực thi cơ chế, chính sách; hoạt động thuộc lĩnh vực tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Bảo đảm cân đối giữa các hoạt động giám sát (xem xét báo cáo, giám sát chuyên đề, chất vấn, giám sát văn bản quy phạm pháp luật,…).
Ba là, tiếp tục chú trọng công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng công tác phối hợp phục vụ hoạt động giám sát, công tác nắm bắt thông tin của Quốc hội sau khi có nghị quyết giám sát, kết quả thực hiện của Chính phủ từ đó có đánh giá và xác định việc giám sát đã đặt vấn đề đúng chưa, cần điều chỉnh chính sách gì, quy định nào để từ đó việc giám sát của Quốc hội để đi đến cùng vấn đề.
Bốn là, trong Báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết về giám sát cần có các tiêu chí định lượng rõ ràng, mốc thời gian, trách nhiệm thực hiện cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Năm là, tiếp tục phát huy kinh nghiệm, cải tiến, đổi mới trong giám sát chuyên đề; đẩy mạnh tương tác với đối tượng chịu sự ảnh hưởng của chính sách, pháp luật; tăng cường sử dụng thông tin từ cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong xây dựng báo cáo và nghị quyết giám sát; Cần có chương trình giám sát chuyên đề về đầu tư công, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (quá trình giám sát cần tập trung vào các dự án trọng điểm, những vấn đề cốt lõi đang ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các chương trình, nghị quyết của Quốc hội).
Sáu là, chú trọng giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn; tăng cường xem xét các kiến nghị giám sát chưa được thực hiện; nghiên cứu có quy định định kỳ xem xét việc giải quyết kiến nghị giám sát tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về việc tiếp nhận, tổng hợp các kiến nghị giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Ngoài những kinh nghiệm, cách làm mới sáng tạo đã phát huy trong thời gian qua, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạo điều kiện để Thường trực HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh được tham dự các buổi giám sát, làm việc của các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để thực hiện trách nhiệm giải trình, làm rõ các nội dung còn khác nhau giữa báo cáo của các cơ quan; qua đó, phân tích đánh giá về nguyên nhân chủ quan, khách quan; công tác phối hợp; cơ chế, chính sách; quy định pháp luật chưa thống nhất, chồng chéo, thiếu… để thấy được trách nhiệm của từng cơ quan trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước mà nhất là các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đó tự các cơ quan có các giải pháp khắc phục khả thi để thực hiện đạt kết quả tốt nhất các yêu cầu, lưu ý mà được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận. Xem xét có chế tài cụ thể trong trường hợp cơ quan chức năng chậm hoặc không giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân do đại biểu Quốc hội chuyển đến. Hướng dẫn cụ thể hơn về quy trình giám sát để đại biểu Quốc hội tự mình thực hiện giám sát. Tăng cường hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội bảo đảm chất lượng, khả thi, hiệu quả, tránh hình thức, phù hợp với khả năng, nguồn lực; chủ động phối hợp với các Đoàn giám sát của các cơ quan của Quốc hội, với Thường trực, các Ban của HĐND nhằm tránh sự chồng chéo.