Xây dựng cơ chế đặc thù cho Đề án 06, phát huy nguồn lực dữ liệu để đẩy mạnh kinh tế - xã hội

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, cần thiết phải xây dựng cơ chế đặc thù cho Tổ Công tác triển khai Đề án 06, đồng thời phát huy nguồn lực dữ liệu, qua đó đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển ngày càng lớn hơn của nền kinh tế số…

Chiều 9/10, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã tham quan Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an và làm việc với Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; thành viên Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của các bộ, ngành.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại phiên làm việc.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại phiên làm việc.

Phát biểu tại phiên làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình bày tỏ sự ấn tượng trước những kết quả của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã đạt được trong gần 3 năm triển khai. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Tổ Công tác đặc biệt là Bộ Công an với những kết quả hết sức ấn tượng góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi số.

Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các thành viên của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tập trung nêu rõ những kiến nghị, tham mưu, “hiến kế” giúp Chính phủ cũng như Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong triển khai đề án, góp phần mang lại kết quả cao hơn trong thời gian tới.

Trên cơ sở gợi mở của đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực, các bộ, ngành gồm: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Công thương, Ngân hàng…đã báo cáo cụ thể những nhóm nhiệm vụ được giao trong triển khai Đề án 06; đồng thời kiến nghị các giải pháp cụ thể giúp tháo gỡ “điểm nghẽn” liên quan đến kinh phí, hoàn thiện cơ chế pháp luật có liên quan.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đề nghị, các bộ, ngành lưu ý việc ban hành quy trình, quy chế đảm bảo đúng tiến độ triển khai, cũng như duy trì dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” theo thời gian thực; triển khai thí điểm bệnh án điện tử liên thông từ cấp y tế cơ sở ở tỉnh Bắc Ninh và Bình Dương đến hai bệnh viện lớn là Bạch Mai và Chợ Rẫy; cụ thể hóa từng nhiệm vụ ở các giai đoạn…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh Bộ Công an trong điều kiện ban đầu dù khó khăn nhưng đã rất quyết liệt, đạt được nhiều kết quả triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06. "Từ dữ liệu nguồn, dữ liệu gốc, chúng ta thay đổi quản trị quốc gia, mang lại rất nhiều những giá trị lớn cho xã hội. Thách thức đặt ra cũng nhiều, đối mặt về hạ tầng, pháp lý…, trước mắt, đang vận hành chuyển đổi số trên cơ sở các thông tư, nghị định"- Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành đang được phân công xây dựng, triển khai thông tư, nghị định tích cực triển khai hiệu quả, đúng tiến độ, chất lượng. Đề cập đến nguồn lực triển khai, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý việc triển khai sớm đầu tư không chỉ tháo gỡ riêng cho Cục Cảnh sát QLHC về TTXH mà còn giải phóng chung cho tất cả các bộ, ngành có liên quan đến đầu tư phát triển, triển khai đề án.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ, trên cơ sở những chỉ tiêu, danh mục dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, các bộ, ngành lưu ý xem cần phát triển những dữ liệu gì thêm, bộ, ngành và Tổ Công tác mạnh dạn đề xuất Chính phủ để triển khai, thực hiện. Đồng ý với ý kiến cần xây dựng cơ chế đặc thù cho chuyển đổi số, không chỉ có tác dụng với Tổ Công tác Đề án 06 mà còn đối với tất cả các nền tảng, hạ tầng, bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, các bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế đặc thù, phát huy hiệu quả nguồn lực dữ liệu để triển khai thực hiện.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực và Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ nêu rõ: Sau gần 3 năm triển khai, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tổ Công tác đã đánh giá, để triển khai thành công Đề án 06 phải đảm bảo thực hiện được nguyên tắc “5-4-3-2-1”, đó là: 5 nhóm vấn đề pháp lý, hạ tầng công nghệ, tạo lập dữ liệu, đảm bảo an ninh an toàn và bố trí nguồn lực (kinh phí và con người).

Với 4 xuyên suốt đó là, xuyên suốt từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã. 3 giá trị văn minh xã hội, phát triển kinh tế và phòng, chống tội phạm. 2 mục tiêu gồm nhận thức đúng với tình hình thực tế và có giải pháp phù hợp. Với 1 quyết tâm đó là người đứng đầu các đơn vị phải quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, được thể hiện bằng phương pháp chỉ đạo, phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”, có kiểm tra, giám sát; chỉ bàn làm, không bàn lùi.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại buổi làm việc.

Từ những quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc triển khai, bước đi đúng đắn, Đề án 06 đã mang lại nhiều giá trị cho người dân, doanh nghiệp và Chính phủ. Đối với người dân, doanh nghiệp, đã được cung cấp đầy đủ các giấy tờ bảo đảm các hoạt động, công việc hàng ngày cả trên môi trường mạng (100% công dân đã được cấp mã số định danh cá nhân; 87,7 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chip điện tử; hơn 78,3 triệu tài khoản định danh điện tử đã được cấp và kích hoạt trên 57,1 triệu tài khoản), thông qua việc kết nối, chia sẻ, tích hợp các loại giấy tờ, người dân được hưởng nhiều tiện lợi, đây là nền tảng để thực hiện các tiện ích công dân số trong thời gian tới. Đối với các Dịch vụ công thiết yếu, hàng năm tiết kiệm được khoảng 3.500 tỷ đồng.

Đẩy mạnh triển khai các tiện ích trên ứng dụng VNeID như: Thanh toán hóa đơn tiền điện; Hóa đơn thuế; Giấy chuyển tuyến; Giấy hẹn khám lại; Triển khai Sổ tang điện tử để người dân tưởng nhớ về đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Nền tảng thiện nguyện để huy động quyên góp, ủng hộ tài trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi. Đặc biệt, Bộ Công an tiên phong đi đầu trong triển khai Luật Giao dịch điện tử, người dân có thể xuất trình bằng lái xe đã được tích hợp trên ứng dụng VNeID khi tham gia giao thông mà không cần mang giấy tờ như trước đây và triển khai đăng ký xe lần đầu trực tuyến toàn trình trên VNeID.

Từ đầu năm 2024, Bộ Công an đã phối hợp UBND TP Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh triển khai các tiện ích theo 19 mô hình điểm, bước đầu được người dân hưởng ứng với một số mô hình như Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Với trên 32 triệu dữ liệu dữ liệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân và trên 50 nghìn hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID là tiền đề để ngày 2/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì, “bấm nút” triển khai mở rộng thực hiện thí điểm toàn quốc đối với Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, góp phần tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi các hoạt động của xã hội và cơ quan Nhà nước từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ hiện đại, điển hình như: Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử, Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai…

Các giải pháp phát triển kinh tế xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, như: Triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống chống thất thu thuế, thất thu ngân sách với 78.588 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng, số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng 758 triệu hóa đơn. Triển khai đánh giá khả tín khách hàng vay, kết nối khai thác dịch vụ chấm điểm khả tín, giúp người dân tiếp cận được nguồn vay vốn, giảm thiểu tội phạm về tín dụng đen. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực an sinh, bảo hiểm, y tế...

Đã tạo lập và ngày càng hoàn thiện, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia, hướng tới xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương, đồng bộ trên 764 triệu thông tin công dân để làm giàu dữ liệu dân cư, cập nhật thường xuyên “đúng, đủ, sạch, sống”. Đối với các doanh nghiệp, ngân hàng đã được tiếp cận với nguồn dữ liệu chính thống, được xác thực làm sạch, hạn chế tình trạng giả mạo, tiết kiệm chi phí trong quá trình lưu trữ hồ sơ giấy…

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/xay-dung-co-che-dac-thu-cho-de-an-06-phat-huy-nguon-luc-du-lieu-de-day-manh-kinh-te-xa-hoi-i746697/