Xây dựng cơ chế đánh giá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật khách quan, hiệu quả
Vừa qua, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và Báo Pháp luật Việt Nam đã phối hợp tổ chức Tọa đàm 'Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL'.
Tham dự Tọa đàm có ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp; ông Đặng Thanh Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp.
Cần thiết đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả PBGDPL
Tại Tọa đàm, Cục trưởng Lê Vệ Quốc nhấn mạnh, với mục đích xây dựng cơ chế đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL có tính khoa học, khách quan, nhận diện, chặt chẽ, góp phần đưa công tác này ngày càng đi vào thực chất, việc ban hành và thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL” là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đề án đã đưa ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo lộ trình thời gian thực hiện từ năm 2022 – 2026.
Việc đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL phải dựa trên các tiêu chí cụ thể, hệ quy chiếu rõ ràng. Đặc biệt, khi đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL phải dựa trên các kết quả đầu ra, phải dự kiến các hoạt động PBGDPL đó khi triển khai sẽ đạt được kết quả thực tiễn như thế nào. Trên cơ sở đó, xây dựng Kế hoạch để triển khai, cụ thể hóa kết quả thực tiễn đó; cân đối kết quả dự kiến và kết quả thực tế đã được triển khai thì mới xác định được hiệu quả.
Theo ông Lê Vệ Quốc, với vai trò là cơ quan chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, việc thực hiện Đề án, Bộ Tư pháp có trách nhiệm trong việc xây dựng và ban hành tiêu chí chung về đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; sau khi xây dựng xong các tiêu chí sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương và thí điểm theo phạm vi xác định trong Đề án. Bộ, ngành, địa phương sẽ chủ động xây dựng Khung tiêu chí riêng, cụ thể, phù hợp với yêu cầu đặt ra trong công tác đánh giá hiệu quả PBGDPL.
Sau quá trình thí điểm, Bộ Tư pháp sẽ có trách nhiệm tổng kết, đánh giá và hoàn thiện Khung tiêu chí chung, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện thể chế cho công tác đánh giá hiệu quả này. Kết thúc Đề án, sẽ có các quy định cụ thể về trách nhiệm, nhiệm vụ trong trong việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL cho các bộ, ngành địa phương. Đồng thời, hoàn thành một bộ công cụ khoa học, mang tính thực tiễn, khả thi, giúp đánh giá đúng với mục tiêu, mục đích đặt ra.
Trao đổi tại Tọa đàm, ông Đặng Thanh Sơn đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình xây dựng các Khung theo dõi, tiêu chí đánh giá cũng như những thay đổi quan trọng về phương pháp đánh giá khi áp dụng nguyên lý Quản lý dựa trên kết quả trong xây dựng Khung theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Qua đó, ông Đặng Thanh Sơn cũng đưa ra một số yêu cầu cụ thể khi xây dựng Khung tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.
Cụ thể, Khung tiêu chí phải phản ánh đầy đủ tính bản chất của thực trạng công tác PBGDPL của từng cấp độ theo dõi, bảo đảm tính khách quan, chính xác. Khung tiêu chí cũng cần được theo hướng mở cho sự phát triển, cá biệt hóa theo từng luật, từng bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện Khung tiêu chí phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với các điều kiện bảo đảm như trình độ năng lực chuyên môn, trình độ kỹ thuật, các điều kiện về nguồn nhân lực và kính phí tổ chức thực hiện.
Ban hành Khung tiêu chí riêng của từng bộ, ngành, địa phương
Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án, ông Lê Vệ Quốc cho biết, việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL được xác định là một nhiệm vụ khó, đòi hỏi cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, nhận thức, cách tiếp cận của các nhà quản lý, nhà khoa học về vấn đề này cũng khác nhau; gặp nhiều khó khăn trong việc đúc kết kinh nghiệm quốc tế…
Ông Đặng Thanh Sơn cũng cho rằng việc quy phạm hóa và dự kiến về tính khả thi khi áp dụng Khung tiêu chí tại Việt Nam cần cân nhắc kỹ lưỡng, do cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thu thập, xử lý thông tin về PBGDPL còn rất hạn chế, đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng về chuyển đổi số nên không đáp ứng được yêu cầu xử lý dữ liệu; việc thay đổi cách thức đánh giá từ truyền thống sang hiện đại cũng là một rào cản…
Do đó, ông Sơn nêu ý kiến, căn cứ vào kết quả thí điểm Khung theo dõi, tình hình thực tiễn triển khai nhiệm vụ PBGDPL, ý kiến phản hồi của các bộ, ngành và địa phương, Cục PBGDPL cần tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Khung theo hướng tiếp thu chọn lọc, tiệm cận với phương pháp đánh giá dựa trên kết quả, thay vì đổi mới toàn diện, sâu rộng để phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam hiện nay.
Trong thời gian tới, Cục trưởng Lê Vệ Quốc cho biết, trên cơ sở Khung tiêu chí chung đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL được ban hành, bộ, ngành địa phương thực hiện thí điểm cần khẩn trương nghiên cứu, ban hành tiêu chí riêng của mình, bám sát nhu cầu thực tiễn về công tác thực hiện PBGDPL; có dự kiến kết quả đầu ra. Theo đó, đánh giá hiệu quả hoạt động PBGDPL thực tế đạt được, xác định điểm mạnh, điểm yếu và giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế, từ đó nhân rộng và phát huy cho các bộ, ngành, địa phương khác.
Tiếp tục tổ chức nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm các nước và ở Việt Nam trong xây dựng và tổ chức thực hiện các tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác truyền thông, thông tin, PBGDPL; tiếp tục huy động nguồn lực xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL; nghiên cứu xây dựng phần mềm khảo sát trực tuyến đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL.