Xây dựng cơ sở cách mạng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền

Trong những năm 1939-1945, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, các đảng bộ: Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây (Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày nay) đã vượt qua hàng loạt gian nan thử thách để xây dựng cơ sở cách mạng sâu rộng. Từ quá trình chuẩn bị tích cực này, phát huy sức mạnh vĩ đại của quần chúng nhân dân, các đảng bộ: Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây đã lãnh đạo nhân dân tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, năm 1945.

Không khí Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-8-1945. Ảnh tư liệu - TTXVN

Khôi phục cơ sở cách mạng

Tháng 9-1939, phát xít Nhật xâm chiếm Đông Dương. Từ đây, nhân dân ta chịu cảnh một cổ hai tròng. Cán bộ, đảng viên bị địch bắt và kết án khổ sai, đày đi Nhà tù Côn Đảo, Sơn La… Nhiều đồng chí bị mất liên lạc với tổ chức, không hoạt động được. Thực tiễn đó đòi hỏi Đảng phải tìm mọi cách để khôi phục cơ sở cách mạng, cơ sở Đảng, duy trì ngọn lửa đấu tranh.

Do đó, trong nội thành Hà Nội, quần chúng trung kiên được tổ chức thành tiểu tổ từ 3 đến 5 người. Đảng viên nêu cao tinh thần chiến đấu, tự động công tác, chắp nối liên lạc để gây dựng cơ sở. Từ những cơ sở gây dựng ban đầu ở vùng Bưởi - Nghĩa Đô - Xuân Đỉnh - Chèm, năm 1940, các đồng chí đảng viên Đảng bộ Hà Nội đang hoạt động ở địa phương và giao thông liên lạc của Trung ương, Xứ ủy đã gây dựng được cơ sở sang làng Ngọc Giang, làng Chài (phía bờ Bắc sông Hồng), rồi lan tiếp sang Cổ Loa, Dục Tú, Viên Nội (Đông Anh). Các làng Vạn Phúc, La Cả, Tây Mỗ, Đại Mỗ (Hà Đông) có nhiều gia đình là cơ sở cách mạng.

Đặc biệt, làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) được chọn làm đầu mối liên lạc giữa Xứ ủy Bắc Kỳ với cán bộ hoạt động trong nội thành. Từ đây, theo đường dây bí mật, cơ sở lan tới thị xã Hòa Bình. Dù địch khủng bố ác liệt, nhưng nhiều người dân chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh, kiên trung bảo vệ cán bộ, bảo vệ Đảng. Tiêu biểu là gia đình bà Hoàng Thị Cốc (huyện Đông Anh), bà Nguyễn Thị Tỳ (huyện Hoài Đức), đoàn viên thanh niên Trịnh Thế Bình (huyện Tùng Thiện - nay thuộc huyện Ba Vì)… Do vậy, vào năm 1940, cơ sở của Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ và của Mặt trận phản đế ở Hà Nội có khoảng gần 1.000 hội viên, ở Hà Đông có khoảng 2.000 hội viên, ở Sơn Tây có hơn 100 hội viên.

Nhờ có cơ sở cách mạng mà cán bộ của Đảng đã tổ chức và duy trì phong trào đấu tranh cả ở trung tâm thành phố, thị xã và các làng xã của Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây trong những năm tháng địch khủng bố khốc liệt.

Tập hợp lực lượng dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh

Ngày 28-1-1941, sau 30 năm bôn ba, Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài trở về Cao Bằng. Tại đây, Người bắt tay vào xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức quần chúng, tiến hành chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Tháng 5-1941, với tư cách là đại biểu của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8, họp từ ngày 10 đến 19-5-1941 tại xã Trường Hà (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Hội nghị xác định nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, tập trung mũi nhọn chống phát xít Nhật - Pháp. Do đó, hội nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh) để tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng với khẩu hiệu hành động: “Toàn dân đoàn kết để giải phóng dân tộc”.

Theo phương hướng đó, việc mở rộng các đoàn thể, hội đoàn của quần chúng được Đảng đặc biệt chú trọng. Một tổ chức chuyên đi xây dựng cơ sở cách mạng cho vùng An toàn khu (ATK) của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ, gọi là Đội công tác (hoặc Công tác đội) do đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh làm Đội trưởng đã ra đời. Nhân dân tham gia ngày càng đông vào các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. Một số địa phương còn lập được đội tự vệ như vùng Bưởi (quận Tây Hồ), Trôi - Sấu (Hoài Đức), Đa Phúc (Quốc Oai)...

Nhiều hình thức hoạt động của người dân thoạt nhìn đơn giản mà rất hiệu quả để che mắt địch, giữ giao thông liên lạc thông suốt cho Thường vụ Trung ương Đảng như hộp thư bí mật ở gốc cây đa làng Cáo Đỉnh; bè vó trên sông Hồng của ông Mùi ở làng Liên Mạc (Từ Liêm); quán cơm của ông Thận ở bến Chèm, bến đò Xù (Gạ) thuộc Phú Thượng, hàng quán của bà Nguyễn Thị Thanh ở gốc gạo Ba Đê (Đông Anh)… Riêng nội thành đã có tổ chức công nhân, thanh niên, phụ nữ cứu quốc ở một số nơi như xưởng sửa chữa ô tô Aviat, Hãng S.T.A.I, các trường trung học (Gia Long, Thăng Long, Bưởi, Kỹ nghệ thực hành…), chợ Đồng Xuân, các phố Ngọc Hà, Khâm Thiên, Bạch Mai, Hàng Mành, bãi Nghĩa Dũng, bãi Phúc Xá…

Hai năm thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8, tổ chức của Đảng bộ Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây đã nhiều lần bị địch đánh phá, tổn thất nặng nề; nhưng cán bộ đảng viên vẫn bám đất, bám dân, kiên trì gây dựng cơ sở cách mạng, làm chỗ dựa cơ bản để từ đó đưa quần chúng vào các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh và tổ chức cơ sở Đảng, từng bước xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, chờ thời cơ đến.

(Còn nữa)

Phạm Kim Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/976159/xay-dung-co-so-cach-mang-tien-toi%C2%A0khoi-nghia-gianh-chinh-quyen