Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Do những biến động bất thường của thời tiết và chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm số lượng lớn nên dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát cao. Việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB) đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, không chỉ kiểm soát dịch bệnh mà còn tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây chính là 'chìa khóa' để phát triển bền vững ngành chăn nuôi.
Trang trại chăn nuôi của anh Lý Văn Giang, thôn Tân Lập, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) luôn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Ý thức phòng, chống dịch bệnh để hạn chế rủi ro trong sản xuất, anh Lý Văn Giang, thôn Tân Lập, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) luôn bảo đảm đầy đủ các điều kiện trong quá trình chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm, lựa chọn giải pháp xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB. Theo đó, từ những con giống gà Lạc Thủy ban đầu được nhập về, anh Giang đã tự sản xuất con giống để nuôi thương phẩm, xuất bán gà thương phẩm ra thị trường và bán con giống cho các hộ, cơ sở chăn nuôi khác có nhu cầu. Trong trang trại luôn duy trì tổng đàn 10 nghìn con/lứa. Anh Giang chia sẻ: “Khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình nằm tách biệt với khu vực dân cư, định kỳ tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và tránh tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Đàn gà được tiêm vắc-xin phòng bệnh định kỳ, bảo đảm các chế độ về thức ăn sạch, nước uống sạch... Vì thế đàn gà trong trang trại không chỉ an toàn đối với bệnh H5N1, H5N6 mà còn không bị mắc các loại bệnh khác. Năm 2019, trang trại chăn nuôi gà của anh Giang đã được chứng nhận chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Đối với ông Trần Văn Lợi, xã Quảng Hợp (Quảng Xương) khi bắt tay vào xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, ông đã đăng ký xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB để chủ động kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, giảm thiểu tối đa chi phí phòng và điều trị bệnh để vừa bảo đảm yếu tố sạch bệnh, an toàn, vừa tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Ông Lợi chia sẻ: “Từ khi thực hành các biện pháp chăn nuôi ATDB, đàn vật nuôi của gia đình khỏe mạnh, tăng trọng tốt, giảm thiểu dịch bệnh phát sinh...”.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ năm 2016 đến nay, có 48 cơ sở chăn nuôi đã được thẩm định và cấp giấy chứng nhận ATDB. Trong đó, có 35 trang trại chăn nuôi lợn, 9 cơ sở chăn nuôi gia cầm, 4 cơ sở chăn nuôi bò sữa. Hằng năm, chi cục thực hiện đánh giá, kiểm soát định kỳ cơ sở chăn nuôi và đánh giá đột xuất khi cần thiết; đồng thời, tổ chức phổ biến, tuyên truyền cho các cơ sở chăn nuôi ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Có thể nói, trước những dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, việc xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB đã mang lại nhiều lợi ích, ưu thế cho người chăn nuôi. Đồng thời, mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững, ATDB, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, đến nay số cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tham gia thực hiện quy trình chăn nuôi ATDB và được cấp giấy chứng nhận vẫn còn hạn chế. Do quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ nên không thể bảo đảm những tiêu chí và yêu cầu cần thiết để xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB. Đồng thời, người chăn nuôi chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình vệ sinh thú y, phương thức chăn nuôi của người dân chưa tuyệt đối khép kín; các trang trại tuy có quy mô lớn nhưng đa số vẫn nằm lẫn hoặc gần khu dân cư, không bảo đảm độ cách ly, dễ lây lan dịch bệnh.
Thời gian tới, để từng bước nâng cao chất lượng, bảo đảm ATDB, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc xây dựng cơ sở ATDB; hướng dẫn các hộ chăn nuôi về những quy định và cách thức đăng ký tham gia xây dựng. Bên cạnh đó, từng bước loại bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư; xây dựng các khu trang trại tập trung, quy mô lớn; đầu tư hệ thống chuồng trại, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường, áp dụng công nghệ tự động hóa từng khâu và toàn bộ quá trình sản xuất. Đồng thời, lựa chọn con giống có nguồn gốc, được kiểm định chất lượng và tiêm vắc-xin đầy đủ.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/xay-dung-co-so-chan-nuoi-an-toan-dich-benh/134221.htm