Xây dựng cơ sở Đảng ở biên giới Tây Nam: Linh hoạt để phù hợp với thực tiễn

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, thu hút được lực lượng quần chúng tâm huyết, có trình độ tham gia tổ chức Đảng, nhiều chi bộ, đảng bộ cơ sở ở biên giới đã và đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Chi bộ Ấp 3, xã biên giới Thanh Hòa là một trong những chi bộ điểm của huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước với 28 đảng viên. Tại các buổi sinh hoạt định kỳ của chi bộ, những vấn đề được cấp ủy, đồng chí Bí thư đưa ra để đảng viên cùng bàn, cùng thảo luận rất sát thực, từ việc làm thế nào để chuẩn bị giống cây tốt cho bà con trong ấp chuẩn bị gieo vụ, đảng viên thanh niên chuẩn bị kế hoạch phối hợp bảo vệ an ninh trật tự trong địa bàn ấp… Các nhiệm vụ được giao cụ thể, trên cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành công việc của từng đảng viên.

Buổi sinh hoạt chi bộ tại Ấp 3, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Buổi sinh hoạt chi bộ tại Ấp 3, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Xác định sinh hoạt chi bộ là hoạt động chính trị then chốt trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ cơ sở, thời gian qua, Thường trực Huyện ủy Bù Đốp thường xuyên xuống các thôn, ấp tham gia sinh hoạt, góp ý về những đổi mới trong công tác sinh hoạt chi bộ định kỳ. Từ đó phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong thôn, ấp.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, Huyện ủy Bù Đốp cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết phát triển đảng viên ở các chi bộ, thôn ấp, khu phố để tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội với phương châm sâu sát cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thanh cho biết: "Huyện Bù Đốp sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các chi, đảng bộ cơ sở, chú trọng công tác phát triển đảng viên, nhất là các khu dân cư vùng biên giới. Bồi dưỡng quần chúng ưu tú tại các trường học, bộ đội xuất ngũ, phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, qua đó phát hiện những nhân tố điển hình tiên tiến để bồi dưỡng kết nạp Đảng."

Bà Nguyễn Thị Hoài Thanh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thanh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Trong công tác Đảng, Huyện ủy Tân Biên, tỉnh Tây Ninh luôn xác định, kim chỉ nam cho mọi chính sách, mọi chủ trương là nâng cao đời sống của người dân. Chính vì vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của các chi bộ, đảng bộ luôn hướng đảng viên sâu sát với cơ sở. Đảng viên tốt thì chi bộ tốt, nên thời gian qua, Đảng bộ huyện Tân Biên luôn quan tâm và triển khai nhiều chương trình kế hoạch phát triển đảng viên, đặc biệt là lực lượng đảng viên trẻ.

Ông Từ Thành Dũ - Bí thư Huyện ủy Tân Biên cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã kết nạp được 10 học sinh vào Đảng, đây là những học sinh xuất sắc của huyện. Điều khá đặc biệt, lễ kết nạp Đảng được tổ chức ở khu vực cột mốc biên giới. Đây như luồng gió mới giúp những đảng viên trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường nhận thức sâu sắc hơn về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tính đến nay, ở 3 xã biên giới của huyện Tân Biên, là: Tân Lập, Tân Bình và Hòa Hiệp đã có 556 đảng viên, chiếm 20% tổng số đảng viên của toàn huyện. Tỉ lệ lệ đảng viên ở ba xã biên giới tăng 19,45% so với nhiệm kỳ trước đây.

So với các chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết của Đại hội, công tác Đảng của huyện Tân Biên có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của huyện là phát triển Đảng trong khối các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Đảng viên Ấp 3 tham gia nêu ý kiến tại cuộc họp chi bộ.

Đảng viên Ấp 3 tham gia nêu ý kiến tại cuộc họp chi bộ.

Ông Từ Thành Dũ - Bí thư huyện Tân Biên nêu thực tế: "Những người dân ở khu vực biên giới, họ thường hay phải qua lại với phía bạn. Theo quy định của Đảng, khi đi nước ngoài phải xin phép và phải có giới hạn đi nước ngoài trong năm. Mặc dù cư dân có thể qua lại biên giới thuận tiện trong quá trình thăm thân, rồi quá trình giao lưu giữa hai bên, nhưng đảng viên phải chấp hành quy định của Đảng nên đó cũng cái khó trong quá trình phát triển đảng viên ở khu vực biên giới."

Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên

Xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới là quá trình tất yếu trong xây dựng Đảng. Song với thực tiễn tại khu vực biên giới phía Tây Nam của vùng Đông Nam Bộ đang đặt ra không ít khó khăn. Chính bởi vậy, không có cách nào khác, chỉ có phát triển kinh tế, ổn định đời sống vùng biên, có các chính sách hỗ trợ đảng viên, các quy định phù hợp với thực tiễn mới thu hút, tạo động lực cho quần chúng phấn đấu vào Đảng.

Ông Vũ Ngọc Phao, Bí thư chi bộ Ấp Tân Lập, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước kiến nghị: “Cần đưa các khu công nghiệp, mô hình sản xuất công nghệ cao, tạo việc làm tại chỗ cho lực lượng trẻ. Từ đó địa phương cũng phát triển vững mạnh toàn diện về công tác phát triển Đảng".

Ông Vũ Ngọc Phao, Bí thư Chi bộ Ấp Tân Lập, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Ông Vũ Ngọc Phao, Bí thư Chi bộ Ấp Tân Lập, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Hoa, Bí thư chi bộ Ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đề nghị: "Đảng, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ thêm nguồn kinh phí phù hợp đối với những giáo viên là đảng viên phải sinh hoạt Đảng ở các chi bộ ghép ở khu vực biên giới".

Còn ông Nguyễn Hữu Lê, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước thì cho rằng: "Các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các ban, bộ, ngành của Chính phủ quan tâm xây dựng được những làng thanh niên trên tuyến biên giới. Các làng thanh niên biên giới sẽ góp phần tích cực cho phát triển kinh tế xã hội địa phương, cũng như góp phần xây dựng ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn trên tuyến biên giới".

Ông Nguyễn Hữu Lê, Phó bí thư Đảng ủy xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Ông Nguyễn Hữu Lê, Phó bí thư Đảng ủy xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Bên cạnh đó, các cấp ủy, bí thư, những người đứng đầu cần có những đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và sinh hoạt Đảng, tạo môi trường gần gũi để quần chúng, đảng viên rèn luyện, để người dân thấy rằng, Đảng không phải là cái gì quá xa vời. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho rằng: "Người đảng viên người ta gắn bó với cuộc sống đời thường lắm. Làm sao cho gần gũi, đừng đao to búa lớn, đừng làm cho người ta thấy vào Đảng xa quá, không gần gũi với người ta. Những việc này phải giao lại cho cấp ủy địa phương theo địa bàn, nơi miền núi như thế nào, nơi biên giới như thế nào, ở trong doanh nghiệp như thế nào để làm sao cho việc vào Đảng được bồi dưỡng, phải gần gũi với thực tế cuộc sống".

Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy. Để có chi bộ tốt thì đảng viên phải gương mẫu tốt để thu hút, lôi cuốn nhân dân làm theo. Thế nên, trong từng giai đoạn cách mạng, yêu cầu nhiệm vụ và hình thức tổ chức của chi bộ, công tác đảng viên phải đổi mới linh hoạt sao cho phù hợp với thực tiễn từng địa phương.

Việt Đức - Vinh Quang/VOV - TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/xay-dung-co-so-dang-o-bien-gioi-tay-nam-linh-hoat-de-phu-hop-voi-thuc-tien-post1054357.vov