Xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường thông tin thị trường

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý nhà nước đang từng bước được đẩy mạnh. Số hóa các thông tin của doanh nghiệp thành bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) sẽ giúp công tác quản lý thông tin được nhanh chóng và thuận tiện.

Lễ ra mắt cơ sở dữ liệu ngành công thương Bình Dương đầu năm 2023

Lễ ra mắt cơ sở dữ liệu ngành công thương Bình Dương đầu năm 2023

Hiệu quả số hóa

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, ở tầm vĩ mô, để phục vụ quản lý nhà nước, thông tin công nghiệp và thương mại là một căn cứ quan trọng để hoạch định chính sách phát triển sản xuất, thương mại trong nước cũng như hội nhập quốc tế. Ở tầm vi mô, thông tin công nghiệp và thương mại, trước hết là thông tin thị trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kịp thời điều chỉnh các cân đối cung - cầu, phục vụ tốt sản xuất và đời sống xã hội.

Được biết, dự án “Xây dựng dữ liệu ngành công thương” được xây dựng theo Nghị định số 73/2019/NĐ-CP và theo khung kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh Bình Dương. Với quy mô xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm hỗ trợ xử lý nghiệp vụ nhằm chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công truyền thống sang tin học hóa và lưu trữ điện tử. Qua đó giúp cho công tác điều hành, quản lý nhà nước của ngành công thương được nhanh chóng, chính xác và bảo đảm chất lượng; làm căn cứ cho các báo cáo phân tích, ra quyết định và xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh.

Các hạng mục quan trọng của dự án phần mềm xử lý nghiệp vụ ngành công thương bảo đảm liên thông, kết nối với các phần mềm dùng chung của tỉnh, như: Phần mềm một cửa, phần mềm quản lý văn bản. Nhập dữ liệu đầu kỳ cho các danh mục ngành công thương bao gồm các phân hệ quản lý dữ liệu, các lớp dữ liệu tọa độ địa lý. Số hóa toàn bộ hồ sơ nghiệp vụ của ngành hiện có, thuê hạ tầng vận hành phần mềm và hệ thống CSDL. Triển khai phần mềm cho các phòng ban, đơn vị trực thuộc và đào tạo, chuyển giao công nghệ người dùng.

Đến năm 2022, công tác kiểm tra nghiệm thu vận hành CSDL ngành đang được Sở Công thương tập trung toàn nguồn lực để đưa vào sử dụng với khối lượng bao gồm 423 chức năng, 41 lớp dữ liệu, 4.590 điểm tọa độ doanh nghiệp. Số hóa tổng số 4.350 hồ sơ với 543.700 trang A4. Sở Công thương thực hiện thu thập 11 tọa độ trung tâm logistics, xây dựng chức năng quản lý dữ liệu quy hoạch ngành dịch vụ logistics, quản lý doanh thu, lao động theo thời gian và báo cáo thống kê dữ liệu trung tâm logistics theo 5 tiêu chí cơ bản: Ngành nghề kinh doanh, loại nhà đầu tư, trạng thái, hạng, loại hình dịch vụ cung cấp.

Nhiều kỳ vọng phát triển

Theo các doanh nghiệp vận tải, nếu ứng dụng triệt để công nghệ số vào hoạt động vận chuyển, lưu kho hàng hóa sẽ giảm cho phí vận chuyển tối ưu. Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho rằng hiện tổng chiều dài các bến cảng container khu vực Cái Mép khoảng 5.470m, được chia thành 8 cảng. Tại mỗi thời điểm, mỗi cảng chỉ có thể tiếp nhận được 1 tàu mẹ. Do đó, để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy ngay tại cảng biển, cần có cơ chế để liên kết khai thác và luân chuyển hàng hóa giữa các bến cảng trong khu vực, nhằm tối ưu hóa công suất khai thác, giải quyết được các hạn chế hiện nay, giảm chi phí logistics cho hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua khu vực này.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho rằng dư địa để Bình Dương kết nối với các doanh nghiệp FDI thông qua việc số hóa các dữ liệu của ngành còn rất lớn. “Bình Dương với lợi thế về xây dựng hạ tầng thông minh, các dữ liệu doanh nghiệp cần được số hóa để kết nối các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Để phát triển chuỗi cung ứng trong nước mạnh mẽ, giải quyết những vấn đề “cần - có”, “nhu cầu - nguồn cung” đang đặt ra rất gay gắt trong xu thế hiện nay”, bà Nga cho biết.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, hiện Sở Công thương tập trung thực hiện nhiệm vụ được phân công chi tiết theo từng lĩnh vực để số hóa dữ liệu quản lý của ngành, trước mắt là xây dựng kho dữ liệu ngành giai đoạn I, sau đó tiếp tục tiếp thu ý kiến và phát triển hệ thống thông tin trong giai đoạn II. Kết hợp với số hóa dữ liệu, dự báo, dự đoán tình hình công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh.

Sở Công thương mong muốn Bộ Công thương tăng cường chia sẻ dữ liệu của 42 hệ thống thông tin hiện có của bộ với các tỉnh, thành dưới dạng API và Excel để tăng cường khả năng quản lý ngành tại địa phương. Văn phòng Chính phủ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút gọn các bước thao tác trên cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp thao tác tiện lợi hơn. Tiếp tục nâng cấp các hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ phục vụ chuyển đổi số, rút gọn thời gian báo cáo của các bộ, ngành, địa phương.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, UBND tỉnh cần ban hành kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp chung cả tỉnh, phân công cụ thể từng ngành phụ trách và tiến độ triển khai áp dụng thực hiện hiệu quả, đồng bộ phù hợp với nguồn lực của tỉnh. Sở Công thương các tỉnh, thành tăng cường liên kết vùng trong quá trình chuyển đổi số, liên thông dữ liệu về thương mại - công nghiệp phục vụ số hóa cơ sở dữ liệu quản lý.

Sở Công thương thực hiện thu thập 313 tọa độ doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, 598 tọa độ doanh nghiệp hoạt động điện lực dưới 3MW. Quản lý dữ liệu sản lượng cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo năm, quản lý báo cáo cơ sở sử dụng năng lượng theo 5 tiêu chí cơ bản: Lĩnh vực, ngành nghề, loại năng lượng sử dụng, tình trạng báo cáo kiểm toán, trạng thái, số hóa các hồ sơ kiểm toán năng lượng, thực hiện số hóa quy hoạch điện lực. Trong tương lai tích hợp quy hoạch năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời vào hệ thống CSDL của sở, tích hợp thông tin chung vào Trung tâm IOC của tỉnh.

TIỂU MY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/xay-dung-co-so-du-lieu-tang-cuong-thong-tin-thi-truong-a288653.html