Xây dựng cơ sở dữ liệu về địa chính

Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về địa chính trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu đề ra, góp phần tích cực trong thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng hồ sơ địa chính vẫn ở dưới dạng văn bản giấy dẫn đến việc tra cứu mất nhiều thời gian, hạn chế về độ chính xác và đôi khi còn thất lạc. Chính vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) về địa chính dưới dạng số hóa nhằm đồng bộ hóa thông tin, dễ truy cập, khai thác, vận hành, tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai.

Rà soát công tác quy hoạch đất tại TP Việt Trì.

Trước đây, trên địa bàn tỉnh được Tổng cục Địa chính xây dựng 210 điểm lưới địa chính cơ sở bằng phương pháp định vị vệ tinh GPS (đây là cơ sở để phục vụ đo đạc, lập đồ địa chính trên địa bàn tỉnh). Từ năm 2008 đến nay, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng được 968 điểm lưới địa chính tại 11/13 huyện, thành, thị để phục vụ cho công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy bằng công nghệ số. Năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính 17 xã, thị trấn của huyện điểm Yên Lập, trong đó đã nhập 269.768 thửa với 52.790 hồ sơ. Năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho các tổ chức với tổng số 8.304 thửa đất được đưa vào dữ liệu quản lý theo công nghệ số… Đến nay, có 129/225 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thành, thị được đo đạc bản đồ địa chính bằng công nghệ số. Thực hiện việc cấp mới GCN cho các loại đất đạt 93,3% so với tổng diện tích cần cấp. Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính huyện điểm Yên Lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cơ sở dữ liệu đất đai của các tổ chức trên địa bàn tỉnh, hiện đang vận hành, sử dụng hiệu quả.

Thực hiện Kế hoạch số 4451/KH-UBND ngày 02/10/2021 của UBND tỉnh về đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng CSDL địa chính tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, Sở TN&MT đã tổ chức xây dựng thiết kế kỹ thuật - dự toán về xây dựng CSDL địa chính của bốn huyện gồm: Cẩm Khê, Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Thủy trình UBND tỉnh phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện gần 76,2 tỉ đồng. Các thiết kế kỹ thuật - dự toán đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Hiện nay, Sở TN&MT đang tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tiếp tục tập trung xây dựng CSDL về địa chính; triển khai các thủ tục lựa chọn nhà thầu thực hiện hiệu quả các gói thầu. Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán về đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính cho 25 xã của sáu huyện, thành, thị, gồm các huyện: Hạ Hòa, Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì với tổng kinh phí dự kiến thực hiện 136 tỉ đồng, trong đó huyện Lâm Thao đã phê duyệt, triển khai được hai xã, thị trấn là xã Phùng Nguyên và thị trấn Lâm Thao.

Ông Nguyễn Hữu Chí- Chi Cục trưởng Chi cục quản lý đất đai (Sở TN&MT) cho biết: Sở TN&MT đã có văn bản đề xuất chủ trương lập kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin để quản lý, vận hành, khai thác sử dụng CSDL địa chính trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2022-2025 theo quy định. Sở TN&MT đã làm việc với các đối tác viễn thông có hạ tầng công nghệ thông tin nhằm tìm kiếm giải pháp tối ưu cho việc lưu trữ, quản lý, vận hành CSDL đất đai, đảm bảo kết nối đồng bộ ba cấp từ tỉnh, huyện, xã; hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực sử dụng hệ thống cho các đơn vị thụ hưởng theo lộ trình CSDL địa chính, nhằm tổ chức vận hành CSDL một cách tốt nhất.

Thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục hoàn thiện việc lập hồ sơ địa chính đối với các xã đã triển khai thực hiện theo Dự án tổng thể giai đoạn 2008-2020; đôn đốc các huyện, thành, thị thực hiện công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính đối với các xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện theo kế hoạch của UBND tỉnh và Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng CSDL địa chính tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh việc thiết lập hệ thống thông tin đất đai phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đất đai theo công nghệ số hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin đất đai cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhằm nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai của mình, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tới.

Ngọc Tuấn

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//chuyen-doi-so/xay-dung-co-so-du-lieu-ve-dia-chinh/185179.htm