Xây dựng cơ sở giết mổ tập trung - Khó chồng khó

Hiện nay, trong hơn 700 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, mới chỉ có 2 cơ sở giết mổ tập trung. Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đến nay, việc xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nhà máy giết mổ gia cầm Hợp Châu (Tam Đảo) là một trong số ít cơ sở đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Thế Hùng

Nhà máy giết mổ gia cầm Hợp Châu (Tam Đảo) là một trong số ít cơ sở đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Thế Hùng

Nhằm khuyến khích phát triển phương thức giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo hướng bán công nghiệp hoặc công nghiệp, ngay từ giai đoạn 2016 -2020, tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp (DN) vào đầu tư.

Cụ thể, theo Nghị quyết số 202 của HĐND tỉnh về ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020, DN có dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc gia cầm sẽ được hỗ trợ 60% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, cấp thoát nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị.

Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 2 cơ sở giết mổ tập trung. Trong đó, chỉ có duy nhất cơ sở giết mổ gia súc tập trung thuộc Công ty TNHH một thành viên (MTV) Sản xuất và Thương mại Phát Đạt, Phúc Yên (gọi tắt là Công ty Phát Đạt) được hỗ trợ xây dựng theo Nghị quyết số 202. Nếu so sánh với số lượng 762 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đang hoạt động thì số cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh hiện chỉ chiếm gần 0,3%.

Thực tế cho thấy, việc thu hút các DN đầu tư dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Là một trong những địa phương có thế mạnh về chăn nuôi lợn, ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lập Thạch cho biết: “Từ nhiều năm nay, huyện cũng đã kêu gọi, mời một số DN đầu tư vào dây chuyền giết mổ ở xã Quang Sơn.

Tuy nhiên đến nay, chưa có DN nào đăng ký đầu tư. Nguyên nhân là do việc đầu tư cơ sở giết mổ tập trung đòi hỏi kinh phí xây dựng lớn, chi phí vận hành cao, việc vận chuyển gia súc, gia cầm đến điểm giết mổ và đưa đi tiêu thụ gặp khó khăn, hạn chế".

Thêm vào đó, những DN đã bỏ vốn đầu tư hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động. Đơn cử như, cơ sở giết mổ gia súc tập trung thuộc Công ty Phát Đạt đi vào hoạt động từ năm 2018 có công xuất thiết kế 200 con lợn/ngày; tuy nhiên, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, thời điểm cơ sở giết mổ cao nhất chỉ đạt 70 con lợn/ngày. Hiện nay, cơ sở duy trì giết mổ dưới 20 con lợn/ngày, chưa đạt 10% công xuất thiết kế.

Tương tự, Nhà máy giết mổ gia cầm Hợp Châu (Tam Đảo) thuộc Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam với công suất 4.000 con gia cầm/ngày được xây dựng để phục vụ giết mổ phục vụ chuỗi sản xuất của công ty, song hiện nay hoạt động giết mổ cũng mang tính cầm chừng, bình quân dưới 2.000 con gia cầm/ngày, đạt dưới 50% công suất thiết kế do khó khăn trong đầu ra, tiêu thụ sản phẩm.

Với dân số hơn 1,2 triệu người, thị trường tiêu thụ thịt tươi sống của tỉnh là khá lớn, nhưng phần đa người dân vẫn giữ tâm lý ưa chuộng tiêu thụ sản phẩm thịt tươi sống tại chỗ, không yêu cầu tìm hiểu kỹ về nguồn gốc xuất sứ khiến cho các cơ sở giết mổ tập trung theo đúng quy trình đảm bảo VSATTP như Công ty Phát Đạt buộc phải hoạt động cầm chừng. Thị trường vẫn chủ yếu chịu sự chi phối bởi các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác trong khu dân cư khiến công tác kiểm soát giết mổ gặp nhiều khó khăn. Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y, việc kiểm soát mới chỉ thực hiện được tại 2 nhà máy và 2 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Theo đó, mặc dù quy mô chăn nuôi của tỉnh hiện lên tới gần 122 nghìn con trâu, bò, 466 nghìn con lợn và gần 12 triệu con gia cầm, song đến nay, số gia súc, gia cầm được kiểm soát giết mổ bình quân khoảng 1,7 nghìn con gia cầm, thủy cầm/ngày, 20 con lợn và 5 con trâu bò.

Hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nằm rải rác trong khu dân cư chưa được chủ cơ sở quan tâm đầu tư trang thiết bị, dụng cụ giết mổ đảm bảo, cũng như hệ thống xử lý chất thải, nước thải; giết mổ trực tiếp trên sàn, chưa có khu giết mổ riêng biệt... nguy cơ nhiễm khuẩn trong và sau quá trình giết mổ, không đảm bảo điều kiện VSATTP và ô nhiễm môi trường...

Để nâng cao tỷ lệ gia súc, gia cầm giết mổ được sự quản lý của cơ quan chuyên môn thú y, đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP cho người tiêu dùng, đồng thời phòng ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan, thời gian tới, tỉnh tiếp tục duy trì kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung, đảm bảo điều kiện VSATTP.

Đồng thời, chỉ đạo xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh; từng bước gom các điểm giết mổ nhỏ lẻ vào các điểm giết mổ tập trung để tổ chức quản lý chặt chẽ và thực hiện kiểm soát giết mổ theo đúng quy định.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/76692/xay-dung-co-so-giet-mo-tap-trung---kho-chong-kho.html