Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ chợ cá Minh Lộc đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa
Trước đây, chợ cá Minh Lộc (chợ cũ) có quy mô 2 tầng, kết cấu khung bê tông cốt thép, tường xây gạch, với diện tích xây dựng 456m2; diện tích sàn 711,56m2; diện tích sử dụng 604,7m2. Chợ được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách xã và nguồn vốn khác.
Chợ cá Minh Lộc (mới) được đầu tư khang trang đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa trên địa bàn.
Mặt hàng kinh doanh trong nhà chợ chính chủ yếu là thủy, hải sản và đồ khô, đồ gia dụng, quần áo... Khu vực chợ dân sinh (chợ phía Đông) chủ yếu là các lều tạm và ngồi ngoài trời, lòng đường, vỉa hè. Tuy nhiên, hiện trạng tầng 2 của chợ hầu như không có tiểu thương kinh doanh, chủ yếu kinh doanh ở tầng 1. Chợ thường xuyên có khoảng 128 điểm kinh doanh cố định và 40 điểm kinh doanh vãng lai, không thường xuyên, các hộ kinh doanh này đa số tràn ra đường giao thông buôn bán, tự ý dựng lều lán tạm trên lòng, lề đường giao thông, gây mất an toàn giao thông, mất vệ sinh môi trường. Chợ không có hệ thống cấp thoát nước đồng bộ, không có hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy... Các điểm kinh doanh cố định tại chợ hoạt động theo dạng thỏa thuận với tổ quản lý chợ, không có hợp đồng, phí chợ được thu theo ngày. Chợ được UBND xã Minh Lộc ký hợp đồng giao khoán thầu cho cá nhân ông Mai Cát Vọng khai thác, quản lý, mức thu phí hàng năm được nộp vào ngân sách xã.
Thực hiện Quyết định số 1735/QĐ-UBND ngày 26-5-2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2017 và Quyết định 2910/QĐ-UBND ngày 28-9-2018 của UBND huyện Hậu Lộc về việc phê duyệt phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ cá Minh Lộc, xã Minh Lộc, thì chợ cá Minh Lộc được chuyển đổi thành chợ hạng 3.
Sau khi chuyển đổi, vị trí xây dựng chợ cá Minh Lộc (chợ mới) được quy hoạch có tổng diện tích 9.827m2. Phía Đông chợ giáp đường giao thông, các phía còn lại của chợ đều giáp khu dân cư xã Minh Lộc. Chợ được đầu tư xây dựng mới nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn của chợ hạng 3, nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi là chợ cá Minh Lộc và dự kiến sẽ còn phát triển quy mô chợ cũng như số lượng các hộ kinh doanh trong tương lai. Chợ mới bao gồm các hạng mục công trình như: Nhà chợ chính (chợ chung) quy mô 1 tầng, tổng diện tích xây dựng khoảng 1.847m2, gồm khoảng 272 điểm kinh doanh, mỗi điểm kinh doanh có từ 3,3 - 6m2 (tùy mặt hàng và vị trí), phục vụ buôn bán các mặt hàng gia dụng, tạp hóa, quần áo, giầy dép, thủy, hải sản, rau quả, thực phẩm tươi sống hàng ngày... Nhà ki-ốt (A, B, C, D, E) được xây dựng 2 tầng với tổng diện tích 3.439,6m2, gồm 66 ki-ốt có diện tích trung bình từ 40 - 60m2, phục vụ các hộ kinh doanh đồ điện, điện tử, đồ gia dụng, thực phẩm khô, hoa quả, thủy hải sản bán buôn có nhu cầu diện tích lớn. Các công trình phụ trợ khác gồm khu vực gửi xe, nhà vệ sinh, thu gom rác, hệ thống cấp điện, cấp nước sạch, khuôn viên cây xanh, thiết bị phòng cháy, chữa cháy... Ngoài các hạng mục nhà chợ, còn bố trí các khoảng trống khu đất ngoài trời cho các tiểu thương kinh doanh vãng lai, tùy vào điều kiện thực tế.
Chợ cá Minh Lộc được khởi công xây dựng từ giữa năm 2019, với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 37 tỷ đồng. Đơn vị chủ quản là Công ty CP Đầu tư Skyland (có trụ sở tại tỉnh Ninh Bình). Đến đầu năm 2020 chợ đã hoàn thành khu nhà chính, đảm bảo cơ sở hạ tầng với đầy đủ hệ thống xả thải, hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chợ cá Minh Lộc đã được Viện Kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa chứng nhận theo Quyết định số 0132/QĐCN-VPQI-HCC ngày 14-9-2020, là chợ kinh doanh thực phẩm, được đánh giá phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn TCVN 11856:2017. Hiện nay, nhà chợ chính được bố trí khoảng 200 điểm kinh doanh cố định, mặt hàng chính là hải sản và nhu yếu phẩm thiết yếu, quần áo, hàng tiêu dùng, hải sản tươi, khô, đông lạnh. Quy mô chợ cá Minh Lộc dự kiến đáp ứng được đầy đủ số lượng tiểu thương cũ và mới vào chợ. Hiện nay, chợ mở cửa cả ngày, họp chính vào buổi chiều, chưa thu các chi phí của tiểu thương, mục đích nhằm tạo thói quen và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tiểu thương vào chợ kinh doanh buôn bán. Theo tiến độ, chợ vẫn đang hoàn thiện các ki-ốt bán hàng. Dự kiến quý 1 năm 2021 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng đồng bộ, hứa hẹn là nơi giao thương sôi động của 6 xã ven biển huyện Hậu Lộc.
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi chợ cá Minh Lộc có nhiều thuận lợi, đó là chợ được xây dựng tại vị trí gần chợ cũ nên không phải bố trí chợ tạm trong quá trình xây dựng. Tại khu vực đang xây dựng trước đây là vùng trũng ao hồ, đất nông nghiệp kém hiệu quả, việc xây dựng chợ mới là cần thiết để tránh lãng phí và sử dụng tài nguyên có hiệu quả. Chợ cá Minh Lộc nằm ngay gần cảng cá Hòa Lộc nên có nguồn cung dồi dào, phong phú cho chợ. Bên cạnh đó, đường đê chạy qua chợ nối liền các xã ven biển và các đường tỉnh cũng tạo điều kiện khá thuận lợi cho người dân và du khách ra vào chợ mua bán, trao đổi hàng hóa.
Sau khi hoàn thành các hạng mục phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật của chợ mới, ban chuyển đổi chợ huyện Hậu Lộc đã phối hợp với UBND xã Minh Lộc và doanh nghiệp trúng thầu ra thông báo đóng cửa chợ cũ, di dời các tiểu thương kinh doanh sang chợ mới họp chợ ổn định. Tuy nhiên, tình hình chợ cũ hiện nay vẫn hoạt động nhỏ lẻ, một số tiểu thương vẫn lấn chiếm hành lang trên đê, trước chợ để buôn bán. Mặc dù hiện trạng chợ cũ trên diện tích rất nhỏ (456m2) nhưng có nhiều hộ kinh doanh vẫn lấn chiếm vỉa hè và lòng đường. Theo thói quen, bà con dựng lều bạt tạm, phục vụ nhu cầu mua bán của người dân xã Minh Lộc và một phần các xã Ngư Lộc, Hải Lộc. Từ thực tế trên cho thấy rất nhiều hệ lụy đối với chợ truyền thống, nhất là vào mùa mưa, quang cảnh chợ nhếch nhác, tạm bợ, hôi hám, gây mất mỹ quan, ách tắc giao thông, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, vi phạm hành lang đê, nguy cơ mất an toàn cháy nổ cao (thực tế ngày 26-7-2019 đã xảy ra vụ cháy tại ki-ốt bán hàng tầng 2 của chợ cũ)...
Đại diện Công ty CP Đầu tư Skyland, chủ đầu tư dự án chợ cá Minh Lộc cho biết: “Đầu tư, xây dựng chợ mới thay thế chợ cũ là nhu cầu cần thiết đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đó cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi rất mong các ngành và chính quyền địa phương cùng hợp tác, có biện pháp triệt để đối với các hộ đang còn kinh doanh tại khu vực chợ cũ, sớm di dời họ vào khu vực chợ mới. Đồng thời có phương án cùng với chủ đầu tư duy trì hoạt động, đảm bảo công năng sử dụng của chợ mới theo mục tiêu, kế hoạch đã phê duyệt”.
Theo ông Lê Đình Chung, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Hậu Lộc chia sẻ, thì hạt đang quản lý tổng số gần 70 km tuyến đê trên địa bàn huyện Hậu Lộc, trong đó khu vực chợ cũ của xã Minh Lộc nằm trên tuyến đê cấp 3 và chỉ có chiều dài khoảng vài chục mét. Hạt đã có ý kiến với địa phương về vấn đề giải tỏa một số tiểu thương họp chợ, gây cản trở an toàn giao thông và hành lang đê. Trong thời gian tới, hạt sẽ cùng với địa phương từng bước vận động, đưa họ vào vị trí đã quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về giao thông đi lại, cũng như giải tỏa hành lang đê đoạn qua trước chợ.
“Sau khi có quyết định chuyển đổi chợ cá Minh Lộc, phòng đã yêu cầu UBND xã Minh Lộc sắp xếp lại các hộ tiểu thương trong chợ; đồng thời phối hợp với xã tuyên truyền, vận động các hộ tiểu thương di dời từ chợ cũ sang chợ mới theo kế hoạch. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn một số ít hộ chưa chịu vào kinh doanh trong khu vực chợ mới. Phòng sẽ tiếp tục phối hợp với Ban An toàn giao thông huyện và chính quyền địa phương kiên quyết giải tỏa, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm, lấn chiếm đường giao thông, hành lang đê, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh an toàn thực phẩm tại khu vực chợ, đảm bảo cho nhà đầu tư hoạt động thuận lợi theo đúng thỏa thuận” - ông Nguyễn Nhật Vũ, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hậu Lộc, khẳng định.
Còn ý kiến của các tiểu thương buôn bán, kinh doanh tại chợ mới đều cho rằng: Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng chợ cá Minh Lộc nhằm đảm bảo các yêu cầu về an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, mỹ quan... đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với địa phương và phù hợp với mong mỏi của người dân. Song, để có thể đạt được mục tiêu đề ra, rất cần sự thu hút đầu tư của doanh nghiệp, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là sự đồng thuận từ phía các hộ kinh doanh. Từ đó có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như các hộ kinh doanh tại chợ hoạt động quản lý, kinh doanh, khai thác thuận lợi; đảm bảo nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và mức sống dân sinh trên địa bàn.